Nếu như năm 2005, tại phường 12 (Đà Lạt) - vùng atisô trọng điểm của Đà Lạt, diện tích cây atisô lên đến khoảng 80 ha (chiếm 80% tổng diện tích atisô toàn thành phố), thì đến nay diện tích này đã giảm xuống chỉ còn hơn 40ha, thay vào đó là những nhà giàn (nhà kính) mọc lên để phục vụ sản xuất những cây nông nghiệp
Diện tích atisô ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó là các nhà kính trồng hoa khác đua nhau mọc lên.
Ông Lê Đình Luân (khu phố 2, phường 12, Đà Lạt) cho biết: “Nếu so sánh về giá trị kinh tế của atisô và hoa cúc mang lại thì người nông dân trồng hoa cúc sẽ có lợi nhuận hơn rất nhiều so với trồng atisô và tính rủi ro cũng thấp hơn”. Thời gian trồng và thu hoạch cây atisô kéo dài tới khoảng 11 tháng , một năm chỉ trồng được một vụ và khi xuống giống (tháng 4 và 5), đến khi thu hoạch (bắt đầu từ tháng giêng năm sau) phải đồng loạt. Nếu chậm trễ atisô mới trồng sẽ chết và bị đen bông khi bị mưa xuống.
Theo ông Luân, trên 1000 m2 đất trồng, nếu trồng atisô thì tổng thu nhập một năm chỉ đạt trung bình khoảng 40 triệu đồng, còn trồng hoa cúc thì sẽ đạt khoảng 80 triệu đồng. Trong một năm cây atisô chỉ trồng được duy nhất một vụ, còn hoa cúc thì có thể trồng được 3 vụ.
Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho biết: “Mặc dù trong vài năm trở lại đây, diện tích cây atisô đang giảm mạnh, nhưng nói thương hiệu atisô Đà Lạt mất đi là không thể”. Bởi theo ông Dinh, không nơi nào ở Việt Nam có thổ nhưỡng, khí hậu, kinh nghiệm thích hợp để trồng atisô như ở phường 12, Đà Lạt. Giá trị dinh dưỡng của cây atisô nơi đây rất cao và đang ngày càng được người tiêu dùng chú ý đến.
Người trồng atisô ở Đà Lạt đã không còn mặn mà với loài hoa đã từng giúp họ vươn lên làm giàu