xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chờ đợi vỉa hè thông thoáng

THU HỒNG - ÁI MY

Tại các tuyến đường trung tâm của TP HCM, nhiều vỉa hè đã sẵn sàng bước vào trạng thái mới trong mục tiêu lập lại trật tự, phố xá ngăn nắp và cách hành xử văn minh

Ghi nhận ngày 1-1, ngày đầu tiên Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP HCM, cho thấy việc đóng phí dù chưa diễn ra nhưng ý thức sử dụng vỉa hè của đại đa số người dân đã khác hơn. Họ thừa nhận vỉa hè còn nhiều tính năng hữu dụng, không "độc quyền" của chủ nhà mặt tiền mà thuộc về công cộng.

Ngăn nắp, trật tự

Chúng tôi đến quận 1 - nơi có nhiều tuyến đường được địa phương đưa vào danh mục có vỉa hè cho thuê sử dụng ngoài mục đích giao thông. 

Thời điểm nghỉ Tết dương lịch, không gian thoáng đãng. Trên những đường ở khu trung tâm như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng 8, Hàm Nghi, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Cống Quỳnh... vỉa hè khá trật tự. Phương tiện của khách vào các tiệm, cửa hàng mua bán được bảo vệ sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Du khách, người dân đều thoải mái dạo bước.

Như vỉa hè đoạn Nguyễn Thái Học (gần giao lộ Phạm Ngũ Lão) khá "mát mắt", không có hàng rong, tủ thuốc lá hay xe nước nhỏ lấn chiếm. Đây là một trong những tuyến có vỉa hè rộng trên 4 m, được vào danh mục vỉa hè đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa.

 Ông Thanh, giữ xe quán cà phê lớn trên đoạn đường này, cho biết từ khi thành phố yêu cầu lập lại trật tự lòng lề đường thì chủ quán đã chủ động thuê vị trí gần đó để giữ xe cho khách. Mặt tiền quán chỉ để khoảng 20 xe sát khuôn viên, còn lại xe được mang vào bãi. "Ai đi qua cũng dễ dàng, không phải né, lách. Dường như nhờ vậy mà quán trở nên chuyên nghiệp, thân thiện hơn và được nhiều người lui tới" - ông Thanh nhận xét.

Chờ đợi vỉa hè thông thoáng- Ảnh 2.

Vỉa hè trên đường Hoàng Sa, quận 1, trong danh mục cho thuê để kinh doanh. Ảnh: THU HỒNG

Tại một số tuyến đường như Cô Bắc, Cô Giang, Nguyễn Khắc Nhu, Đông Du, Hải Triều, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Siêu... được quận 1 đưa vào danh mục các vỉa hè đủ điều kiện bố trí điểm trông giữa xe có thu phí, tình trạng tương tự. Đa số người dân khi được hỏi đều cho biết nắm bắt quy định và điều kiện sử dụng vỉa hè.

Với những người buôn bán nhỏ thì còn chút băn khoăn. Trên vỉa hè đường Cô Giang (phường Cô Giang), chị T., chủ sạp rau, kể thuê mặt bằng của chủ nhà nhiều năm nay để buôn bán. Đến tối, nhiều người mang đồ ra vỉa hè bán khá đắt khách nên chị cũng vậy. Tuy nhiên, vừa qua có cán bộ phường đến đo bề rộng vỉa hè và cho biết sắp tới sử dụng vỉa hè phải đóng phí, chị thấy bản thân cần tính toán lại.

"Tôi cũng biết vỉa hè không phải của chủ nhà mặt tiền, muốn sử dụng thì đóng phí cho nhà nước. Tuy nhiên, người thuê nhà như tôi phải đóng 2 khoản thì hơi nặng" - chị T. bày tỏ, đồng thời cho biết ủng hộ việc sắp xếp để ngăn nắp, mỹ quan nhưng nếu tính toán để cân nhắc những trường hợp như chị thì tốt quá.

Cũng như chị T., chủ tiệm gà rán nhỏ trên đường Cô Giang cũng cho biết mình thuê phần mặt bằng nhỏ của chủ nhà, đặt chiếc xe gà rán dưới vỉa hè cho khách dễ thấy. Nếu sắp tới phải đóng phí để sử dụng thì anh sẽ sắp xếp lại, làm sao tiết kiệm chi phí mà vẫn tuân thủ quy định nhà nước.

Chờ đợi "chính danh"

Để chuẩn bị cho việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, nhiều địa phương triển khai sơn vạch kẻ vàng trên nhiều vỉa hè có bề rộng trên 3 m. Tại quận 1, các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Phan Bội Châu, Hoàng Sa... đã được sơn vạch kẻ vàng với bề rộng khoảng 1,5 m cho các cửa hàng mặt tiền bố trí tạm nơi để xe máy tự quản. Phần vỉa hè còn lại khoảng 2 m dành cho người đi bộ.

Tương tự là các đường Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Lý Thái Tổ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong (quận 10), Hùng Vương (quận 5)...

Chị Hồ Mộng Cầm, quản lý của một cửa hàng bán áo dài trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3 - nơi có vỉa hè rộng trên 3 m), cho biết các vạch kẻ vàng này rất tiện và nhìn vào vạch kẻ người dân sẽ ý thức việc phải để xe ngay ngắn hơn khi vào cửa hàng.

Khi được hỏi về việc TP HCM triển khai thí điểm cho thuê vỉa hè, chị Cầm nói đang ngóng chờ hướng dẫn của UBND phường để nắm quy định sử dụng vỉa hè rõ ràng và kỹ lưỡng hơn, từ đó an tâm kinh doanh.

Tại đường Ngô Gia Tự (quận 5), nơi có vỉa hè rộng trên 4 m, vừa được địa phương cho kẻ vạch sơn vàng, anh Lê Văn Thành, chủ cơ sở kinh doanh đồ nội thất nói do bận bịu nên chưa nghe qua việc phải thuê vỉa hè để kinh doanh, để xe. Sau khi đọc và tường tận quy định, anh Thành cho hay nếu là vấn đề chung, phục vụ lợi ích chung thì anh sẵn sàng.

Nhiều người mua bán nhỏ lẻ với phương tiện là xe đẩy cũng bày tỏ hồi hộp và mong ngóng hướng dẫn của địa phương để đóng phí sử dụng, hợp thức hóa "quầy hàng" của mình.

Ông Nguyễn Thành, 65 tuổi, mưu sinh bằng xe trái cây nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) cho biết tuy bán ở vỉa hè nhưng ông cũng gửi tiền cà phê cho chủ nhà. Tuy vậy, nhiều đợt cao điểm vẫn nơm nớp lo vì bị trật tự phường xử lý.

"Nếu vỉa hè đoạn này cho phép người sử dụng đóng phí, tôi sẵn sàng đóng để an tâm buôn bán. Khu này bán đã quen, chủ yếu phục vụ khách vãng lai, khách du lịch nên tuy buôn bán nhỏ nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống cho gia đình 3 miệng ăn" - ông Thành nói thêm. 

Lưu ý nhiều lợi ích

TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng lợi ích giữa chủ nhà mặt tiền và người thuê vỉa hè cần được quan tâm vì dễ xảy ra mâu thuẫn nếu không xem xét thấu đáo. Đây là vấn đề không thể bỏ qua khi ban hành danh mục các tuyến đường được sử dụng vỉa hè để thu phí. Ông dẫn chứng nhiều hộ có mặt tiền nhà trên tuyến đường có vỉa hè rộng nhưng không có nhu cầu cho thuê, nếu nhà nước cho thuê vỉa hè trước mặt tiền nhà sẽ làm ảnh hưởng không gian sống, giá trị cũng như mỹ quan khu vực.

"Khi triển khai, ngoài việc lấy ý kiến chủ nhà mặt tiền thì hãy thí điểm trước một số tuyến, đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó mới áp dụng đại trà" - TS Phạm Viết Thuận nêu ý kiến.

Hào hứng

Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho hay thành phố có trên 860 tuyến đường mà vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đủ điều kiện. Sở được giao tổ chức thu phí trên các tuyến đường do sở quản lý. UBND cấp huyện tổ chức thu đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý.

Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.

Chờ đợi vỉa hè thông thoáng- Ảnh 4.

Du khách dạo bước trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, quận 1. Ảnh: THU HỒNG

Trước vấn đề thu phí, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến tới Báo Người Lao Động. Tài khoản Khuyenhoang ủng hộ quan điểm mỹ quan đô thị cần hài hòa với lợi ích người dân, nhất là những người coi vỉa hè là nơi kiếm sống. Do vậy, việc thu phí giải quyết được mối quan hệ ấy.

Bạn đọc Kỳ Minh cho rằng 6 năm trước, với Quyết định 74/2008, việc sử dụng vỉa hè đã được quy định tuy nhiên, tới nay thành phố phải thay bằng chính sách mới cho thấy việc áp dụng không đơn giản. Kỳ Minh hy vọng lần này với những quy định chi tiết cùng nỗ lực của cán bộ, nhất là tuyến cơ sở, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

"Là một người buôn bán mặt tiền đường, tôi nhất trí với ý tưởng của thành phố. Chúng tôi muốn chính danh trong tận dụng một phần không gian để kinh doanh và nhất định tuân thủ quy định" - nickname khongxinhkhongkieu bình luận.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo