xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TỌA ĐÀM “GIẢI PHÁP ĐƯỜNG DÀI CHO XUẤT KHẨU GẠO”: Liên kết thật chặt, gạo Việt sẽ tiến xa

NGỌC ÁNH - THÁI PHƯƠNG

Để xuất khẩu gạo bền vững, cần sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người trồng lúa

Ngày 9-1, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo" với sự tham dự của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương, lãnh đạo một số tỉnh - thành ĐBSCL, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp (DN)… và các đơn vị đồng hành.

Khẳng định vị thế gạo Việt

Đánh giá về kỷ lục xuất khẩu gạo của năm 2023 với gần 8,3 triệu tấn, mang về 4,78 tỉ USD, cao nhất kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia mảng này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - cho rằng đó là nỗ lực của cả cộng đồng. 

"Năm qua, có những lúc thị trường diễn biến rất căng thẳng, nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể cấm xuất khẩu gạo như năm 2008 hay 2021. Tuy vậy, Chính phủ đã có sự điều hành đúng đắn khi chứng minh Việt Nam vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước và tăng xuất khẩu trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động" - ông Tùng nhìn lại.

Về giải pháp đường dài, ông Tùng cho biết Chính phủ đã có Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đây là đề án trọng điểm mà ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện để khắc phục những hạn chế của ngành lúa gạo.

Từ góc độ thị trường nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam (Philippines chiếm khoảng 40% thị phần), ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines - dự báo năm 2024, nước này sẽ nhập khẩu từ 3,5 - 4 triệu tấn gạo, tương đương năm trước.

Tại Philippines, gạo Việt Nam có nhiều lợi thế như phẩm chất phù hợp cho người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, giá cả cạnh tranh. Các DN Việt Nam cũng có mối quan hệ lâu năm với đối tác nhập khẩu tại đây, hai nước lại gần nhau về địa lý nên vận chuyển khá thuận lợi. 

"Gần đây, Philippines nhận thấy sự phụ thuộc lớn về gạo Việt Nam nên đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhưng tôi tin rằng chúng ta vẫn giữ được vị trí số 1. Dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần giữ thị trường Philippines bên cạnh mở rộng thị trường mới" - ông Thành khuyến cáo.

Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, dự báo giá lúa gạo trong năm 2024 và trong tương lai vẫn giữ ở mức cao, Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. 

"Những năm trước, giá gạo xuất khẩu ở mức thấp, còn giá gạo hiện tại mới phù hợp với công sức của bà con. Chúng tôi mong muốn các ban, ngành, tổ chức, nông dân và DN có sự gắn kết hơn trong tương lai để giữ vững giá trị của hạt gạo Việt Nam nhằm góp phần phát triển đất nước" - ông Trọng nêu ý kiến.

Liên quan đến chính sách tín dụng cho nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách Tín dụng Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), cho biết trong suốt thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank luôn xác định trọng tâm cho nông nghiệp, nông thôn. 

Tính đến hết năm 2023, đầu tư vốn của Agribank cho nền kinh tế hơn 1,15 triệu tỉ đồng và ngành nông nghiệp luôn chiếm tỉ trọng cao. Nếu tính toàn ngành ngân hàng, riêng dư nợ của Agribank đang chiếm khoảng 40% tỉ trọng tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp.

Riêng tại vùng ĐBSCL, Agribank đang cấp tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng, trong đó đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn chiếm 80% trong nguồn vốn này. 

"Agribank đang triển khai chương trình tín dụng khoảng 65.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, áp dụng với rất nhiều phân khúc khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ DN xuất khẩu lúa gạo đến DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo... Agribank xác định khách hàng là trung tâm và bên cạnh sự chủ động của mình, ngân hàng cũng mong khách hàng cá nhân và DN tìm đến để được ngân hàng phục vụ" - ông Nguyễn Văn Bách nói.

TỌA ĐÀM “GIẢI PHÁP ĐƯỜNG DÀI CHO XUẤT KHẨU GẠO”: Liên kết thật chặt, gạo Việt sẽ tiến xa- Ảnh 1.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Cải thiện thu nhập người làm lúa

Theo ông Lê Thanh Tùng, nghề trồng lúa không chỉ sản xuất lấy lời mà là sinh kế của người dân và ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị. Người nông dân cần được bảo đảm "an ninh thu nhập" trước khi nghĩ đến vấn đề an ninh lương thực cho quốc gia hay quốc tế. 

Nếu như đời sống người trồng lúa không bảo đảm thì về lâu dài người dân trong nước cũng không có đủ gạo để ăn. Khi Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam ra đời cũng lấy phương châm "Thịnh vượng - khởi nguồn từ người sản xuất" làm kim chỉ nam để hành động.

Là chuyên gia gắn bó nhiều năm với ngành lúa gạo, PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cũng trăn trở với vấn đề thu nhập của người trồng lúa còn thấp so với các ngành hàng khác. Tuy vậy, ông cho biết các nhà khoa học đã có giải pháp. 

"Để gia tăng thu nhập, người nông dân có thể thuê thêm ruộng để chuyên canh cây lúa, ứng dụng cơ giới hóa. Đồng thời, đa dạng thêm các loại cây trồng khác" - PGS-TS Dương Văn Chín chia sẻ.

Theo chuyên gia này, xu hướng hiện nay là tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và ngành lúa gạo không đứng ngoài cuộc. Đó là, khi sản xuất lúa cần giảm lượng giống, giảm nước tưới, giảm phân thuốc... có thể giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất. 

Bên cạnh đó, cần thực hiện không đốt rơm rạ trên ruộng lúa nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường mà cần thu gom để bán làm nấm rơm hay thức ăn cho bò... Thực ra, trong nhiều thập niên qua, những kỹ thuật trồng lúa xanh, giảm chi phí, tăng lợi nhuận… như trên nông dân đều biết nhưng khó áp dụng trên diện tích lớn.

Ông Trần Tiến Dũng, nông dân sản xuất giỏi của HTX Khiết Tâm (Cần Thơ), nêu kinh nghiệm làm giàu từ cây lúa là sản xuất theo hướng bền vững, thực hiện theo hướng dẫn của HTX và cơ quan quản lý. Ông Dũng khẳng định sẽ tiếp tục sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm phân thuốc, tăng chất lượng hạt gạo và mong muốn giá gạo được duy trì ở mức cao để nông dân cải thiện thu nhập.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nêu ý kiến: "Thông qua tiếng nói của Báo Người Lao Động và qua các kênh khác, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cảnh báo và xu hướng, nhu cầu của thế giới trong năm 2024 và những năm tới nhằm giúp giảm thiểu tối đa rủi ro cho DN và nông dân. Cá nhân tôi mong muốn làm sao kết nối diễn đàn chiến lược và căn cơ, để vùng ĐBSCL và ngành hàng lúa gạo mang lại hiệu quả cao nhất".

Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, nhờ nghị quyết của Chính phủ cho phép quy hoạch lại trồng lúa thuận theo tự nhiên (Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - PV) mà những vùng ven biển đáng lẽ không nên trồng lúa trong mùa khô nhưng trước đây do chỉ lo trồng lúa thôi, nên đắp đập, ngăn mặn, đào kênh rất tốn tiền để đưa nước ngọt ít ỏi tưới cho vùng ngập mặn. Giờ chúng ta không còn làm cách cũ nữa. 

"Nói như thế để thấy đây là một cơ hội và thêm một cơ hội lớn khác là chủ trương 1 triệu ha lúa cao sản chất lượng cao. Chúng ta có thể dùng thể chế mới để phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao. Các DN không nên xuất khẩu gạo khi không có vùng nguyên liệu" - GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh. 

Vùng nguyên liệu riêng: Bài toán khó

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp), cho biết với sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm của DN thì vùng nguyên liệu lớn bằng diện tích trồng lúa của cả tỉnh Đồng Tháp nên không thể nào có đủ nhân sự để tổ chức sản xuất, thu mua. Việt Nam có đến 250 DN xuất khẩu gạo nhưng chỉ có vài DN xây dựng vùng nguyên liệu. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo rất khốc liệt, DN đi sai là phá sản. Năm qua, nhiều nhà máy lỗ vài trăm tỉ đồng, cũng có nhiều DN phá sản vì thị trường biến động giá quá lớn.

Thực tế, DN thuần làm gạo rất khó làm vùng liên kết vì không cân đối được chi phí trong điều kiện hiện nay. Việc xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với các DN khai thác thị trường ngách với sản lượng nhỏ nhưng giá trị cao, gắn với thương hiệu DN. Ngoài ra, một số DN cung cấp vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc...) cũng có điều kiện để làm việc này vì thuận lợi cho khâu bán hàng và có lợi nhuận để bù đắp cho mảng gạo.

CẢM ƠN CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)

- Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo