Từ tâm trạng của Mark Zuckerberg
Ngồi trong văn phòng thơm mùi xalông mới tại khu thương mại Lữ Gia, quận 10, chàng giám đốc mới 29 tuổi của Vexere.com Trần Nguyễn Lê Văn - cựu sinh viên ĐH Bách khoa TP HCM - kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Nghỉ học đi khởi nghiệp? Câu hỏi nhen nhóm trong “anh lái bò” Trần Nguyễn Lê Văn ngay từ những ngày lăn lộn làm thêm để trọ học.
"Cuộc đời tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người xa lạ. Nhưng may mắn đầu tiên chính là học bổng MBA 100% tại Mỹ. Chính điều này khiến tôi luôn cảm ơn cuộc sống, thôi thúc tôi trả ơn cho cuộc đời này"
Trần Nguyễn Lê Văn
“Thử hỏi nếu Mark Zuckerberg tập trung cho việc học và tốt nghiệp Harvard thì liệu rằng Facebook có thành doanh nghiệp tỉ đô như hiện nay? Liệu MySpace và những người bạn có cùng ý tưởng kia có để yên cho Mark làm mưa làm gió? Liệu Bill Gates học xong thì còn cơ hội gầy dựng Microsoft? Thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay thì việc ra đời một ý tưởng đặc biệt về thương mại điện tử đến lúc gặp bản sao y hệt chỉ có thể tính theo tuần. Vì vậy nếu không sớm làm thì đối thủ của bạn sẽ nhảy vào làm thay!”.
Đó là tâm trạng mang hơi hướm chàng Mark ở xứ Mỹ xa xôi len lỏi vào những toan tính tương lai của chàng sinh viên nghèo tại Việt Nam. Nhưng để chạm đến những ước mơ lớn cần có những bước đi ngắn làm bàn đạp.
“Khi ấy nhiều sinh viên mới ra trường rộ lên phong trào săn học bổng du học. Còn gì bằng với một cử nhân quèn được ngao du bốn bể để học nghề, học người? Tôi lao vào săn học bổng. Ban đầu chỉ là những học bổng nho nhỏ như Endeavour của Chính phủ Úc, học bổng MBA của ĐH Quốc tế. Và may mắn nhất là học bổng 100% học phí từ Trường ĐH Thunderbird ở Mỹ vào cuối năm 2011” - Văn kể.
Học phí toàn phần cho khóa học MBA tại Mỹ lúc này là 86.000 USD.
Ý tưởng từ đất Mỹ
Tết đầu tiên khi du học ở Mỹ với Văn là những ngày lạnh cóng và cô đơn trong nỗi nhớ quê nhà. “Đọc những bài viết về hàng ngàn lượt người xếp hàng từ sáng đến tối ở Hà Nội, TP HCM vẫn không mua được vé về quê ăn tết mà thấy rối bời giùm họ! Chợt hỏi sao dân Mỹ chẳng ai xếp hàng đi mua vé xe hay vé máy bay cả? Eureka! Tại sao lại không có một hệ thống đặt vé xe online cho hành khách tại Việt Nam?”.
Nghĩ là làm. “Tìm hiểu sơ bộ, mỗi năm có khoảng 24 triệu lượt khách có nhu cầu đi lại, phải xếp hàng trung bình 1 giờ đồng hồ để chờ đợi mua vé. Vậy mỗi năm phải tiêu tốn đến 24 triệu giờ đồng hồ cho một nền kinh tế còn khó khăn như Việt Nam thật quá lãng phí. Đó là chưa kể cơ chế hoạt động thô sơ của các nhà xe không thể nắm bắt nhu cầu đi lại, dẫn đến nạn xe dù, lượn xe vòng vèo bắt khách dọc đường vừa nguy hiểm vừa tốn thời gian, chi phí”.
Vì mải mê lo làm dự án cùng các cộng sự mà học kỳ cuối ở Trường Thunderbird điểm các môn học bị dưới trung bình. Văn đã mất học bổng và quay trở lại Việt Nam vào cuối năm 2013.
“Cảm giác lúc đó tôi như bị say nắng, không còn quan tâm gì đến việc có hay không có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ. Cùng lúc này tôi và một nhóm sinh viên đem dự án “Vé xe online” đi tham dự cuộc thi Ý tưởng kinh doanh vùng Mekong - Mekong Business Challenge 2014 và giành huy chương bạc”.
Sau cuộc thi này, dự án được Quỹ đầu tư Cyber (Nhật) hợp tác mở Công ty Vexere.com tại Việt Nam. Hành trình khởi nghiệp bằng cách bán vé xe của Văn bắt đầu từ đây.
Thời điểm này, Văn cũng nhận được tin vui bất ngờ từ Trường Thunderbird: Văn được trở lại trường hoàn tất khóa học vì ý nghĩa cộng đồng từ dự án khởi nghiệp mà Văn đã làm.
Ông Nguyễn Đức Minh, giám đốc điều hành Công ty TNHH thương mại và vận tải Anh Khoa - một công ty đang hợp tác với vexere.com, cho biết: “Việc in vé online sẽ tạo thuận tiện cho cả khách và nhà xe. Trước mắt nhà xe Anh Khoa đang chạy thử phần mềm do Vexere cung cấp và điều chỉnh dần theo nhu cầu riêng của doanh nghiệp”.
Sự ra đời của vexere.com phù hợp với nhu cầu tất yếu của người dùng Việt Nam. Đó là kênh thông tin một cách chính xác, đầy đủ về các hãng xe, hành trình, giá vé giúp hành khách (người dùng) mua vé một cách đơn giản, giúp nhà xe nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý chặt chẽ được thông tin về các chuyến xe.
Điều đặc biệt là chúng tôi đánh giá cao ý tưởng kinh doanh xuất phát từ đam mê khiến nhóm phát triển dự án có thể thành công” - ông Nguyễn Mạnh Dũng, trưởng đại diện Quỹ Cyber tại Việt Nam và Thái Lan, chia sẻ.