Nhà đầu tư cơ cấu lại dòng tiền
TTCK Việt Nam nửa cuối tháng 6 đã có những phiên lao dốc mạnh nhất từ đầu tháng 5-2018 trở lại đây. Phiên đầu tuần 18-6, VN-Index giảm 29 điểm về 987,14 điểm do nhóm cổ phiếu ngân hàng và bluechips bị bán ra đồng loạt. Cổ phiếu đỏ sàn chiếm áp đảo với 74 mã tăng, 45 mã tham chiếu và 217 mã giảm điểm trên HOSE. Tiếp đà giảm, phiên giao dịch ngày 19-6, VN-Index vẫn lao dốc hơn 25 điểm (2,55%) xuống 962,16 điểm.
Nhóm cổ phiếu bluechips, trong đó có cổ phiếu "vua" ngân hàng liên tục lao dốc. Phiên 19-6, ACB, MBB, CTG, BID giảm 1,1%-2%. TCB tương tự, mức giá hiện được đưa về mức dưới 100.000 đồng/CP…
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK Nhà nước, dù các chỉ số giảm nhưng thị trường tài chính - tiền tệ, ngoại hối đang ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VNĐ) có xu hướng giảm. Cùng với đó, tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các DN niêm yết vẫn ổn định. Do vậy, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài và đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. VN-Index năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong Quý I-2018 nên các nhà đầu tư đều có tâm lý chốt lời.
Đáng chú ý, với việc tham gia của các tân binh mới có giá trị vốn hóa lớn trên sàn lên niêm yết là Techcombank và Vinhomes cũng giúp thị trường tích cực hơn. Trong đó, Techcombank dự kiến gọi vốn khoảng 900 triệu USD thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Với động thái này, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), bên cạnh dòng tiền mới, dòng tiền phân bổ hiện tại trên thị trường cũng sẽ được cơ cấu lại.
Cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu cơ bản giá trị tốt
Nhận định về xu hướng đầu tư trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam gợi ý, trong tháng 6, dòng cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và các cổ phiếu blue-chips vẫn sẽ dẫn dắt và là xung lực chính của thị trường.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Nguyễn Hoàng Hải đánh giá: "Thị trường vừa rồi điều chỉnh trong trạng thái an toàn. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, đây cũng là cơ hội để đầu tư vào các cổ phiếu cơ bản có giá trị tốt nhưng đã giảm giá về vùng định giá thấp hoặc hấp dẫn hơn. Khi thị trường hồi phục, những mã này sẽ bật rất mạnh".
Nhiều chuyên gia nhận định, trong nhóm cổ phiếu được khuyến nghị mua vào, cổ phiếu Techcombank (Mã CK:TCB) là một gợi ý đáng để lựa chọn trong bối cảnh này. Theo thông tin từ Techcombank, tháng 8 tới đây, doanh nghiệp này dự kiến sẽ phát hành tối đa 2.331 triệu cổ phần cho cổ đông với tỉ lệ 200%, tăng vốn điều lệ lên gấp ba với giá trị gần 34.966 tỉ đồng. Cổ đông của Techcombank sẽ được lợi lớn từ đợt tăng vốn khủng này.
Đợt phát hành này cũng được đánh giá sẽ đưa Techcombank lên tầm cao mới bởi sau 6 năm "chắt chiu để dành", không trả cổ tức từ 2012 đên 2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Techcombank đã lên tới gần 11.000 tỉ đồng, các quỹ trong vốn chủ sở hữu cũng đạt gần 6.158 tỉ đồng. Để chia cổ phiếu ở tỉ lệ kỷ lục đến 200%, Techcombank dự định sẽ dùng khoảng một nửa lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (lần lượt là 5.828 tỉ đồng và 3.497 tỉ đồng) và thặng dư vốn cổ phần 13.986 tỉ đồng.
Tạo lực cầu lớn hơn nhờ tỉ lệ chia cổ phiếu 1:2
Với mức giá ngưỡng 95.000 - 100.000 đồng/cp, dự kiến giá cổ phiếu TCB sau khi chia sẻ được điều chỉnh giảm còn khoảng 33.000 đồng/cp. Cùng với việc trả cổ tức bằng cổ phiếu và điều chỉnh giảm giá mỗi cổ phiếu sẽ có tác dụng kích thích thanh khoản trên thị trường giao dịch thứ cấp, giúp cổ phiếu TCB hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Tại Đại hội cổ đông bất thường hôm 14-6 vừa qua, Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết: "Đây là thời điểm phù hợp để tăng vốn điều lệ, vì Techcombank vừa hoàn tất thương vụ bán cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư quốc tế và đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE. Ngân hàng cũng đã dùng lợi nhuận giữ lại trong nhiều năm qua để thực thi chiến lược 2016-2020, xây dựng nền tảng vững chắc nhằm tạo ra doanh thu, lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng".
Chia cổ tức bằng cổ phiếu (hoặc thưởng bằng cổ phiếu) chính là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu, và lượng vốn chủ sở hữu không hề thay đổi. Nói một cách nôm na, nếu nhà đầu tư sẵn có 100 cái bánh lớn và được chia với tỉ lệ 1:2, nhà đầu tư này sẽ nhận về 300 cái bánh nhỏ hơn sau khi chia cổ phiếu (thể hiện sự pha loãng về giá trị). Theo đó, tổng giá trị không hề thay đổi trong khi số lượng bánh tăng lên, khiến giá của mỗi cái bánh giảm đi - tạo nên lực cầu lớn hơn trên thị trường.
Các nhà đầu tư vẫn sở hữu giá trị cổ phần như trước đó, song mức giá của mỗi cổ phiếu đã giảm xuống một phần ba. Song điều này giúp tạo nên hai khác biệt lớn. Trước hết, thị trường sẽ có thêm nhiều cổ phiếu để tạo thanh khoản, và điều thứ hai, là cổ phiếu được giao dịch ở mức giá thấp hơn nhiều. Đây là một động thái tích cực sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường, làm giảm rủi ro thanh khoản, cũng như làm giảm thị giá giúp nhà đầu tư khác có thể dễ dàng mua cổ phiếu. Đồng thời, điều này sẽ giúp công ty có thể giữ lại tiền để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, đầu tư vào những dự án mang lại lợi nhuận lâu dài cho cổ đông, đồng thời giữ lại dòng tiền để sẵn sàng nguồn lực cho những ngày khó khăn.
Ngoài ra, khi TTCK thăng hoa với nguồn cầu lớn, thì việc chia bằng CP sẽ giúp cổ đông đạt giá trị cao hơn nhận tiền mặt. Được biết, trên thị trường phi tập trung (OTC), năm 2013 giá cổ phiếu TCB có lúc xuống chỉ còn 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên đến năm 2018, con số này đã tăng lên gấp hơn 10 lần, vượt ngưỡng 100.000 đồng/cp, tương đương tỉ lệ tăng trưởng gộp hằng năm (CAGR) hơn 58%/năm. Vì vậy, nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để lạc quan về chiến lược giữ lại lợi nhuận và phát hành thêm cổ phiếu của Techcombank.