Năm 2015, thị trường tivi Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,6 triệu chiếc tivi (chủ yếu là tivi LCD) với giá trị ước chừng 1 tỉ USD (11 tháng năm 2015, doanh thu là 19.000 tỉ đồng), tăng khoảng 15% so với năm 2014.
Trong đó, thế mạnh là phân khúc màn hình kích thước 32 – 40 inch (chiếm khoảng 45%), phần còn lại là các phân khúc 43 – 55 inch và dưới 32 inch. Với độ hấp dẫn như vậy, giới kinh doanh dự báo: năm 2016 sẽ là năm khởi đầu cho cuộc “đại chiến” giữa các thương hiệu lớn có thâm niên trên toàn cầu với các thương hiệu có “lục phủ ngũ tạng” đến từ Trung Quốc.
‘Ém quân’
Cách đây 17 năm, tivi thương hiệu Trung Quốc đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam là TCL. Gần đây, tháng 5-2013, Skyworth (thành lập năm 1988 tại Shenzhen High Tech Industrial Park, Trung Quốc) đã thành lập văn phòng tại Việt Nam.
Hai thương hiệu trên có “số má” trên thị trường. Theo WitsView công bố, năm 2014, TCL đứng thứ 4 với 6,1% thị phần, còn Skyworth đứng thứ 7 với 4,8% thị phần tivi trên toàn cầu.
Tháng 4-2004, TCL chi 560 triệu USD để mua lại 67% tập đoàn điện tử Thomson của Pháp. Còn ngày 1-6-2015, Skyworth đã mua lại toàn bộ tài sản và thương hiệu, bằng sáng chế, khuôn mẫu tivi và những gì liên quan đến thương hiệu của tập đoàn Metz (Đức). Mục tiêu việc mua lại các tên tuổi lớn của TCL và Skyworth là nhanh chóng trở thành những thương hiệu toàn cầu.
Những chiếc tivi của TCL hiện được sản xuất tại nhà máy của hãng trong khu công nghiệp Biên Hoà.
Theo đại diện của Skyworth Việt Nam, hiện những sản phẩm của hãng bán tại thị trường trong nước được lắp ráp tại một nhà máy riêng (chưa xác định địa chỉ) của Skyworth trong lãnh thổ Việt Nam. Dù có ưu thế về giá nhưng theo thống kê của các hãng nghiên cứu thị trường, TCL và Skyworth vẫn chưa thuyết phục được người tiêu dùng trong nước.
Theo một nguồn tin riêng của Thế Giới Tiếp Thị, hiện nay TCL chiếm khoảng 5,7% về thị phần số lượng, doanh thu chiếm khoảng 3%. Còn Skyworth dù đã có mặt tại các kênh bán lẻ lớn như: Điện máy Xanh, Chợ Lớn, Lazada… nhưng vẫn chưa có “số má”, ước chừng 2% thị phần còn doanh thu… “không thấy hiển thị trong những báo cáo khảo sát thị trường hàng tháng”, nguồn tin cho biết.
Một thương hiệu trong nước đang “ăn nên làm ra” là Asanzo với số lượng bán ra trong năm 2015 là 250.000 máy, chiếm khoảng 8% thị phần, dự kiến năm 2016 là 350.000 chiếc, tổng giám đốc Asanzo Phạm Văn Tam nói.
Cũng theo lời vị tổng giám đốc, linh kiện của Asanzo nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua các hãng như LG, Toshiba…!
Trong khi đó, giới chuyên gia về tivi tại Việt Nam lại cho rằng “hàm lượng Trung Quốc trong những sản phẩm Asanzo không hề nhỏ”.
Hiện nay, trên thị trường tivi, giá của TCL và Asanzo đang so kè, nhưng Asanzo có lợi thế là hiểu người tiêu dùng, hiểu thị trường hơn TCL.
Một số doanh nghiệp trong nước như Viettronics Tân Bình (VTB), Biên Hoà (Belco)… cũng nhập linh kiện để lắp ráp, hoặc nguyên chiếc, sau đó dán nhãn hiệu bán ra thị trường. Dung lượng của những thương hiệu này còn quá nhỏ.
Dễ làm…
“Sản xuất tivi bây giờ dễ lắm, cứ qua nhà máy, chọn mẫu là họ sản xuất cho mình, giống như đặt hàng sản xuất smartphone vậy” - một chuyên gia về lĩnh vực tivi tiết lộ.
Theo hướng dẫn của vị chuyên gia này, vào trang Alibaba.com, gõ từ khoá tivi là trang web đổ ra hàng loạt nhà sản xuất với năng lực, giá cả cho từng kích thước… bằng tiếng Việt.
Shenzhen Stoga Technology cho biết năng lực sản xuất của công ty này là 20.000 sản phẩm/ tháng. Nếu đạt được thoả thuận, trong vòng 15 ngày sẽ có hàng mẫu, 20 ngày sẽ có sản phẩm chính thức với yêu cầu: khách hàng phải đặt hàng với mức tối thiểu là 100 chiếc/đơn hàng.
Hãng sản xuất này cam kết sẽ tuỳ biến bất kỳ yêu cầu của khách hàng, từ mẫu mã, công nghệ bắt sóng theo từng chuẩn của quốc gia, bảo hành hai năm và kèm thêm 1% phụ tùng thay thế bao gồm: mainboard, nguồn, điều khiển từ xa…
Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật của Soncamedia, giá thành của một chiếc tivi kích thước 32 inch nhập từ Trung Quốc, khi về Việt Nam có giá là 2,6 triệu đồng (đã tính thuế nhập khẩu và thuế GTGT). Từ mức giá trên, giá lưu thông trên thị trường dao động từ 2,8 – 3 triệu đồng.
“Trong năm 2016, giá tivi sẽ rẻ hơn, lợi nhuận thấp hơn vì có nhiều công ty trong nước nhảy vào kinh doanh mặt hàng này” - ông Chính bình luận.
Sau khi bán nhà máy sản xuất tivi CRT (tivi bóng đèn hình) mang thương hiệu SAM ở Bình Dương (vì các hãng sản xuất Trung Quốc không còn cung cấp linh kiện), thất bại ở lĩnh vực đầu tư địa ốc, Đông Á vừa quay trở lại sản xuất tivi LED cách đây một tháng với thị trường các tỉnh phía Bắc.
“Nhập linh kiện rẻ hơn nhập nguyên chiếc. Đông Á đang xây dựng nhà máy lắp ráp tại Bà Rịa với công suất khoảng 20.000 chiếc/tháng” - ông Trần Văn Sâm, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Đông Á, cho biết.