Có bạn thân buôn bán đồ điện tử điện lạnh cũ, vợ chồng anh Đức (Hà Nội) thường mua sắm các đồ gia dụng đắt tiền trong nhà là hàng nội địa Nhật Bản. Từ thứ lớn như máy tính, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt đến thứ nhỏ như quạt bàn, ấm siêu tốc...
Đây đều là hàng đã qua sử dụng, nhưng vẫn còn mới trên 50%, nhiều món mới tới 80-90%. Người bạn kiểm tra thấy ổn, vợ chồng anh mới lấy về. Hai vợ chồng đều không biết tiếng Nhật, nên nhờ bạn hướng dẫn vài chức năng cơ bản của sản phẩm rồi về dùng theo. "Nhiều chức năng mà người bán không giải thích thì vợ chồng mình cũng chịu, không dám động tới".
Sau một thời gian dùng, anh Đức cảm thấy mua hàng nội địa Nhật giống như đánh bạc, ăn may từng cái. Có món đồ nhà anh dùng rất thích như chiếc tủ lạnh 400 lít mua 14 triệu, chiếc quạt bàn đơn giản giá 400 nghìn đồng... chưa hề hỏng suốt 2 năm qua. Tủ lạnh bảo quản thức ăn tốt, còn quạt chạy êm hơn hàng mới của Việt Nam, và cơ bản cả hai đều tiết kiệm điện. Tuy nhiên, chiếc máy tính anh đi mua cùng với một người bạn, trong khi của người kia dùng vẫn tốt thì của nhà anh thường xuyên hỏng, liên tục phải đem đi sửa.
Ngoài ra, các sản phẩm nội địa Nhật vốn dùng cho người Nhật nên cũng đòi hỏi môi trường hoàn hảo. Chiếc máy giặt hiệu National cửa ngang anh mua 10 triệu thường xuyên đình công mỗi khi nguồn nước có vấn đề. Đặc biệt, mùa nồm, trời mưa phùn, quần áo càng bẩn, càng cần giặt nhiều, càng cần máy giặt để vắt khô thì máy lại báo lỗi và dừng làm việc nhiều nhất. Có lần, anh tự lấy máy sấy để sấy khô bộ bo mạch điều khiển nhưng đa số là phải gọi thợ đến sửa. Mới dùng 30 tháng, anh đã phải gọi thợ 6 lần.
"Khi mua máy giặt, vợ chồng tôi được đưa một quyển hướng dẫn sử dụng, khi máy có vấn đề, không chạy sẽ có số hiện ra, tra là biết phần nào trục trặc nhưng sửa thì phải gọi thợ", anh Đức kể và cho biết thêm máy giặt thời gian đầu chạy rất êm, nhưng giờ kêu rất to, bị nghẹt ở bộ phận xả do nước của nhà sử dụng có nhiều cặn và tạp chất đọng lại.
Chiếc máy giặt quá thông minh nhà anh Đức thường tự nghỉ khi nguồn nước bẩn hay không khí ẩm. Ảnh: NVCC.
Anh Tùng (TP HCM) cũng đồng tình các sản phẩm nội địa Nhật rất kén môi trường và mua hàng bãi của Nhật cũng "hên xui". Gia đình anh Tùng lắp chiếc điều hòa Nhật 9.000 BTU vào năm 2015. "Trong lô hàng khoảng 50 bộ, tôi lựa được một bộ Sharp sản xuất 2008, inverter, buổi tối thì được nhưng trưa nắng thì nhiệt độ điều hòa chỉ xuống đến 27 - 28 độ C là dừng, dù tôi đặt chế độ nào".
Do các sản phẩm nội địa của Nhật tiết kiệm điện, thường dùng nguồn điện 100V - 110V nên anh phải mua một bộ chuyển đổi điện, tốn 500 nghìn. Đáng nói là việc chuyển đổi nguồn điện này khiến việc lắp đặt không được thẩm mỹ lắm. Vì thế anh chỉ "lắp điều hòa nội địa ở phòng ngủ, phòng khách vẫn dùng điều hòa liên doanh sản xuất tại Việt Nam cho đẹp". Chưa kể vì dùng nguyên vật liệu tốt nên cục nóng máy điều hòa nội địa nhà anh Tùng cũng nặng hơn hẳn chiếc sản xuất liên doanh trong nước.
Mua hàng nội địa Nhật mới tinh được xách tay về nhưng gia đình chị Bích (Hà Nội) cũng gặp những bất tiện nhất định. Năm ngoái, chị mua một robot hút bụi giá 5,6 triệu, mới dùng một hôm thì robot gặp vấn đề, người bán đến tận nhà sửa không được nên mang về, nói đổi lại hàng bên Nhật.
Đổi máy mới, nhưng chỉ được chục hôm dùng tiếp, robot lại ngừng chạy, vợ chồng chị loay hoay các kiểu, không biết sửa thế nào vì nhìn vào tờ hướng dẫn chỉ có tiếng Nhật, chứ không có tiếng Việt hay tiếng Anh. Người bán cũng không đổi hàng cho nữa, chỉ nói phải chờ đi sửa. Sau đó gọi mãi người này cũng không đến. Quá nản, sợ mất công mang ra tiệm không có ai biết tiếng, chị Bích đành bỏ xó con robot. Về sau, chị mua một cái máy hút bụi cơ sản xuất trong nước giá chỉ 2 triệu và "cảm thấy khỏe hẳn".
Anh Xuân Tiến, giám đốc một công ty phân phối và bảo hành điện lạnh tại TP HCM nhận xét: Trong mắt người tiêu dùng Việt Nam, hàng nội địa của Nhật Bản luôn được ưa chuộng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua hàng Nhật đã qua sử dụng thay vì mua một hàng mới được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, do hàng nội địa Nhật là hàng sản xuất cho người Nhật sử dụng, không dành cho xuất khẩu nên không thực sự phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam. Nhật Bản thuộc xứ ôn đới, không khí khô thoáng trong khi Việt Nam lại là xứ nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao nên dễ khiến sản phẩm hỏng hóc. Ngoài ra, hàng Nhật đòi hỏi nguồn điện, nguồn nước sạch và ổn định, phù hợp với môi trường không khí sạch.
Dù là hàng cũ hay hàng mới 100% thì những sản phẩm này đều không được bảo hành chính hãng, việc sửa chữa tương đối khó khăn, đôi khi không sửa được. Anh Tiến thừa nhận không phải thợ nào cũng có thể sửa được những sản phẩm nội địa Nhật Bản, những người tay nghề không cao thường rất lúng túng. Khi một bộ phận nào đó bị hỏng hóc, ở Việt Nam thường không có sẵn phụ tùng thay thế, đa số thợ sẽ lắp ghép các phụ tùng không đồng bộ hoặc là những bộ phận mà họ đã tận dụng được khi mua đồ đồng nát.