Dự kiến đến cuối năm 2015, Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán và ký kết hàng loạt hiệp định: Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ASEAN + 6 và gia nhập Cộng đồng Khối Kinh tế ASEAN - AEC... Trong bối cảnh mở rộng cửa thị trường, một số doanh nghiệp (DN) đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đa phần DN, vì nhiều lý do, vẫn tận dụng công nghệ cũ nên sản phẩm khó cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Công nghệ là chìa khóa cạnh tranh
GS-TS Phạm Ngọc Đăng, nguyên ủy viên Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia, nhận xét: “Nhiều DN chỉ thấy cái lợi nhỏ là chọn thiết bị rẻ để sản xuất, hàng hóa vẫn đang được thị trường chấp nhận. Nhưng về mặt lâu dài, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp thì khó cạnh tranh trong môi trường sản xuất hiện đại”.
ThS Vũ Dương Hòa, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương, cho biết: “Thời gian qua, chủ trương cho phép nhập khẩu thiết bị, công nghệ cũ ít nhiều đã đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế nhất định trong khâu kiểm soát chất lượng nên nhiều thiết bị, công nghệ cũ mà các quốc gia phát triển thải bỏ được DN trong nước nhập về, ảnh hưởng đến môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm”.
Dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh: Viettel Printing
Bên cạnh những DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, một số DN đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại thay thế dây chuyền công nghệ cũ, chuẩn bị kỹ cho thời kỳ hội nhập sâu. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho biết công ty này đã chi 3 triệu USD nhập thêm máy móc, thiết bị từ Nhật, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào vận hành nhằm nâng cao chất lượng, tạo ra những sản phẩm có độ chuẩn xác cao nhằm chinh phục thị trường khó tính châu Âu.
Sau cổ phần hóa, từ năm 2007, Công ty Nhựa Rạng Đông đầu tư 80-120 tỉ đồng/năm cho 2 dòng hàng chủ lực là nhựa giả da và nhựa bao bì, nhờ vậy luôn duy trì được mức tăng trưởng 25%-40%. Ông Nguyễn Đắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhựa Rạng Đông, cho biết: “Đầu tư 46 tỉ đồng cho 1 máy thổi bao bì nhựa màng đa lớp cung cấp cho thị trường trong nước, chúng tôi tiết kiệm được phế liệu, kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, giảm được 20% giá thành sản xuất. Công ty cũng đang cân nhắc đầu tư thêm 1 dây chuyền công nghệ hiện đại để làm hàng xuất khẩu sang Nhật”.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM, hiện 30% thành viên của hội đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Nhiều DN đang chuyển hướng mua thiết bị, công nghệ mới từ châu Âu, Mỹ, Nhật thay cho thiết bị Trung Quốc hoặc công nghệ cũ.
Công ty Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) cũng bỏ ra hàng chục tỉ đồng mỗi năm mua dây chuyền công nghệ và phần mềm sản xuất chứ không mua sản phẩm lắp ráp, phân phối. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, chất lượng đầu máy karaoke Ariang luôn được kiểm soát và cải tiến theo nhu cầu thị trường.
Theo đại diện các hội ngành nghề, công nghệ là chìa khóa hội nhập, nhiều DN Việt rất cần đầu tư đổi mới. Tuy nhiên, chính phủ nên tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách đầu tư công nghệ hiện nay để khuyến khích DN.
Gỡ vướng nhập khẩu thiết bị
Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng điều kiện thời gian sản xuất không quá 5 năm, chất lượng còn lại trên 80%. Ngoài ra, theo thông tư, việc giám định nhập khẩu phải do các cơ quan có thẩm quyền chỉ định tổ chức giám định. Việc giám định đánh giá chính xác chất lượng còn lại cũng là vấn đề mà nhiều DN bức xúc.
Trước những bất cập này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hủy bỏ Thông tư 20, hiện lấy ý kiến góp ý để xây dựng thông tư mới. Theo dự thảo lần 3 của thông tư mới, máy móc, thiết bị không vượt quá 10 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này sẽ giải quyết những lo lắng của DN về giám định chất lượng máy móc, thiết bị.
Theo các chuyên gia, thông tư mới cần có tiêu chí cụ thể để thẩm định, đánh giá thiết bị, công nghệ… nhằm giúp các DN hiểu rõ những tác động tích cực, tiêu cực khi nhập khẩu máy móc, công nghệ. Thẩm định, đánh giá chính xác máy móc, công nghệ sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát việc nhập khẩu tốt hơn, DN không cảm thấy bị thiệt hại khi đầu tư.
Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết do nguồn vốn có hạn, trong khi nhiều máy móc, công nghệ mới giá thành cao vượt khả năng đầu tư nên các DN vừa và nhỏ cần sự hỗ trợ về thuế, điều kiện vay vốn, thuê mặt bằng...
Đi sau các nước 3 thế hệ
Theo thống kê, trên 70% máy móc, thiết bị sử dụng ở một số ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam được nhập từ nước ngoài, gồm các thiết bị do DN tự nhập khẩu và DN nước ngoài liên doanh với DN trong nước.
Tại một hội thảo mới đây ở TP HCM, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết phần lớn các máy móc, thiết bị này đều cũ, đã qua sử dụng và lạc hậu; tỉ lệ thiết bị mới, công nghệ hiện đại còn ở mức thấp. Tính trung bình, vòng đời một sản phẩm công nghệ hiện nay khoảng 10 năm. Công nghệ chúng ta đang sử dụng lạc hậu khoảng 3 thế hệ so với nhiều nước.