Nội dung trên được đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến của các địa phương về dự thảo nghị định về khung giá đất do Bộ Tài Nguyên & Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 19-8. Dự thảo này sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng 9.
Theo dự thảo này, với loại đất ở tại đô thị giá cao nhất là 162 triệu đồng/m2, trong khi đó theo quy định hiện hành giá đất cao nhất cho loại đất này là 67,5 triệu đồng/m2. Với đất ở nông thôn, giá cao nhất là 29 triệu đồng/m2, theo quy định hiện hành chỉ là trên 1,8 triệu đồng/m2. Với các loại đất nông nghiệp, mức giá cao nhất tăng lên không nhiều như đất ở, tăng trong khoảng trên dưới hai lần.
Sát giá thị trường
“Khung giá đất hiện nay của ta đã tồn tại quá lâu mà không có sự điều chỉnh. Bảng giá đất của các địa phương ban hành hằng năm trong thời gian vừa qua phải theo khung giá đất này nên mức giá cao nhất hầu như vẫn giữ nguyên. (Ở TP HCM và TP Hà Nội, nhiều năm qua giá đất cao nhất trong bảng giá đất hằng năm chỉ ở mức 81 triệu đồng/m2
Mặt khác, theo quy định thì bảng giá đất các địa phương ban hành phải sát giá thị trường. Nhưng thực tế thị trường thì khác nhiều so với “lý thuyết” ấy. Giá đất thực tế trên thị trường cao hơn 3-5 lần so với bảng giá đất” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển nêu tồn tại.
Đất vàng nằm kề bên Hồ Gươm có giá trên 1 tỉ đồng/m2. Nhưng theo bảng giá đất của TP Hà Nội trong nhiều năm, giá đất cao nhất cũng chỉ 81 triệu đồng/m2. Ảnh: HOÀNG VÂN
Theo ông Hiển, khung giá đất do Chính phủ ban hành chủ yếu để tính nghĩa vụ của người dân như thuế, phí… Cùng với đó, khung này để khống chế, không cho giá đất quá cao.
Theo ông Hiển, với những dự án giao thông liên tỉnh, Bộ Giao thông được giao xây dựng khung chính sách trình Chính phủ. Theo đó, việc tính bồi thường cho người dân bị thu hồi đất giữa các địa phương trên một trục đường vẫn có sự chênh lệch nhưng không nhiều như hiện nay.
“Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu đô thị, theo quy định mới không được lấy giá đất ở đô thị để tính khi bồi thường. Khi tính bồi thường cho người dân đối với loại đất này, địa phương bồi thường theo giá đất nông nghiệp nhưng có hỗ trợ cao hơn đối với khu vực khác” - ông Hiển thông tin.
Có thể thấp hơn giá tối thiểu
Theo dự thảo nghị định, đối với trường hợp trên địa bàn tỉnh, TP có các loại đất thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; có đất ở, đất sản xuất, kinh doanh tại các phường, thị trấn mà giá đất phổ biến trên thị trường thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá đất cùng loại thì UBND tỉnh, TP được quy định giá đất này thấp hơn 20% mức giá tối thiểu của cùng loại đất.
Giá cao nhất cho 1 m2 đất theo quy định hiện hành và dự thảo mới
Các tỉnh đều nhất trí với khung giá đất tối đa. Nhưng còn nhiều tỉnh đề xuất mức giá đất tối thiểu đối với đất nông nghiệp cần thấp hơn nữa. “Theo tôi, khung giá đất thấp được chừng nào là lợi cho người dân được chừng đó. Làm giảm gánh nặng cho người dân trong việc đóng thuế, lệ phí… Người dân đã khổ lắm rồi!” - một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, bảng giá đất do các tỉnh ban hành về nguyên tắc là phải sát giá thị trường. Việc giảm gánh nặng về tài chính cho người dân liên quan đến đất đai phải được điều chỉnh bằng việc giảm mức thuế mà người dân phải đóng.
Công khai việc bồi thường theo giá cũ, mới cho dân rõ
Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết khi ban hành khung giá đất, khó nhất là đối với các dự án có thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thời gian chuyển tiếp giữa quy định cũ và quy định mới.
Vì vậy các địa phương phải công khai cho người dân biết, các dự án cụ thể được áp dụng theo quy định nào. Dự án nào áp dụng theo quy định cũ, dự án nào áp dụng theo quy định mới. Khi người dân hiểu, họ sẽ không khiếu kiện.
“Chính sách làm sao để người dân không bị sốc. Nếu chính sách thay đổi nhiều quá, chỉ có năm trước với năm sau mà hai dự án như nhau, lại bồi thường khác nhau nhiều là người dân dễ sinh khiếu kiện” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển nói.