Cứ 10 đợt khách vào ăn món Nhật thì 2/3 không chọn món cá ngừ. Thay vào đó, họ chọn thực đơn là cá hồi, trích, trứng hoặc các loại hải sản khác. Để tìm hiểu lý do, chị Nguyễn Hà, chủ một quán ăn Nhật ở Hà Nội quyết định khảo sát ý kiến đánh giá của khách hàng.
Theo kết quả đó, phần lớn người Việt đã ăn tại nhà hàng cho biết họ không thích cá sống, đặc biệt là cá ngừ bởi vị tanh, rất khó nuốt. Trong khi đó, một số khách Nhật cho rằng nguyên liệu của Việt Nam không thơm, ngậy bằng cá ngừ tại xứ sở hoa anh đào.
Để đáp ứng nhu cầu của khách nước ngoài, chị Hà nhập nguyên liệu cá ngừ từ Nhật Bản. Cộng cả chi phí vận chuyển, trung gian, một kg cá ngừ Nhật khi về Việt Nam có giá bán đến 2,4-3 triệu đồng, gấp 8-15 lần cá ngừ Việt Nam. Kéo theo đó, các món ăn sử dụng nguyên liệu này cũng có giá cao và kén khách hơn vì không phải ai cũng dám bỏ tiền ăn đồ xa xỉ.
Giá rẻ hơn so với cá hồi Na Uy và một số loại hải sản khác nhưng cá ngừ vẫn khó hấp dẫn thực khách Việt. Ảnh: Ngọc Lan.
Sau một tháng thử nghiệm, phản hồi của khách hàng chưa mấy tích cực. Chị Hà quyết định chuyển các món có nguyên liệu chính từ cá ngừ như sushi, sashimi sang cá hồi...
Điều bất ngờ, dù cá hồi có giá 400.000 đồng/kg, đắt hơn cá ngừ trong nước là 100.000 đồng nhưng tiêu thụ rất tốt. Ngày cao điểm, nhà hàng bán được 2 tạ cá hồi, hàng chục kg tôm, mực.... còn cá ngừ chỉ bán được chưa đầy 10 kg.
Mỗi lần đi ăn quán Nhật, anh Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường ít chọn món cá ngừ. Lý do không phải vì khác khẩu vị hay ăn kiêng, mà anh Đức không thích mùi ngái ngái của món ăn này. Thay vào đó, anh thường chọn món liên quan đến cá hồi, cá trích hoặc hải sản khác.
"Tôi thường gọi những món ăn thông dụng như thịt, cá trứng, tôm thay vì gọi món ăn lạ. Bên cạnh đó, món cá hồi nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng cao, chữa nhiều bệnh nên thường xuyên nằm trong thực đơn của tôi" - anh Đức cho hay.
Anh Trần Quân, chủ chuỗi 5 cửa hàng hải sản tươi sống ở Hà Nội, cho biết mỗi ngày nhà hàng bán được 3-4 con cá hồi, tương đương 5 tạ cá phi lê, trong khi chỉ bán được 1-2 kg cá ngừ. "Tại cửa hàng, cá hồi 400.000 đồng/kg (phi lê), cá ngừ chỉ 220.000 đồng/kg. Nhưng khách thích ăn cá hồi hơn bởi chế biến được nhiều món. Trong khi đó, cá ngừ trong nước chỉ phổ biến theo mùa" - anh Quân cho hay.
Cá ngừ Việt Nam không được ưa chuộng ở quán ăn Nhật bởi nhu cầu khách hàng ít và mùi vị không ngon. Ảnh: Hữu Đại.
Trực tiếp thu mua cá ngừ ở vùng biển Tịnh Khê, Quảng Ngãi, anh Quân cho biết cách đánh bắt và bảo quản của người dân chủ yếu theo kinh nghiệm, không có một quy chuẩn nhất định. Cũng vì thế, chất lượng đến tay người tiêu dùng sẽ không được đảm bảo như ở Nhật Bản, Mỹ.
"Tuy chưa có trường hợp nào ngộ độc khi ăn cá ngừ nhưng khi bán, tôi đều khuyên khách hàng nên ăn chín" - anh Quân cho hay.
Ngư dân Trần Văn Hải, ở Tịnh Khê, Quảng Ngãi cho biết, cá ngừ phổ biến vào mùa thu đông, mùa hè rất hiếm. "Chúng tôi phải đánh bắt xa bờ 15-20 hải lý. Mỗi chuyến đánh bắt kéo dài 1 tuần. Chi phí đánh bắt, vận chuyển tốn kém, đầu tiêu thụ không đều nên không đủ kinh phí mua những máy móc trữ đông hiện đại. Hiện tại, chúng tôi sử dụng phương pháp bảo quản lưu trữ trong kho đá. Sau khi vào bờ, cá sẽ được làm sạch và cấp đông", anh Hải nói.
Anh Hải cho biết khó khăn hiện giờ của ngư dân Phú Yên là thị trường tiêu thụ không ổn định. Thông thường, giá cá ngừ dao động ở mức 100.000-130.000 đồng/kg, người đánh bắt mới có lời.
Đánh bắt cá ngừ ở Phú Yên. Ảnh: Hữu Đại.
Anh Hữu Đại, một cơ sở phân phối 30% thị trường xuất khẩu cá ngừ trong cả nước ở Phú Yên, cho biết hiện giờ, cá ngừ Việt Nam đã có mặt ở các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc... tuy nhiên mức giá còn thấp.
Đối với thị trường trong nước, cá ngừ không phải là một mặt hàng được ưa chuộng như các loại hải sản khác. Năm 2014, mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 1-1,5 tấn cá ngừ cho thị trường miền Bắc. Nhưng đến năm 2015, mức tiêu thụ giảm còn 1 tấn. Anh Đại cho rằng, qua nhiều khâu trung gian, đến tay người tiêu dùng, cá ngừ bị đội giá.
"Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang hỗ trợ trong việc đổi mới, cải tạo hình thức đánh bắt và bảo quản. Tuy nhiên, để thông qua được những quy định khắt khe của thị trường ngoại là rất khó" - anh Đại cho hay.