xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I. Lênin (22.4.1870 - 22.4.2024): Thời tuổi trẻ của Lênin

Nguyễn Minh Hải

Câu nói "Chúng ta sẽ theo một con đường khác" của V.I. Lênin có nghĩa là Người đã lựa chọn chủ nghĩa Marx để tiếp cận tới cách mạng nhân dân, thay vì những phương pháp vô chính phủ cá nhân, bạo lực tự phát

Nhiều người hẳn còn nhớ bài tập đọc "Mình bận học" ở chương trình môn tiếng Việt bậc tiểu học.

Kiên định với các nguyên tắc

Bài này viết: "Vào một buổi sáng thứ bảy đẹp trời, Vô-lô-đi-a (Volodia) đang cắm cúi chuẩn bị bài thì một bạn đến rủ đi bắn chim vì cậu ta có một khẩu súng mới toanh. Khẩu súng mới! Điều đó thật hấp dẫn đối với các bạn trai. Vô-lô-đi-a nghe bạn nói mở toang cửa sổ, ló đầu ra và hỏi bạn cặn kẽ về khẩu súng. Nhưng rồi Vô-lô-đi-a trả lời bạn với vẻ tiếc rẻ: "Mình bận học, không đi được đâu".

Cậu bạn châm chọc: "Học gạo để lấy điểm 5 à?". Vô-lô-đi-a nói: "Mình không phải là học gạo mà là học, học không phải vì điểm, hiểu chưa?". Cậu bạn lại tha thiết rủ tiếp: "Thôi, mai chủ nhật tha hồ mà học, hôm nay đi với tớ". Vô-lô-đi-a rất đắn đo về lời bạn nói, nhưng nhớ đến bài vẫn chưa chuẩn bị xong, Vô-lô-đi-a dứt khoát trả lời: "Không, mai chủ nhật chúng ta sẽ đi từ sáng, còn hôm nay thì không!". Sau đó Vô-lô-đi-a khẽ đóng cửa sổ lại và ngồi vào bàn học tiếp".

Bài học giản dị nhưng ít nhiều phản ánh được tính cách của Vladimir Ilyich Ulyanov, tên lúc nhỏ là Volodia, người sau này được cả thế giới biết đến với tên Lênin. Đó là tinh thần ham học, khẳng định việc học để lấy kiến thức, để nâng cao hiểu biết và vì thế luôn học rất giỏi. Đó là sự thể hiện ý thức tự giác cao với các công việc mang tính bổn phận của bản thân, trong đó có việc học. Đó là tinh thần kiên định với các quy tắc của mình, không tùy tiện thay đổi hoặc bỏ dở. Đó là những chỉ dấu cho thấy sự hình thành một thiên tài.

Một câu chuyện khác có thể làm bật thêm tính cách của Lênin ngay từ nhỏ:

Trong một buổi thi môn tiếng Latin, với sự kiểm tra của hiệu trưởng và các thầy thanh tra, Volodia đọc bài rất dõng dạc, rõ chữ và dịch rất đúng: "Một người cao thượng dạo chơi trên bờ biển. Một chàng bất nhã gặp ông ta và thúc vào sườn, nói: "Tôi không có thói quen nhường đường cho những đồ ngu ngốc". "Còn tôi lại có thói quen đó" - người kia trả lời và tránh sang một bên".

Trong lúc hiệu trưởng rất hài lòng thì một thầy thanh tra vốn là giáo viên dạy tiếng Latin lớp trên hỏi: "Anh Ulyanov, anh cho tôi biết đoạn vừa đọc theo anh là thế nào: Trong hai người này, ai là người thông minh và ai là kẻ ngu ngốc?". Volodia bình tĩnh trả lời: "Tất nhiên người nhường đường là người thông minh hơn. Ông ta chứng tỏ cái đó bằng câu trả lời".

"Thế à? Thế có nghĩa là, theo anh, cần phải luôn nhường nhịn những kẻ ngu ngốc phải không?" - thầy giáo truy vấn. "Không. Nhưng tốt hơn cả là đừng chú ý tới họ!" - Volodia nghiêm nghị đáp. Câu đó được nói ra vừa chân thành vừa nhiệt tình và lôi cuốn, đến nỗi thầy hiệu trưởng không giấu được nụ cười hài lòng…

Kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I. Lênin (22.4.1870 - 22.4.2024): Thời tuổi trẻ của Lênin- Ảnh 1.

Đoàn người vào lăng viếng lãnh tụ vô sản V.I. Lênin nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Người (21.1.1924 - 21.1.2024). Ảnh: TTXVN

Tự tin, quyết đoán

Cuối buổi thi đó, hiệu trưởng đề nghị cho Ulyanov 5 điểm (điểm cao nhất trong thang điểm của Nga lúc bấy giờ), các thầy giáo khác đều nhất trí. Riêng thầy thanh tra khó tính còn nói thêm: "Đúng, Volodia là học sinh giỏi nhất! Nhanh trí, rất cừ".

Thầy hiệu trưởng tiếp lời: "Tôi xin các vị lưu ý về anh em Ulyanov. Người anh là Aleksandr, năm nào lên lớp cũng được khen thưởng. Người em là Vladimir đầy hứa hẹn. Chúng ta tin rằng những công sức ít ỏi của chúng ta sẽ không mất đi vô ích và thanh niên sẽ càng làm rạng rỡ cái thành phố danh lam thắng cảnh của chúng ta".

Qua một bài thi, người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở Ulyanov luôn có sự tự tin, quyết đoán. Kể cả trong những tình huống bất ngờ, cậu cũng thể hiện được sự nhạy bén, linh hoạt với một tinh thần rất đúng mực.

Sau buổi thi đó, Volodia về nhà, ông bố Ilya Nikolaevich (1831 - 1886), một nhà giáo và cũng là nhà giáo dục học, hỏi kết quả. Volodia tự tin đáp: "Theo con nghĩ là được điểm 5".

Ông bố tỏ ra chưa hài lòng: "Volodia đạt được mọi cái dễ dàng, tôi e rằng điều đó sẽ làm hư nó mất". Dường như ý người bố có phần lo lắng có thể con trai mình sẽ tự mãn, kiêu ngạo. Nhưng người mẹ Masa Blank - tên hồi trẻ là Ulyanova (1835 - 1916), vốn mang dòng máu Đức và Thụy Điển, có thể sử dụng thông thạo cả tiếng Đức, Anh, Pháp - thì trả lời chắc nịch: "Ồ, không phải lo cho Volodia, nó cứ loay hoay với những câu "vì sao" và "tại sao" không bao giờ hết!".

Dường như để tự trả lời các câu hỏi ấy của mình, Volodia đã làm một giá sách, trong đó có những cuốn dày cộm, như "Những phản xạ của bộ não" của Ivan Mikhaylovich Sechenov (1829 - 1905), "Nguồn gốc muôn loài" của Charles Darwin (1809 - 1882), "Lịch sử nền văn minh ở Anh" của Henry Thomas Buckle (1821 - 1862), "Cơ sở xã hội học" của Herbert Specer (1820 - 1903)…

Một buổi nọ, Volodia cùng 2 người bạn ra phố. Họ vét tiền để góp cùng nhau mua một con chim sơn tước rất đẹp rồi thong dong dạo phố. Bất chợt, họ nhìn thấy một toán lính giải một người tù gầy gò. Một người nào đó đưa cho anh cái bánh nhưng bị tên lính ngáng chân làm ngã nhoài ra đất. Có người tỏ ra thương tiếc, có người lại gào lên đòi treo cổ anh vì dám ám sát Nga hoàng.

Quên hết sự háo hức với chú chim mới mua, 3 cậu bé lặng lẽ đi theo đoàn người giải tù cho đến tận nhà lao. Phía sau cánh cổng sắt cao và đồ sộ, họ còn nghe được tiếng hát cất cao lanh lảnh… 3 cậu bé sau khi bị lính canh đuổi đi đã đến một khu vườn vắng. Trên cành cây, những chú sơn tước cất tiếng hót véo von. Con sơn tước trong lồng cũng cất tiếng hót đáp lại, rồi thu hút cả chim hoa mai, chim sáo, chim kim oanh.

Họ lại bàn nhau về người tù trên phố ban nãy mà lòng đầy nghĩ ngợi và trắc ẩn. Bất chợt, Volodia mở chiếc lồng chim, thả chú sơn tước vừa mua được. Cậu sung sướng nhìn chú chim được sổ lồng bay cao, bay xa.

Có lẽ những ý thức về tự do, về hạnh phúc của cá nhân, của xã hội đã hình thành trong cậu bé Volodia từ lúc đó. Song, sự kiện có ảnh hưởng lớn lao đến nhận thức và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người chính là việc người anh cả Aleksandr Ilyich Ulyanov (1866 - 1887), vốn theo phái "Dân túy", bị treo cổ vì tham gia vụ mưu sát Nga hoàng Aleksandr III vào tháng 5-1887.

Các ghi nhận lịch sử đều khẳng định sự kiện này đã khiến Lênin trở thành người cấp tiến. Câu nói "Chúng ta sẽ theo một con đường khác" của Lênin có nghĩa là Người đã lựa chọn chủ nghĩa Marx để tiếp cận tới cách mạng nhân dân, thay vì những phương pháp vô chính phủ cá nhân, bạo lực tự phát.

Cũng trong năm đó, Lênin bắt đầu quan tâm tới chủ nghĩa Marx. Người tham gia các cuộc phản kháng của sinh viên và vào cuối năm, lần đầu tiên bị bắt rồi bị đuổi khỏi Đại học Kazan. Như vậy, các hoạt động cách mạng của Lênin đã bắt đầu từ khi Người còn chưa đến tuổi thanh niên, dần dần giác ngộ, tin tưởng và phát triển chủ nghĩa Marx theo điều kiện cụ thể của nước Nga. 

Mở ra một thời đại mới

Đọc lại những mẩu chuyện thời trẻ của Lênin để hiểu thêm rằng tư tưởng, sự nghiệp của Người là một quá trình vừa học tập vừa tích lũy, vừa giác ngộ vừa hoạt động thực tiễn. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ những điều đó, cùng với một bối cảnh lịch sử đặc biệt, Lênin đã trở thành người lãnh đạo của Cách mạng Tháng Mười Nga, mở ra một thời đại mới của nhân loại - thời đại nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo