Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đa số nhà nhỏ trên dưới 200 triệu đồng đều ở hẻm cụt, ẩm thấp như ổ chuột. Chưa kể rất nhiều căn không có giấy tờ nên rất rủi ro cho người mua.
Trong vai người ít tiền, cần tìm mua nhà nhỏ chúng tôi liên lạc với chị Nga, một người môi giới nhà đất và được giới thiệu đến căn nhà trong hẻm cụt số 44 đường An Dương Vương (phường 16, quận 8). Luồn lách qua những con hẻm nhỏ xíu, chỉ đủ lách 1 cái xe máy, rồi men theo một mương nước đen ngòm, chúng tôi mới tìm đến được căn nhà cần xem.
Tuy nhiên, đó thực chất chỉ là một căn phòng nhỏ chừng hơn chục mét vuông, treo bảng cần bán với giá 230 triệu đồng. Phòng có đủ bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ và phòng khách nhưng tất cả đều rất chật chội và ẩm thấp. 2 căn khác bên cạnh cũng trong tình trạng tương tự. Chị chủ nhà cho biết đây trước là dãy phòng trọ. Do chủ trước nợ tiền, nên chị xiết nhà rồi rao bán lại nên chỉ làm được giấy tay.
Một căn khác rao bán cũng thuộc dạng nhà siêu nhỏ, diện tích chỉ 3,2x3m nằm gần cuối con hẻm nhiều khúc gấp cua ở đường Cao Lỗ (quận 8). Chủ nhà nói nhà này có giấy tờ từ năm 1999, nên sẽ làm giấy sổ hồng nhanh và chắc giá 200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu chúng tôi thì khu vực này thuộc diện quy hoạch làm cây xăng nên có khá nhiều hộ kêu bán.
Một số “cò” nhà đất ở khu vực này cho biết con hẻm này hầu hết đều là nhà nhỏ, dưới 20 m2 và không có giấy tờ. “Nhiều người mua đi, bán lại rồi nhưng chẳng thấy ai nói gì cả!” - một cò nhà đất cho biết. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện quy hoạch những căn nhà này có được đền bù không thì ai cũng ngớ người ra!
Khác với những căn nhà xụp xệ trong các con hẻm ngoằn ngoèo, thiếu giấy tờ ở nội thành thì ở các khu vực vùng ven TP HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 12… lại xuất hiện nhiều căn nhà được chủ đầu tư là những hộ dân có đất khoảng 100-200m2 sau đó xây thành 1 dãy nhà liên kế để bán. Mỗi nhà chỉ trên dưới 30 m2, có giá trên dưới 200 triệu đồng. Người mua thường là những cặp vợ chồng công nhân ở các khu công nghiệp. Nếu chỉ ở bình thường thì không sao, nhưng muốn sang tên, chuyển nhượng phải phụ thuộc vào những người còn lại. Tình trạng tranh chấp, kiện tụng kiểu này thường xuyên xảy ra nhưng hầu hết thiệt thòi đều thuộc về người mua.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, cho rằng những căn nhà xụp xệ, diện tích nhỏ như thế sẽ làm cho mặt bằng tổng thể chung của đô thị bị “băm” ra, nhếch nhát. Nhưng điều đáng quan tâm chính là cuộc sống của cư dân ở những căn nhà này rất tệ, không được sáng sủa, sạch sẽ. Rồi nhiều hệ luỵ khác không thể nào lường trước được.
TS Luật Lê Minh Hùng, Trưởng bộ môn Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP HCM, khuyến nghị người mua nhà, đất diện tích nhỏ phải xem xét nhà đất có đủ diện tích tối thiểu, có đủ giấy tờ hợp pháp, không bị tranh chấp, không bị quy hoạch hoặc bị ra quyết định giải tỏa hay không. Nếu không thì “tiền mất tật mang”. Vì thực thế nhà diện tích quá nhỏ, không có giấy tờ hợp lệ sẽ không được cấp phép xây dựng, không được giao dịch, chuyện nhượng, thế chấp. Nếu người dân tự ý cất nhà thì nhiều trường hợp có thể bị thu hồi mà không được đền bù.