Ông Kiên trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 5.
- Tôi hiểu Ngân hàng Nhà nước đã tính toán kỹ lưỡng, so sánh với mặt bằng cho vay hiện nay, cũng như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại. Và để cho ra lãi suất 6% đã là nỗ lực rất lớn rồi, nếu so sánh với mức cho vay thực tế lên đến mười mấy phần trăm của các ngân hàng hiện nay. Nhưng đó là góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước. Còn từ góc độ người làm nghiên cứu, tôi thấy trên thế giới không ai cho vay mua nhà, mà lại là vay ưu đãi, với lãi suất cao như vậy. Về nguyên tắc, lãi suất vay tiền mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều mặt bằng chung, bởi khoản vay này có tài sản đảm bảo. 3% là mức hợp lý, giúp tăng hiệu quả của gói hỗ trợ, tạo được dòng chảy mới cho thị trường bất động sản.
* Lãi suất 3% như ông nói nên duy trì trong bao lâu?
- Nên ổn định trong suốt thời gian vay. Thời gian vay đó phải phù hợp với vòng đời của dự án. Chẳng hạn doanh nghiệp đầu tư xây nhà cần 12 năm để có thể hoàn vốn, vậy thì thời gian cho người dân vay vốn ưu đãi cũng nên 9 năm hoặc ít hơn là 7 năm. Và lãi suất cần ổn định trong suốt chu kỳ đó.
* Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đang ưu tiên cho các doanh nghiệp phát triển nhà và người mua nhà thu nhập thấp, thương mại giá rẻ. Đối tượng như vậy theo ông đã phù hợp chưa?
- Theo tôi nên cho phép bất cứ ai thu nhập ổn định, có nhu cầu chính đáng về nhà ở đều được vay. Giá nhà thuộc diện vay ưu đãi là bao nhiêu, tôi cũng cho rằng không nên cứng nhắc quy định ở mức bao nhiêu, dưới 15 triệu đồng như quy định hiện nay chẳng hạn. Giá cả là do thị trường quyết định, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự cân nhắc, họ để giá quá cao không ai mua rồi cũng phải giảm.
Tất nhiên chúng ta không thể yêu cầu Nhà nước phải cứu mọi phân khúc trên thị trường, kể cả nhà nghỉ, resort, khách sạn, bất động sản cao cấp; mà phải chọn lựa những phân khúc phù hợp, có tác động lan tỏa.
* Từ câu chuyện 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, ông thấy sao khi cơ quan quản lý nhà nước dường như vẫn muốn “nắm đằng chuôi” khi tham gia giải cứu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp?
- Việc đưa ra các quy định, điều kiện chặt chẽ như vậy cho thấy cơ quan quản lý nhà nước dự báo tình hình vĩ mô chưa bền vững như mong muốn. Họ đưa ra lãi suất 6% vì nghĩ rằng có như vậy mới cân đối được chi phí vốn trong bối cảnh lạm phát trong nước và khu vực chưa hoàn toàn ổn định. Câu chuyện tương tự cũng có thể nhìn thấy ở lãi suất trái phiếu Chính phủ. Trong khi lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước chỉ 6-7% thì lãi suất đấu thầu trái phiếu chính phủ vẫn cao hơn, hấp dẫn các ngân hàng đổ đi mua. 90% trái phiếu trúng thầu là do các ngân hàng mua, trong khi nền kinh tế thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Thực tế này cần được nhìn nhận, đánh giá lại.
* Hạ lãi suất là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhưng các ngân hàng vẫn chưa thể đưa xuống mức như kỳ vọng, theo ông lý do là gì?
- Lãi suất là một vấn đề nằm trong tổng thể nền kinh tế. Không thể cứ nói hạ là ép xuống ngay mức mình mong muốn. Lý do quan trọng nhất là sức khỏe hệ thống các tổ chức tín dụng, chừng nào chưa được xử lý thì lãi suất khó hạ. Mặt khác, cũng phải cân nhắc tới yếu tố thị trường. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều là các tổ chức kinh doanh, tác động tới nhau theo quan hệ cung cầu. Mình ép ngân hàng hạ lãi suất cho vay với dự án này dự án kia, nhưng ai đứng ra khẳng định và chịu trách nhiệm dự án đó tốt, hiệu quả? Tới một lúc nào đó, các ngân hàng thấy rằng cứ để thế này doanh nghiệp không thể vay được thì họ sẽ hạ.
* Trong khi không thể buộc các ngân hàng hạ lãi suất xuống cho doanh nghiệp vay như mong muốn, thì hạ lãi suất huy động liên tục giảm mạnh, như vậy có thỏa đáng với người gửi tiền?
- Theo tôi sẽ là hợp lý nếu nhìn ở góc độ rộng hơn, rằng Nhà nước đang muốn thông qua các chính sách vĩ mô để khuyến khích người dân đem tiền đầu tư cho xã hội, cho sản xuất kinh doanh. Gửi tiết kiệm không phải kênh duy nhất sử dụng người tiền của người dân. Chúng ta đã mở ra các thị trường tài chính, khuyến khích sản xuất kinh doanh, điều đó cũng có nghĩa rất nhiều lựa chọn cho người có tiền.
* Lãi suất huy động thấp như vậy, theo ông tiền của người dân có thể đi về đâu?
- Với tình hình thị trường hiện nay, những người làm vĩ mô hy vọng doanh nghiệp có thể phân tích, quyết định lựa chọn dự án, phương án kinh doanh tốt cho mình. Khi tình hình sản xuất kinh doanh phát triển trở lại, các thị trường tài chính cũng sẽ phục hồi và thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của xã hội.
* Lãi suất chưa thể giảm, vậy để hỗ trợ doanh nghiệp theo ông chúng ta cần có giải pháp gì thêm?
- Sau 5 tháng, phần lớn các giải pháp đề ra theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, Chính phủ đều chưa được thực hiện. Gói 30.000 tỉ đồng cũng mới được thông qua. Các giải pháp khác cũng chưa bắt đầu. Cứ thực hiện đã, xem hiệu quả tới đâu rồi hãy nói tới chuyện điều chỉnh.