Khảo sát nhiều chợ trên địa bàn TP HCM như chợ Căn Cứ, Thống Nhất (Q.Gò Vấp), Nguyễn Xí, Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bình Thới (Q.11), An Lạc (Q.Bình Tân)... nhiều loại hạt nêm “3 không” (không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ) vẫn đang được bày bán dù đã ít đi.
Tuy nhiên, nhiều nhà hàng vẫn đang tiêu thụ mạnh mặt hàng này. Việc kiểm tra, kiểm soát còn lỏng lẻo, chế tài chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe...
Số lượng hạt nêm “ba không” và các gia vị không nhãn mác được các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ và phạt chỉ trong tháng 8-2016 là 80 trường hợp với hơn 846kg - Ảnh: T.H.
Né gia vị “3 không”
Gần bốn năm chuyên buôn bán hàng gia vị, trong đó có loại hạt nêm “3 không”, anh Nguyễn Văn Mười - chủ cửa hàng bán đồ gia vị tại chợ Căn Cứ - cho biết khoảng một tháng nay khách hàng tới mua loại gia vị này đã giảm nhiều, khiến tình trạng buôn bán ế ẩm.
Anh Mười tỏ ra lo lắng khi sức mua trầm xuống, trong khi cửa hàng còn khoảng 50kg bột nêm chưa bán được. “Tui tranh thủ bán hàng nhanh, chấp nhận bán với giá rẻ khoảng 15.000 đồng/kg để đẩy hàng. Chứ mùa mưa tới, không khéo ẩm mốc là toi hết vốn lẫn lời” - anh Mười thở dài nói.
Cùng chồng đi chợ, chị Lương Giang Trâm (đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh) cho biết trước đây chị cũng hay mua loại bột nêm trong bọc nilông trắng bán đầy ngoài chợ.
Theo chị Trâm, lúc nấu canh chị hay cho loại bột nêm này vào thì nổi lềnh bềnh bột màu trắng, mùi hắc. “Vợ chồng dè sẻn chi tiêu nhưng giờ không dám dùng loại này nữa, thà mua loại bột nêm rõ ràng, tuy có mắc tiền chút nhưng an tâm” - chị Trâm chia sẻ.
Nhiều chủ căngtin ở các trường đại học cho biết cũng hạn chế dùng loại bột nêm, bột ngọt không nhãn mác để tránh phiền phức khi cán bộ vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra.
Bà N.T.T. - chủ căngtin ở ký túc xá khu B ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết trước đây bà cũng hay mua loại bột nêm này về dùng, phục vụ sinh viên. Nhưng loại bột nêm này khó bảo quản, gặp gió là đóng thành cục. Nếu sử dụng bị phát hiện, bà T. lo bị phạt số tiền nhiều hơn cả tiền lời nên cho biết đã không sử dụng nữa...
Vẫn len lỏi vào quán ăn nhậu
Người dùng, tiểu thương tại các chợ bắt đầu né các loại gia vị, hạt nêm không rõ nguồn gốc, tuy nhiên chúng vẫn len lỏi trên bàn nhậu khắp thành phố.
Giờ tan tầm, chúng tôi có mặt trên đường Mã Lò (Q.Bình Tân), hàng ngàn công nhân từ các nhà máy, khu công nghiệp ùn ùn kéo ra đường, những quán ăn bắt đầu đỏ lửa để đón khách.
Tấp vào một quán ốc lề đường tại khu vực này, có thể thấy đồ ăn chất đầy trên bàn, phía sau là gia vị đủ loại đựng trong các loại hộp nhem nhuốc bám đầy dầu mỡ không nhãn mác.
Trong vai người muốn mở quán ăn đang tìm địa chỉ mua các loại gia vị giá rẻ để tiết kiệm, chúng tôi hỏi chủ quán chỗ để nhập hàng. Vừa thoăn thoắt nấu ăn, chủ quán nói ngắn gọn: “Mua ngoài chợ, anh ra đó muốn bao nhiêu cũng có”.
Không chỉ có các quán ăn lề đường, rất nhiều quán cơm, phở, bún tại trung tâm TP cũng đang hằng ngày sử dụng các loại gia vị không nhãn mác nhằm tiết kiệm chi phí. Ông N.T., chủ quán cơm gà trên đường Lê Hồng Phong (Q.10), thừa nhận nấu số lượng lớn mà mua mấy loại gia vị “chánh hiệu” thì chịu sao nổi, lấy lời đâu ra.
“Một suất cơm giờ 35.000 đồng, gánh chi phí nguyên liệu, nhân công, mặt bằng... Nếu không tiết kiệm thì kiếm đâu ra lời?” - ông chủ quán nói.
Cũng với lý do tiết kiệm chi phí, chủ quán Thanh Tân bán thịt heo rừng trên đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú) cho biết mỗi ngày quán của ông tiêu thụ 30-40kg thịt heo rừng. Nếu không sử dụng các loại gia vị giá rẻ thì khó có lời. Tại quán nhậu này, mỗi tháng có 30-40kg bột ngọt, hạt nêm, gia vị không rõ nguồn gốc tẩm trực tiếp vào đồ ăn.
Theo các tiểu thương, hiện nay việc quản lý chất lượng thực phẩm chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống, các loại gia vị ít bị kiểm tra.
“Lâu lâu chừng 2-3 tháng mới có đợt thấy mấy người đến kiểm tra, ghi chép, sạp nào bán nhiều thì tịch thu, xử phạt” - chị Trang, tiểu thương chợ Võ Thành Trang (Q.Tân Bình), nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết việc kiểm soát, không cho hàng hóa không rõ nguồn gốc được lưu thông là trách nhiệm của quản lý thị trường. Ban quản lý các chợ cũng phải tăng cường thuyết phục người dân. Người bán không bán, người mua không mua mới giải quyết dần dần vấn đề này.