Cho tới nay, dữ liệu người dùng lưu trên iCloud (dịch vụ lưu trữ mây của Apple) cũng đã được mã hóa để bảo mật. Tuy nhiên, theo nguồn tin của trang WSJ, Apple đang cân nhắc tăng cường mã hóa cho iCloud trong thời gian tới. Thông tin này được tiết lộ trong bối cảnh Apple và Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đang xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa. FBI yêu cầu phải tìm cách mở khóa mở khóa chiếc iPhone 5C của tên khủng bố tại San Bernardino, California vào cuối năm ngoái, tuy nhiên, yêu cầu này bị Apple cự tuyệt vì nó sẽ làm giảm niềm tin của người dùng vào công ty.
Để tăng cường mã hóa cho iCloud, Apple sẽ thực hiện một thay đổi mà theo đó, Apple không còn cần phải nắm giữ khóa (key) được dùng để giải mã (decode) dữ liệu. Thông tin của WSJ cũng trùng khớp với một nguồn tin của trang Financial Times hồi tháng 2.
iCloud sẽ được tăng cường mã hóa để bảo vệ người dùng.
Nếu thay đổi này được Apple áp dụng, người dùng khi quên mật khẩu có thể không bao giờ truy cập được vào dữ liệu mà họ lưu trên iCloud. Cách này cũng sẽ giúp Apple bớt phải nhận những yêu cầu mở khóa từ các cơ quan thực thi pháp luật cũng như từ chính phủ các quốc gia hay theo dõi người dùng.
Hồi giữa tháng 2-2016, "Táo khuyết" bất ngờ bị lôi vào một cuộc tranh luận vô cùng gay gắt về vấn đề mã hóa với Bộ Tư pháp Mỹ. Thời điểm đó, FBI cố gắng truy cập vào một chiếc iPhone 5C của một tên khủng bố tấn công vào San Bernardino hồi tháng 12-2015. Trong quá trình sử dụng iPhone, kẻ khủng bố này đã kích hoạt một tính năng khiến thiết bị tự động xóa sạch vĩnh viễn toàn bộ dữ liệu trong máy nếu nhập sai mật khẩu quá 10 lần liên tiếp.
Apple đã cho phép các nhà điều tra truy cập vào tài khoản iCloud kết nối với chiếc iPhone 5C, tuy nhiên, hãng kiên quyết từ chối yêu cầu tạo ra một phần mềm mới giúp FBI có thể qua mặt mật khẩu iPhone. Hai bên đã mất nhiều tuần qua để "công kích" lẫn nhau, đồng thời lôi nhau ra tòa. Được biết, một phiên xử tại tòa án liên bang diễn ra vào ngày 22-3 tới đây có thể sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.
Việc cho phép truy cập vào dữ liệu mà người dùng sao lưu trên iCloud sẽ rất hữu ích khi các nhà điều tra muốn tìm kiếm chứng cứ tội phạm, bởi vậy, nếu Apple gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật bằng cách tăng cường mã hóa, những căng thẳng giữa hai bên sẽ ngày càng thêm trầm trọng. Apple hiện cũng đã có tính năng iCloud Keychain giúp đồng bộ tên người dùng, mật khẩu trên Safari, thông tin thẻ tín dụng, thông tin mạng Wi-Fi giữa các thiết bị chạy iOS và OS X.
Tuy nhiên, iCloud cũng đã từng dính những vụ bê bối bảo mật lớn, như vụ lộ ảnh khỏa thân của hàng loạt người nổi tiếng năm 2014. Ryan Collins, tên hacker gây ra sự vụ này, đã đánh cắp tài khoản iCloud của các nhân vật nổi tiếng theo hai cách:Đoán mật khẩu và lừa nạn nhân bằng cách gửi cho họ các email giả mạo (các email này bề ngoài trông giống như email được gửi từ chính Apple).