xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo sức ép lãi suất

LINH ANH

Kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng lạm phát tăng và nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ tăng cao đang tạo ra áp lực tăng lãi suất lớn

Từ đầu năm đến nay, làn sóng tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng (NH) thương mại chưa có dấu hiệu dừng khiến thị trường lo ngại đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ là lãi suất cho vay. Nền kinh tế đang hồi phục, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vừa dễ thở một chút với lãi suất nên việc rục rịch tăng lãi suất đầu vào của các NH thương mại khiến DN lo ngại.

Rất gay go

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng khu vực tài chính NH năm nay sẽ còn khó khăn khi nợ xấu chưa được xử lý triệt để và hạ lãi suất là bài toán khó. Thế nhưng, nếu không xử lý để lãi suất tăng cao thì DN sẽ rất gay go. Việc định hướng chính sách tỉ giá, lãi suất trong năm nay là rất quan trọng bởi không chỉ làm DN khó khăn mà cả cơ cấu kinh tế cũng sẽ không thay đổi được khi DN chỉ thích nhập khẩu về để tiêu dùng, ảnh hưởng đến lạm phát, thay vì đầu tư sản xuất.

Dù lãi suất cho vay chưa tăng theo lãi suất huy động nhưng DN rất lo bởi chỉ mới bớt gánh nặng chi phí tài chính một thời gian. Vài năm trước, có thời điểm lãi suất cho vay tăng rất cao (trên 20%/năm) đã khiến hàng chục ngàn DN rời khỏi thị trường. Tại những cuộc họp về kinh tế gần đây, chủ đề được đề cập nhiều vẫn là bài toán lãi suất còn cao so với các nước trong khu vực khiến DN khó cạnh tranh khi hội nhập. Do đó, cộng đồng DN rất kỳ vọng lãi suất cho vay trung - dài hạn sẽ giảm thêm hoặc ít nhất là ổn định như hiện nay.

Đại diện một DN dệt may cho biết không chỉ lãi suất cho vay bằng VNĐ mà lãi suất cho vay bằng USD cũng cao hơn so với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vay vốn từ các nước. Mới đây, một vài NH thương mại làm việc với Hiệp hội Dệt may TP HCM để thúc đẩy cho vay tín chấp hỗ trợ DN nhưng đưa ra mức lãi suất cho vay tín chấp từ 16%-18%/năm là quá sức của họ. Chi phí đầu vào đang tăng, nay lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng càng khiến DN sốt ruột bởi đơn giá xuất khẩu gần như không tăng so những năm trước.

 

Lãi suất không chỉ là sự mong mỏi của một bên dù chính đáng và cần thiết. Trong ảnh: Giao dịch ở một ngân hàng tại TP HCMẢnh: TẤN THẠNH
Lãi suất không chỉ là sự mong mỏi của một bên dù chính đáng và cần thiết. Trong ảnh: Giao dịch ở một ngân hàng tại TP HCMẢnh: TẤN THẠNH

 

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, cho rằng sở dĩ thị trường xuất hiện tâm lý lo ngại lãi suất tăng bởi những yếu tố vĩ mô như lạm phát năm nay dự kiến 3%-4%, trong khi năm ngoái chỉ là 0,6%. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68% của năm ngoái. Khoảng 5 năm qua, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước sẽ dồn tích thêm nhu cầu vốn từ nền kinh tế. Trong khi đó, cầu vốn tăng nhưng huy động tiền gửi lại giảm. Năm 2015, huy động vốn chỉ tăng 14% trong khi tăng trưởng tín dụng tăng hơn 17%... Yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm nay tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm khoảng 50% so với dự toán nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù đắp bội chi tiếp tục lớn (khoảng 220.000 tỉ đồng, cao hơn năm 2015). Yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung - dài hạn.

“Năm nay, thách thức đặt ra đối với điều hành ổn định lãi suất là lớn do kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng lạm phát tăng và nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ cao tạo áp lực tăng lãi suất lớn. Đặc biệt, chính sách tiền tệ vừa phải điều tiết thanh khoản hài hòa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng vừa phải bảo đảm hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho NH thương mại đầu tư vào trái phiếu Chính phủ... Từ đó, yếu tố này tác động trở lại đến lãi suất dài hạn trên thị trường, gián tiếp cản trở mục tiêu ổn định lãi suất cho vay của NH thương mại” - ông Dũng phân tích.

Không đơn thuần nhìn vào lạm phát

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, lãi suất tăng hay giảm ở Việt Nam không đơn thuần phụ thuộc vào lạm phát giảm (lạm phát bình quân 2 tháng đầu năm tăng 1,03% là cao hơn cùng kỳ năm trước). Lãi suất không chỉ là sự mong mỏi của một bên dù mong mỏi này chính đáng và cần thiết mà còn phụ thuộc vào thị trường. Trong 4-5 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định đã tác động đáng kể giúp hạ lãi suất và đang tương đương mức lãi suất thời kỳ năm 2005 - 2006 nhưng việc giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại là rất khó khăn.

“Từ giữa năm ngoái, NH Nhà nước và cộng đồng DN đã muốn giảm thêm lãi suất trung và dài hạn nhưng giữ được mức như hiện nay đã là thành công” - ông Thành nói và nhấn mạnh đang có quá nhiều sức ép tác động lên lãi suất. Cụ thể là áp lực tăng tỉ giá USD/VNĐ xuất phát từ việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và tiền của các quốc gia khác. Động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến USD tăng giá, trong khi NH Nhà nước phải giữ được lãi suất để VNĐ hấp dẫn hơn USD. Chính áp lực này làm lãi suất khó giảm.

Ngoài ra, lãi suất VNĐ cũng phải tương quan với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản... bởi hệ thống NH thương mại phụ thuộc rất nhiều vào tiền gửi. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đầu tư công cần rất nhiều vốn nên phải phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất đủ hấp dẫn. Ngay việc NH Nhà nước quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn cũng tạo áp lực cho các NH điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

“Việc điều hành chính sách tiền tệ phải vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng GDP, lạm phát dự báo sẽ được kiểm soát dưới mức 5%. Tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi yếu thì khả năng GDP của Việt Nam có thể đạt được mức 6,7%. Ngay trong bối cảnh khó khăn hơn về điều hành chính sách tiền tệ, Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng dương, cho thấy lãi suất không phải yếu tố quá đáng ngại” - ông Thành nói.

 

15 ngân hàng tăng lãi suất huy động

Trong 2 tháng đầu năm, có 15 tổ chức tín dụng tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1%-0,2%/năm và 6 tổ chức giảm lãi suất từ 0,1%-0,3%/năm. Do đó, mức lãi suất huy động hiện vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm ngoái. Ông Bùi Quốc Dũng cho rằng việc tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị và cũng có nhiều NH giảm lãi suất huy động. Đồng thời, thống kê cho thấy lãi suất cho vay vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm ngoái.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông, cũng cho rằng gần đây, lãi suất huy động của các NH thương mại tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay nhưng cần nhìn kỹ trong cấu trúc lãi suất đầu ra có chi phí vốn, chi phí lao động và chi phí rủi ro. Riêng chi phí rủi ro của các NH giảm đi rất nhiều vì nợ xấu giảm. Chi phí hoạt động chỉ còn 40%-45% trên tổng chi phí và thấp hơn nhiều so với 60% trước đây nên dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay sẽ không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, vị thế của các DN đối với các NH thương mại hiện nay đã thay đổi và buộc NH phải cạnh tranh để giữ khách hàng nên không phải muốn tăng là tăng. Áp lực cạnh tranh sẽ làm các NH không dám tăng lãi suất mà phải quản lý rủi ro tốt hơn.

 

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing:

Đấy là thủ thuật

Do NH Nhà nước dự kiến giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn từ 60% xuống 40% nên các NH đua tăng lãi suất tiền gửi ngắn và dài hạn nhằm tăng nguồn vốn ngắn lẫn dài hạn, giảm thiểu rủi ro khi sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Một số NH đã tăng lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng lên mức trần 5,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên hơn 7%/năm. Từ đó, các NH có mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn là 5%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dưới 7%/năm đang nhìn nhau để tăng thêm lãi suất trong thời gian tới.

Thế nhưng, một số NH đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng lên mức 7,55%-8,38%/năm và kèm theo điều kiện số tiền gửi phải đạt từ 100-500 tỉ đồng là một thủ thuật để tăng lãi suất cho vay đối với người đã vay tiền mua - xây - sửa chữa nhà, mua ô tô... Bởi từ cuối năm 2014, nhiều NH đã cho cá nhân vay tiền thời hạn từ 5-25 năm, lãi suất ưu đãi trong 6 tháng hoặc 12 tháng đầu tiên, sau đó tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng hoặc 13 tháng cộng với biên độ 3%-4%. Tính ra, lãi suất cho vay sẽ lên 10,55% đến gần 12,5%/năm.

Mới đây, NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại đưa ra mức lãi suất cho vay hợp lý nhưng thế nào là hợp lý? Theo tôi, các NH thương mại nên lấy lãi suất huy động vốn (giá vốn) bình quân cộng với chi phí kinh doanh 3%-4% sẽ làm hài lòng người vay. Ví dụ, giá vốn đầu vào bình quân 6%-7%/năm thì NH áp dụng lãi suất cho vay dài hạn đối với khoản vay có độ rủi ro thấp khoảng 9%/năm, khoản vay có độ rủi ro cao là 10%-11%/năm.                     

Th.Thơ ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo