Ngày 15-6, Ngân hàng HSBC đã phát hành báo cáo chủ đề "Cẩn trọng với những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản".
Theo HSBC, lĩnh vực bất động sản có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, không chỉ bởi đóng góp cho tăng trưởng chung mà còn vì những rủi ro dai dẳng của ngành này.
Dẫn lại hiện tượng bong bóng nhà đất giai đoạn 2007-2012 kéo theo khủng hoảng ngân hàng kéo dài, HSBC cho rằng đến giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh trong tiềm thức chung. Mặc dù ngành ngân hàng đã dần gượng dậy, dư nợ bất động sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Trong khi một số ngân hàng không phân định rõ các khoản vay bất động sản, báo cáo tài chính của nhóm nhân hàng thương mại nhà nước cho thấy mối liên hệ với một ngành liên quan trực tiếp là xây dựng…
Một dự án bất động sản đang được triển khai ở TP Thủ Đức
Thực tế, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch, thị trường bất động sản vẫn cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng. Như ở TP HCM, giá bất động sản bình quân tăng 11% trong quý III/2020; giá căn hộ phân khúc xa xỉ tăng 9% trong năm 2020 so với mức tăng 4-5% ở phân khúc trung cấp bình dân và vừa túi tiền, cũng là nguyên nhân khiến giá bất động sản nói chung tăng cao.
Các số liệu từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy dòng vốn FDI mới rót vào ngành bất động sản tăng hơn 200% vào tháng 5-2021 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước diễn biến này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường hoạt động kiểm soát rủi ro và cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh biện pháp kiểm soát chặt tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.
HSBC cho rằng tăng trưởng tín dụng nhanh chóng từ đầu năm 2021 được coi là nguyên nhân chính. Các số liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng lên 15% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, vượt ngưỡng mục tiêu 12% của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng từng áp dụng những chính sách vĩ mô nhằm kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản, nhắm tới nhà đầu tư kinh doanh…
"Nếu thị trường có dấu hiệu nóng lên, cơ quan quản lý sẵn sàng có thêm nhiều động thái, ví dụ như áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn vĩ mô giới hạn hoặc siết chặt hạn mức tín dụng bất động sản" – các chuyên gia của HSBC nhận định.