Không chỉ sửa đổi và dự thảo thay thế Nghị định 38/2012 trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đang rà soát và đề xuất sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt lĩnh vực ATTP theo hướng tăng mức xử phạt.
Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng
Chia sẻ với báo giới về việc thực hiện cải cách, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết dự kiến tháng 12 tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38.
Theo ông Quang, từ năm 2010, Bộ Y tế đã có các đề án kiểm soát TTHC, đơn giản hóa 227 TTHC. Theo đánh giá, việc đơn giản TTHC này đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Chẳng hạn, năm 2015, Bộ Y tế đã rà soát các nhóm TTHC liên quan đến khám chữa bệnh (KCB) cho người dân. Qua xem xét, đối chiếu tính toán đã tiết kiệm 300 tỉ đồng mỗi năm liên quan nhóm thủ tục KCB. Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng đơn giản hóa. Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá các tác động của TTHC, công bố công khai TTHC được ban hành, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện tại địa phương...
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ được cắt giảm và đơn giản hóa
Cũng theo ông Quang, theo thống kê trong toàn ngành y tế có 11 lĩnh vực thực hiện cải cách TTHC trong đó có các lĩnh vực dược, mỹ phẩm, ATTP, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình, giám định y khoa, tài chính y tế... "Có 288 thủ tục của trung ương và 276 thủ tục của địa phượng. Bộ Y tế sẽ không trực tiếp cung cấp các TTHC nữa mà phân cấp cho các địa phương quản lý. Đơn cử, lĩnh vực y khoa có 61 thủ tục nhưng chỉ có 1 thủ tục do Bộ Y tế thực hiện, còn 60 thủ tục giao cho các địa phương. Hay các lĩnh vực liên quan đến y tế dự phòng có 97 thủ tục thì 55 thủ tục do Bộ Y tế cung cấp, còn 42 thủ tục giao cho địa phương. Đặc biệt lĩnh vực KCB có 149 TTHC, Bộ Y tế chỉ cấp 62 thủ tục còn 87 thủ tục giao cho các địa phương, tức là đã có sự phân cấp khá rõ" - ông Quang dẫn chứng. Bộ Y tế đang triển khai cơ chế một cửa quốc gia có sự liên thông của cổng hải quan quốc gia. Hiện nay đã kết nối được 5 TTHC. Dự kiến đến năm 2020, các vấn đề liên quan đến TTHC xuất nhập khẩu, xuất cảnh sẽ được thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công mức độ 4 và sẽ được thu phí, lệ phí bằng phương pháp điện tử.
Giảm thủ tục, tăng mức phạt
Ông Nguyễn Huy Quang cũng cho biết hiện nay, Bộ Y tế đang sửa đổi Nghị định 38 trong lĩnh vực ATTP, trong đó dự kiến cắt giảm nhiều TTHC, giảm bớt hồ sơ và phân cấp cho địa phương. Đây là nội dung gây nhiều tranh cãi bởi doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm cho rằng thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đang gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, cho biết Bộ Y tế đang đề xuất cắt giảm 36 trên tổng số 263 điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ Y tế quản lý, chiếm gần 14%. Theo đó, với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sẽ giảm từ 54 điều kiện xuống còn 46 điều kiện; cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm giảm từ 57 điều kiện còn 48; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ 152 điều kiện còn 133 điều kiện. Nhiều điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm không còn hiệu lực như: không bị ngập nước, đọng nước; có hệ thống sổ sách hoặc phần mềm quản lý thực phẩm trong suốt quá trình kinh doanh...
Cũng theo bà Nga, riêng thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, Bộ Y tế đã đề xuất đối với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, doanh nghiệp tự công bố và gửi 1 bản tới UBND cấp tỉnh và được phép sản xuất kinh doanh sau khi gửi bản công bố. Với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn là thực phẩm sức khỏe, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp nhập khẩu và sản xuất trong nước phải kiểm soát chặt, cần được thẩm xét hồ sơ và sau khi được cấp giấy phép tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh.
Bà Nga cũng cho biết dự kiến 26/28 điều trong Nghị định 38/2012 được đề xuất sửa đổi trong tháng 12, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 38/2012 mà không phải là Nghị định sửa đổi nữa. Bên cạnh việc sửa đổi và dự thảo thay thế Nghị định 38/2012, Bộ Y tế cho biết cũng đang rà soát và đề xuất sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt lĩnh vực ATTP theo hướng tăng mức xử phạt.