Bộ Y tế đang đề xuất quỹ BHYT chi trả thuốc điều trị kháng virus mới cho bệnh nhân viêm gan để người bệnh có cơ hội được chữa khỏi bệnh.
90% bệnh nhân không được điều trị
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, ước tính Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn tại Việt Nam. PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của mình. Viêm gan B có tỉ lệ người nhiễm rất cao trong cộng đồng (10%-15%), tiến triển nhanh tới suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Thống kê gần đây cho thấy mỗi năm có 20.000 người tử vong vì ung thư gan, trong đó nhiễm viêm gan virus B và C không được điều trị là nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Hiện bệnh viêm gan C tuy chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng gần đây, với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỉ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, chi phí cho điều trị vẫn còn cao và chưa được BHYT chi trả, do đó hầu hết 90% bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. "Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp đăng ký lưu hành thuốc ở Việt Nam, đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được BHYT chi trả với tỉ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm ngàn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi" - GS Quốc Anh đề xuất.
Điều trị bệnh nhân viêm gan C tại Bệnh viện Bạch Mai
Kẻ giết người thầm lặng
Đề cập đến việc điều trị bệnh nhân viêm gan C, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết hiện nay, chi phí điều trị viêm gan C cho một bệnh nhân ở mức trung bình từ 80-120 triệu đồng/lộ trình. Chưa kể trong quá trình điều trị người bệnh phải đồng chi trả các xét nghiệm có chi phí lớn như xét nghiệm tải lượng virus, các xét nghiệm khác liên quan. Bệnh nhân viêm gan C tại Việt Nam chiếm khoảng 7% dân số nhưng chỉ có khoảng hơn 0,1% trong số này (6.000-8.000 bệnh nhân) được tiếp cận điều trị do trước đó chi phí điều trị quá đắt đỏ. Trong khi đó, viêm gan C nếu không điều trị sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư, khi đó chi phí điều trị sẽ lớn hơn rất nhiều nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. "Hiện nay, thế hệ thuốc mới điều trị viêm gan C đã được Bộ Y tế cho phép áp dụng điều trị tại Việt Nam và đã chứng minh có kết quả tốt có tỉ lệ điều trị khỏi lên đến hơn 90%, ít tác dụng phụ và thời gian điều trị cho đa số bệnh nhân chỉ còn 3 tháng. So với thuốc điều trị viêm gan C dạng tiêm, chi phí điều trị thuốc mới này nếu được quỹ BHYT chi trả sẽ giảm một nửa" - PGS Kính nói.
Dù vậy, nếu không có bảo hiểm, việc chi trả cho thuốc này hầu như vượt quá khả năng của phần lớn người dân. "Trung bình chi phí cho một lộ trình điều trị 3 tháng là khoảng 45 triệu đồng nhưng so với chi phí của phác đồ cũ đang được BHYT chi trả (120 triệu đồng) chi phí này vẫn thấp hơn. Hiện chúng tôi đang đề xuất quỹ BHYT chi trả thuốc mới này cho người bệnh viêm gan C" - GS Kính nói.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, cho biết viêm gan C thường không có biểu hiện rõ rệt và thường diễn biến âm thầm nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Đa số các trường hợp viêm gan C cấp tính thường có triệu chứng tương tự với các triệu chứng của cảm cúm thông thường như: người mệt mỏi; đau nhức cơ; ăn không ngon miệng, buồn nôn; nhức đầu; nóng sốt; rối loạn tiêu hóa; đau bụng; nước tiểu sẫm màu; có hiện tượng vàng da, vàng mắt... Do đó, virus viêm gan B và C được coi như một "kẻ giết người thầm lặng" và để lại hậu quả nặng nề. Việt Nam đang xây dựng hướng dẫn quốc gia về điều trị bệnh viêm gan C nhưng vấn đề hiện nay là bệnh nhân viêm gan C mạn tính khó khăn trong tiếp cận điều trị do giá thành của thuốc kháng virus hiện vẫn còn cao.
PGS-TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo cách tốt nhất để phòng tránh lây nhiễm viêm gan C là tránh tiếp xúc với máu bị nhiễm virus bằng cách không dùng chung kim tiêm hay các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu như dao cạo râu, kìm cắt móng tay, bàn chải đánh răng... Trong sinh hoạt tình dục, khi đã biết hoặc nghi ngờ đối tượng tiếp xúc có mang virus viêm gan C thì nhất thiết phải dùng bao cao su để bảo đảm an toàn.