Có mặt tại Sài Gòn hơn 20 năm, các cửa hàng ở cuối đường Chu Mạnh Trinh (quận 1), hay Trần Quốc Toản, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thông (quận 3) gần như cung cấp toàn bộ các loại đặc sản miền Bắc.
Các loại thực phẩm khô như măng vầu, nấm hương Bắc, miến dong Bắc Kạn và hàng trăm mặt hàng khác được vận chuyển vào TP HCM bằng tàu hỏa.
Riêng các sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn hơn như đậu phụ làng Mơ, chả cốm Hà Nội, chân giò ủ muối, chả mực giã tay... được vận chuyển bằng đường hàng không.
Chị Phương, chủ cửa hàng đặc phẩm Hà Nội trên đường Chu Mạnh Trinh, cho biết các thức ăn ngay như chè, xôi, bánh đúc cũng được mang từ Bắc vào bằng máy bay.
Đặc sản được bày bán nhiều nhất là bánh chưng từ các làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Theo nhiều khách hàng, bánh chưng được bán tại các cửa hàng ở Sài Gòn có giá không đắt hơn nhiều so với tại Hà Nội.
Giò chả cũng là món quà được nhiều người con xứ Bắc vào Sài Gòn sinh sống chọn mua. "Không còn gì thích bằng sống xa quê mà vẫn được nếm đặc sản của quê mình" - bà Hoa, một người Hà Nội sống tại quận 3, chia sẻ.
Rau tươi tại Sài Gòn không thiếu, song nhiều chủ cửa hàng vẫn muốn chuyển rau từ quê vào. Tại các cửa hàng này, khách muốn mua rau đay, sấu tươi hay sấu đông lạnh đều có đủ.
Cà muối, cà pháo xanh muối, măng muối, mắm tôm và các loại thực phẩm khác chỉ có ở các tỉnh miền Bắc cũng có mặt quanh năm để phục vụ khách hàng.
Nhiều cửa hàng còn có cả bánh đa nướng.
Lá chanh tươi - thứ nguyên liệu không thể thiếu khi ăn với gà luộc - rất phổ biến ở miền Bắc nhưng không dễ tìm ở Sài Gòn.
Mùa nào thức ấy, các loại hoa quả miền Bắc luôn có mặt tại Sài Gòn. Khách cần hôm trước, chỉ cần gọi điện thì hôm sau đã có. Từ mớ hoa loa kèn gợi ký ức tuổi thơ, cho đến quả mận giòn tươi đầu mùa.
Trong những ngày đầu tháng 5, quả mơ tươi cũng đã có mặt nhiều cửa hiệu. "Kinh doanh là kế sinh nhai, nhưng niềm vui lớn hơn của tôi từ hơn 20 năm qua là mang đến cho những người xa xứ những món ăn vốn đã gắn liền với tuổi thơ của họ" - bà Thắng, chủ một cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản nói.