Theo ghi nhận tại địa phương, do hầu hết thương lái Trung Quốc hiện ngừng thu mua nên giá cua biển tại một số vùng nuôi của Cà Mau chỉ còn 120.000-180.000 đồng mỗi kg, giảm một nửa so với trước đây. Với mức giá này, nhiều nông dân đang như ngồi trên lửa khi phần lớn cua đã đến thời kỳ thu hoạch, nếu không được thu mua, các hộ nuôi chắc chắn lỗ nặng vì chi phí thức ăn, con giống quá cao.
Sau khi biết được thông tin trên, một doanh nghiệp nông sản tại Hà Nội cùng nhóm thiện nguyện từng "giải cứu" dưa hấu miền Trung trước đó đã vào Cà Mau khảo sát tình hình để hỗ trợ tiêu thụ.
Theo ông Đặng Như Quỳnh - Giám đốc doanh nghiệp này, hiện chưa thể tính chính xác địa phương đang tồn bao nhiêu tấn cua. Thông thường, bước vào tháng 7, tháng 8 Âm lịch, cua biển Cà Mau cũng xuống giá (do thời điểm gần Trung Thu, người Trung Quốc ít ăn cua biển) nhưng không thấp như hiện nay.
Doanh nghiệp nội địa đang thu mua cua với giá 250.000 đồng một kg và cam kết tiêu thụ cho đến khi giá tăng trở lại. Ảnh: Phúc Hưng.
Vị này cho biết trước mắt, nhóm thiện nguyện khởi động lại kế hoạch tiêu thụ cua cho bà con nông dân. Song, do là mặt hàng tươi sống, cần tiêu thụ ngay trong ngày, nên vận chuyển bằng đường hàng không là phương án tối ưu. Vì vậy, mặt hàng này chỉ được cung cấp tại một số tỉnh, thành có sân bay, không thể mở rộng đến khắp các địa phương cả nước như các nông sản trước đó.
“Sau khi cua được tập kết tại sân bay Cần Thơ, ngoài Hà Nội, TP HCM sản phẩm sẽ được chuyển tới Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng" - lãnh đạo doanh nghiệp nói và cho biết thêm riêng tại Hà Nội, mỗi ngày có 3 chuyến hàng tương đương 6 tấn cua được cung ứng.
Tính cả các địa phương khác, trong 4 ngày qua, công ty đã tiêu thụ gần 60 tấn cua. Song, theo ông Quỳnh các chuyến hàng đều chỉ mang tính thăm dò nhu cầu tiêu thụ của người dân vì giá bán cũng khá cao so với các mặt hàng nông sản thông thường. Nếu sức tiêu thụ lớn, doanh nghiệp mới có kế hoạch lâu dài.
“Không thể mở rộng thị trường tiêu thụ, bởi chi phí vận chuyển cao đang là khó khăn của doanh nghiệp. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ duy trì chương trình thu mua cho đến khi thương lái Trung Quốc quay lại, giá có khả năng sẽ tăng. Đây cũng là một trong những chiêu bài mà họ đã sử dụng cho các nông sản trước đây tại nhiều địa phương" - vị này bày tỏ.
Với giá thu mua tại đầm nuôi là 250.000 đồng một kg, cộng thêm các chi phí vận chuyển, tất cả các điểm bán lẻ đều niêm yết với mức giá 330.000 đồng mỗi kg. Riêng số lượng cua chưa đủ trọng lượng để thu hoạch, ông Quỳnh cho biết đã vận động bà con giữ lại để nuôi, đồng thời hạn chế tốc độ sinh trưởng, tránh tình trạng đánh bắt vội, bán cua non chất lượng không ngon, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm địa phương.
Cà Mau có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước. Bình quân mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu kể cả chính ngạch và tiểu ngạch của tỉnh lên đến vài trăm nghìn tấn, trong đó chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Lãnh đạo huyện Năm Căn cho biết địa phương có trên 25.000 ha nuôi trồng thủy sản (tôm và cua biển kết hợp), hàng năm cung ứng ra thị trường trên dưới 3.000 tấn cua thương phẩm. Hiện có 20 doanh nghiệp chuyên thu mua cua biển xuất sang Trung Quốc với quy mô lớn. Với giá cua xuống thấp như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều điêu đứng.