Thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam đã đạt mức doanh thu cước thuê bao 3.772 tỉ đồng trong năm 2012, tăng 25% so với năm 2011. Với mức tăng trưởng hấp dẫn này, truyền hình trả tiền trở thành mục tiêu không thể bỏ qua của các nhà đầu tư có tiền và hạ tầng viễn thông tốt. Mới đây, Viettel đã có trong tay giấy phép khai thác dịch vụ truyền hình cáp. Bốn ngày sau đó, Truyền hình Cáp Việt Nam thuộc VTV cũng công bố bộ nhận diện thương hiệu mới là VTVcab. Trận chiến truyền hình cáp được dự báo sẽ căng như dây đàn trong thời gian tới.
Quả không quá lời khi dùng cụm từ “một mình một chợ” để nói về VTV trong phân khúc truyền hình cáp. Dẫn đầu thị trường là SCTV (40% thị phần), một liên doanh giữa VTV với Saigon Tourist. Theo sau là VTVcab (30%) cũng thuộc VTV. Phần còn lại gồm chưa tới 15% dành cho Công ty Truyền hình Cáp thuộc Đài Truyền hình TP.HCM (HTVC) và 15% thuộc về các đơn vị truyền hình cáp địa phương (nhưng ít nhiều đều liên quan tới SCTV và VTVcab dưới hình thức góp vốn hay chia sẻ hạ tầng).
Với thế lực như vậy, SCTV và VTVcab dễ dàng áp đặt luật chơi của mình đối với giá cước dịch vụ. Cước thuê bao của họ đã tăng gần gấp 3 lần trong 3 năm.
Nhằm lấn thị phần, năm qua cũng nổi lên một số vụ hợp tác trong phân khúc truyền hình cáp và hầu hết đều do các công ty con của VTV chủ động.
Năm qua là năm Viettel thắng to với tổng doanh thu được lần đầu tiên được Tập đoàn này công bố vượt qua cả VNPT (Mobifone và VinaPhone cộng lại) cùng khoản lợi nhuận hơn 1 tỉ USD! Giấy phép triển khai dịch vụ truyền hình cáp là bước hoàn tất chuỗi dịch vụ viễn thông của đại gia này. Hiện nay mối quan tâm lớn nhất của các đối thủ là Viettel sẽ dùng chiêu gì để tấn công VTV.
Trung thành với chiến lược rất thành công trong mảng di động là “lấy nông thôn vây thành thị”, trong hồ sơ xin cấp phép của mình, Viettel đã nêu rõ sẽ triển khai dịch vụ truyền hình cáp từ khu vực nông thôn tới thành thị; đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng có mức thu nhập khác nhau. Viettel đã xây dựng 7 gói cước cho cả 3 nhóm đối tượng gồm nông thôn, thành thị và nhóm có nhu cầu sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng cao. Dù chưa cho biết mức giá cước cụ thể, nhưng Viettel khẳng định giá cước sẽ dựa trên cơ sở “lấy đông bù ít và hấp dẫn hơn nhiều so với các đối thủ”.
Chiến lược “đánh” vào nông thôn trước rồi trở ra thành thị của Viettel có vẻ hợp lý. Thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông cho thấy, 70-80% thuê bao truyền hình cáp hiện tập trung tại các thành phố lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã ví khu vực nông thôn là “vùng trắng” và dịch vụ truyền hình cáp của Viettel sẽ vào phân khúc này trước tiên. Lợi thế lớn nhất của Viettel là đang sở hữu hệ thống cáp quang dài hơn 200.000 km, phủ trên 95% địa bàn cả nước. “Một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng mới phải mất khoảng 10 năm với hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng Viettel có thể cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chỉ trong thời gian ngắn”, ông Hùng cho biết.
Viettel cũng không bỏ qua thị trường thành thị, nơi có mức chi trả cao. Tập đoàn dự tính khu vực này sẽ chiếm khoảng 35% cơ cấu khách hàng.
Trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, nội dung luôn được xem là vua. Công thức làm nội dung phổ biến của hầu hết các kênh truyền hình cáp hiện nay là mua bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài (chiếm 30% nội dung); tiếp sóng miễn phí các kênh truyền thống trong nước như VTV, HTV... (chiếm 60% nội dung). Phần còn lại, đài truyền hình cáp cho phép đối tác mua lại sóng và đầu tư riêng một kênh truyền hình như O2 TV, InfoTV, TV Shopping, Today TV, VITV...
Các doanh nghiệp này sẽ làm nội dung riêng và thu lại bằng tiền quảng cáo. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư này vẫn chưa có lãi, một số kênh thậm chí còn lỗ nặng vì cuộc chơi này khá tốn kém. Ví dụ, nhà đầu tư trả cho đài khoảng 10 tỉ đồng/năm để toàn quyền sản xuất và kinh doanh trên một kênh truyền hình thì khi doanh thu quảng cáo vượt qua con số 10 tỉ đồng này họ sẽ phải chia 50% số doanh thu vượt đó cho nhà đài. Nhưng trên thực tế, không có mấy nhà đầu tư chạm đến ngưỡng doanh thu quảng cáo này.
Tháng 8.2007, Techcombank quyết định đầu tư vào kênh truyền O2 TV chuyên biệt về sức khỏe nhằm hướng tới thị trường dược phẩm với doanh thu mỗi năm đến 120.000 tỉ đồng. O2 TV chỉ cần chiếm được vài phần trăm của chiếc bánh khổng lồ này là có thể có lãi. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm phát sóng, Techcombank đành rút lui, nhượng O2 TV lại cho Ngân hàng Bắc Á.
Đối với Viettel, một vị đại diện Trung tâm Truyền hình của tập đoàn này cho biết, Viettel chỉ được cấp phép cung cấp dịch vụ chứ không được sản xuất nội dung. Đó là chưa kể đến việc các đối thủ có thể dùng quyền lực của mình ngăn các đơn vị sản xuất chương trình bán nội dung cho Viettel. Viettel sẽ giải bài toán này như thế nào?
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Truyền hình Viettel cho biết, trước mắt Viettel sẽ tập trung vào lĩnh vực giáo dục và y tế. Các chương trình giáo dục từ xa nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng đào tạo cho khán giả nông thôn sẽ là vũ khí chiến lược để lấy Viettel lấy thị trường.
Cuộc chiến giành và giữ thị phần gay cấn giữa Viettel và VTV sắp mở màn. Tất nhiên, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi đầu tiên về giá cả lẫn chất lượng dịch vụ.