Những ngày này, các thương hiệu ở một số trung tâm thương mại lớn của TP HCM đồng loạt giảm giá 30-50% cho một số hoặc toàn bộ sản phẩm. Thời gian kéo dài từ 2-3 ngày trở lên tùy vào chính sách của công ty.
Biển đen, chữ đỏ sale hàng loạt dịp Black Friday
Tại một cửa hàng kinh doanh gia dụng tại Vincom Central, nhân viên cửa hàng cho hay cửa hàng giảm giá 50% cho một số sản phẩm trưng bày.
“Đối với những sản phẩm mới thì giảm 10-20% nhằm hưởng ứng ngày Black Friday”, một nhân viên cho hay.
Nhân viên này cho biết thêm hàng năm ngày “thứ sáu đen tối” cửa hàng luôn đông khách, nhân viên liên tục phải lên kho lấy hàng bổ sung còn năm nay thì chưa dự đoán được. Lượng khách vẫn bình thường dù đã treo biển giảm giá.
Trong khi đó, các thương hiệu may mặc, thời trang là sản phẩm hưởng ứng ngày hội giảm giá mạnh mẽ nhất. Tại một cửa hàng lớn với mặt hàng chính là thời trang nữ tại Saigon Central, đội ngũ maketing phải chuẩn bị từ cả tháng trước.
“Cửa hàng mở đồng loạt sale từ 30% đến 50% cho những sản phẩm quần áo, phụ kiện nữ, đặc biệt sale mạnh các mặt hàng thiết kế trong nước”, quản lý cửa hàng chia sẻ.
Khác với những cửa hàng khác nếu như chỉ giảm giá 1 hoặc 2 ngày thì cửa hàng này giảm liên tục cho đến giữa tháng 12. Việc này nhằm khuyến khích khách hàng mua sắm cuối năm, đồng thời giới thiệu thiết kế cho dịp xuân hè 2017.
Một số cửa hàng thời trang kinh doanh cả hàng thiết kế từ Đức, Pháp cũng đồng thời xen với hàng tuyển chọn thiết kế riêng biệt tại Việt Nam và bán đồng loạt với giá 599.000 đồng. Tuy nhiên, hàng nhập ngoại thì vẫn chưa có kế hoạch sale cụ thể.
Đồng loạt giảm giá các sản phẩm thời trang. Ảnh: Thái Nguyễn.
Cẩn thận chiêu xả hàng cũ
Vừa bước ra từ một thương hiệu thời trang lớn, Hoàng Anh (quận 1, TP HCM), một “tín đồ” thời trang, chia sẻ không chỉ riêng ngày Black Friday mà hầu hết các sự kiện giảm giá trong năm chị đều đến trung tâm thương mại để mua sắm.
“Thực ra chưa chắc hàng được khuyến mãi trong ngày Black Friday là hàng tốt nhất của cửa hàng. Những món hàng hiệu thực sự thường sale với mức giá trung bình, cũng như các ngày lễ bình thường là 10-20% cao lắm là 30% thôi”, Hoàng Anh nói.
Chị cho biết thêm, Black Friday không chỉ là dịp các cửa hàng bán giảm giá mà còn là cơ hội để “tuồn” hàng cũ, lỗi mốt. Thậm chí, một số nơi kinh doanh cả hàng giả mà nếu không phải “dân trong nghề” thì không thể phân biệt được.
“Giày thể thao là một điển hình. Trình độ fake hàng được nâng cấp lên rất nhiều, fake loại 1, loại 2… mắt thường khó mà nhìn ra được”, Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, với nhiều năm mua sắm chị rút được vài kinh nghiệm để tránh mua hàng cũ, chiêu sale ảo như nên đến trước ngày giảm giá vài ngày xem giá sản phẩm cũng như mẫu mã. Đợi ngày sale và đến kiểm tra có gì thay đổi hay không.
"Một số cửa hàng đổi giá, đổi mẫu vào ngày sale chính", tín đồ thời trang này chia sẻ.
Black Friday (Thứ sáu đen), còn được gọi là “ngày vàng mua sắm”, là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn của người Mỹ ( khoảng ngày 23-29/11). Đây là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở nước Mỹ sau đó lan rộng ra thành một “cơn sốt” mua sắm trên toàn thế giới.
Vào ngày này, ở một số nước phát triển phần lớn cơ sở bán lẻ lớn đều mở cửa từ 4h sáng hoặc sớm hơn và dù không phải là ngày lễ hay ngày nghỉ nhưng nhiều ông chủ cho nhân viên của mình nghỉ làm để mua sắm.
Trong tiếng Anh có thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận; tương phản là "in the red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát. Ngày xưa, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp.