Cụ thể, báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ cho hay huy động vốn tiếp tục là điểm sáng trong 4 tháng đầu năm với mức tăng trưởng khá. Tính đến ngày 22-4, huy động vốn của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VNĐ (từ tổ chức và cá nhân) tăng 4,26%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%.
Đang... gà gật
Với người dân, lãi suất liên tục giảm, xuống thấp nhất trong gần cả chục năm qua nhưng họ vẫn chọn gửi ngân hàng, một phần gắn với niềm tin vào VNĐ như Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, một phần phản ánh họ bí bách, không có kênh đầu tư nào thực sự hấp dẫn và đại chúng để dùng vốn. Bởi gửi ngân hàng có lẽ là cách làm dễ nhất.
Trong 4 tháng đầu năm, riêng tiền gửi bằng VNĐ của người dân đã tăng tới 7,48%. Và như trên, nếu xem dòng tiền gửi này là một chỉ báo tham khảo, khả năng cải thiện hơn của kinh tế vĩ mô vẫn còn xa khi nhìn vào cơ cấu gửi.
Chỉ cách vài năm trước, hầu hết người dân chỉ chọn gửi các kỳ hạn ngắn để chủ động hơn, linh hoạt hơn trong sử dụng vốn nắm bắt các cơ hội đầu tư; đồng vốn của họ năng động, lỏng hơn trong cơ cấu tiền gửi - một khó khăn đối với các ngân hàng thương mại.
Tỉ lệ tiền gửi dài hạn thường chỉ chiếm trên dưới 10% trong cơ cấu tại nhiều ngân hàng. Còn nay, ngay từ trong năm 2013 và cho đến đầu năm 2014, điểm nổi bật trong báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông vừa qua là sự dịch chuyển cơ cấu tiền gửi. Một mặt, lượng vốn huy động lãi suất thấp đã tăng lên, giảm bớt áp lực chi phí; mặt khác, tỉ trọng tiền gửi kỳ hạn dài đã tăng lên, có thể chiếm tới 30%-40%.
Tuy nhiên, càng nhiều người dân gửi tiền kỳ hạn dài với lãi suất thấp, càng cho thấy họ không kỳ vọng nhiều vào sự khởi sắc nào đó của nền kinh tế trong tương lai gần; họ không dùng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tìm cách hạ lãi suất, nhiều khả năng tiền sẽ vẫn “lười vận động” khi chọn két ngân hàng.
USD bớt hấp dẫn
Bên cạnh đó, ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ, có thể thấy 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, vị thế của VNĐ vẫn được khẳng định, gắn với mục tiêu giữ ổn định tỉ giá USD/VNĐ. Tiền gửi bằng VNĐ tăng mạnh, tiền gửi bằng USD giảm mạnh là kết quả của sự chuyển đổi.
Như vậy, tình trạng đô la hóa cũng giảm bớt mà Ngân hàng Nhà nước cũng mua vào được lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ quốc gia (4 tháng đầu năm đã mua được khoảng 10 tỉ USD). Nói cách khác, đồng USD đã giảm bớt sự hấp dẫn trong mắt dân cư; mức độ găm giữ không cao như trước.
Thứ hai, diễn biến của dòng tiền gửi được xem là hợp lý với chủ trương và mong muốn của nhà điều hành khi nó không “lệch lạc” trong thời gian qua. Tức là dòng tiền gửi vẫn tăng trưởng khả quan trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cắt giảm lãi suất trong năm 2013 và đầu năm 2014; lãi suất đã xuống mức rất thấp nhưng dòng vốn không quá chán nản để rẽ nhiều sang vàng, “đô”, chứng khoán hay bất động sản…
Nay sau 2 năm liên tiếp tín dụng tăng thấp, tiền gửi tăng cao, các kênh đầu tư khác không còn lôi kéo vốn như trước, cân đối trong hệ thống ngân hàng đang đảo ngược: tiền gửi về dồn ứ, đầu ra thì bí bách.
Thực tế, tỉ lệ LDR chung của hệ thống thời gian qua liên tục giảm và hiện đã xuống chỉ còn hơn 83%; nhiều ngân hàng thương mại để hệ số an toàn vốn (CAR) tới 15%-20%, thậm chí có trường hợp gần 30%, một phần vì chính họ cũng khó tìm cách đầu tư.