Do nguồn cung quá lớn, vượt nhu cầu trong nước trong khi khả năng xuất khẩu heo chỉ là tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường này có trục trặc lập tức giá giảm mạnh. Ảnh: THÀNH HOA
Như chơi chứng khoán
Hơn 10 ngày sau khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giải cứu, giá thịt heo đã tăng lên khá cao, từ mức 15.000 đồng/ki lô gam đã lên hơn 25.000 đồng/ki lô gam. Dù ở mức giá này, người chăn nuôi vẫn lỗ khoảng 10.000 đồng/ki lô gam nhưng mức lỗ đã được giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ trang trại nuôi heo thịt và heo giống Minh Phú, thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cho hay: “Mấy chục năm làm trong ngành chăn nuôi, tôi chưa bao giờ thấy giá heo lại giảm thê thảm như vậy. Chăn nuôi giờ mạo hiểm như chơi chứng khoán”, ông Hanh nói và cho biết thêm, trước đây trang trại chăn nuôi của ông, gồm 300 con heo nái và 2.000 con heo thịt, được định giá khoảng 20 tỉ đồng thì nay chỉ còn một nửa.
Nguyên nhân của đợt giảm giá heo lần này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ ra là do nguồn cung quá lớn, vượt nhu cầu trong nước trong khi khả năng xuất khẩu heo chỉ là tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường này có trục trặc lập tức giá giảm mạnh.
Dù biện pháp tình thế mà Bộ NN&PTNT đưa ra đã phần nào giải quyết được những khó khăn trước mắt của hộ chăn nuôi nhưng thực tế, tăng tiêu thụ thịt heo đồng nghĩa với việc giảm tiêu thụ các loại thịt khác như bò, gà hoặc hải sản... Chưa kể, không thể cứ mặt hàng nông sản nào dư thừa là cả nước phải nhảy vào giải cứu.
Theo ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực, cây thực phẩm kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, cho hay để tránh những rủi ro thị trường và tránh những đợt giải cứu tiếp theo, cần phải tăng cường vai trò của các hiệp hội, đại diện quyền lợi của người sản xuất. Nhà nước chỉ hỗ trợ nâng cao năng lực của các hiệp hội này thông qua cơ chế, chính sách và đào tạo nguồn nhân lực. Sau khi hiệp hội đủ mạnh thì để họ tự giải quyết các vấn đề thị trường.
Ông Anh lấy ví dụ tại Philippines, họ có hiệp hội chuối rất mạnh. Hiệp hội này bao gồm nông dân, hợp tác xã, trang trại. Họ tự tìm kiếm thị trường, xác định tiêu chuẩn chất lượng để hướng dẫn cho nông dân. Nhà nước chỉ ban hành chính sách hỗ trợ mà không làm thay thị trường. Do đó, chuối của Philippines xuất khẩu đi rất nhiều quốc gia trên thế giới và đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Tại Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai hoạt động khá tốt. Đây là tập hợp của một số hợp tác xã và trang trại lớn với nhiệm vụ đàm phán với các khâu trung gian để hỗ trợ các thành viên. Hiệp hội này đang đề nghị với tỉnh Đồng Nai cho phép sử dụng một chợ bỏ không trên địa bàn tỉnh để xây dựng chợ bán buôn thịt heo sạch, tổ chức đấu giá theo chất lượng thịt... Đây là mô hình cần phải khuyến khích phát triển.
Bằng mọi cách giữ thị trường Trung Quốc
Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tháng 4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay kể cả trong nền kinh tế thị trường, để tránh được hoàn toàn các cuộc giải cứu nông sản là rất khó vì tác động từ thị trường bên ngoài làm cho hàng nông sản trong nước bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đánh giá, thị trường nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là hết sức quan trọng. Phải kiên trì, bằng mọi cách khai thông thị trường này, nếu thị trường này thay đổi thì dứt khoát một trong những mặt hàng nông sản trong nước sẽ gặp khó khăn”, ông Tuấn nói.
Để làm được việc này thì Nhà nước phải đóng vai trò dự báo, khai thông thị trường. Do đó, dù thế nào cũng phải giảm giao thương tiểu ngạch, chuyển sang mua bán chính ngạch. Theo Thứ trưởng Tuấn, Bộ NN&PTNT đã và đang cố gắng đàm phán với phía Trung Quốc nhằm khai thông chính ngạch từng mặt hàng nông sản, mà trước tiên là từ gạo và sắp tới là thịt heo, thịt gà... “Tuy nhiên, đây không phải là việc một sớm một chiều có thể làm được dù chúng ta đã bàn với Trung Quốc 2 năm nay”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách, Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), cho hay về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Ipsard nghiên cứu tìm hiểu thông tin thị trường, mở ra kênh thông tin tiêu thụ nông sản một cách bài bản. Dựa trên thông tin đó, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau đàm phán, xây dựng kênh phân phối cho cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước.
Đồng thời với đó, theo ông Tuấn, vẫn phải thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, làm sao tăng khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp nối kết với chuỗi giá trị, làm sao để nông dân trước khi sản xuất phải biết được tín hiệu thị trường về quy chuẩn, giá cả, thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm... “Có như vậy mới tránh được cú sốc ngắn hạn với mặt hàng rau quả, dưa hấu, chuối và cả thịt”, ông Tuấn nói.