Nhiều người tại TP HCM đang sử dụng các loại điện thoại bàn không dây (điện thoại “mẹ bồng con”) có khả năng gây nhiễu sóng các mạng điện thoại di động mà không hề hay biết. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, không nhập khẩu, kinh doanh các điện thoại loại này.
Phá sóng điện thoại di động
Điện thoại bàn không dây đã xuất hiện tại Việt Nam hàng chục năm nay với các thương hiệu như: Panasonic, Siemens, Sony, Alcatel... nhưng sử dụng sao cho đúng, hiệu quả thì phần lớn người dùng chưa nắm rõ. Thậm chí gần đây, loại điện thoại này gây ra hiện tượng phá sóng 3G.
Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết theo kết quả đo đạc, kiểm tra, kiểm soát sóng vô tuyến điện của cơ quan chức năng, một số tổ chức, cá nhân đang sử dụng loại điện thoại không dây kéo dài (một dạng “mẹ bồng con”) chuẩn DECT (công nghệ truyền thông không dây số cải tiến) 6.0 không hợp quy chuẩn xuất xứ từ khu vực Mỹ Latin, Trung Quốc, Nhật… nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm soát hải quan, không được đăng kiểm, công bố chuẩn hợp quy. Các thiết bị này khi hoạt động thường gây ra tình trạng nhiễu, kém chất lượng cho hệ thống điện thoại di động ở Việt Nam. Cụ thể là gây ảnh hưởng đến hệ thống mạng 3G băng tần 1.900-1.930 MHz của Công ty Thông tin di động MobiFone. Tại TP HCM, điện thoại “mẹ bồng con” là nguyên nhân khiến suy giảm tốc độ kết nối, làm gián đoạn kết nối mạng 3G ở nhiều nơi.
Người dùng nên tìm hiểu kỹ khi sử dụng điện thoại “mẹ bồng con” Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 2 (gọi tắt là Trung tâm 2), cho biết: “Từ giữa năm 2014 đến đầu năm 2015, Trung tâm 2 ghi nhận có gần 400 trạm phát sóng tại TP HCM bị can nhiễu. Hiện trung tâm chỉ mới xử lý hơn 700 thiết bị gây ảnh hưởng trực tiếp đến sóng 3G. Ngoài ra còn phát hiện hàng ngàn điện thoại chuẩn DECT 6.0 có phát tín hiệu nhưng chưa thể xử lý triệt để do chưa gây nhiễu. Nguyên nhân chính của việc can nhiễu là do sóng của điện thoại “mẹ bồng con” DECT 6.0 dùng tần số 1.920 -1.930 MHz, trùng với tần số mạng 3G của các mạng di động”.
Ngoài ra, theo thống kê của Cục Tần số vô tuyến điện, tính đến ngày 20-7, trên cả nước đã điều tra và xử lý gần 3.200 điện thoại bàn không dây gây nhiễu cho 1.200 trạm phát sóng di động (BTS) tại 22 tỉnh, thành phố.
Cần biết rõ trước khi dùng
Hiện có 4 nhà mạng đã được cấp phép triển khai mạng 3G, gồm: MobiFone, Viettel, Vietnamobile, VinaPhone. Mỗi nhà mạng khai thác được ấn định 3 kênh tần số cho hướng xuống (trong dải 2.110 - 2.170 MHz) và 3 kênh tần số cho hướng lên (trong dải 1.920-1.980 MHz). Do đó, những điện thoại bàn không dây sử dụng công nghệ DECT 6.0 có băng tần hoạt động 1.920-1.930 MHz đều có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng sóng dải tần hướng lên của mạng 3G tại Việt Nam.
“Người dân sử dụng điện thoại “mẹ bồng con” đa số được tặng hoặc xách tay từ nước ngoài về, thiết bị nhỏ gọn và số lượng không nhiều nên khó phát hiện. Việc kiểm soát hoạt động buôn bán thiết bị viễn thông cũ vẫn chưa được các đơn vị chức năng quan tâm đúng mức. Điều này vô tình tiếp tay cho các điện thoại bàn không dây gây can nhiễu sóng 3G thời gian qua” - ông Nguyễn Văn Thư nói.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngoài đường xách tay, quà tặng từ nước ngoài về, hiện các điện thoại DECT 6.0 được bày bán tại nhiều cửa hàng viễn thông ở TP HCM, giá chỉ từ 1-2 triệu đồng/bộ. Đa phần cả người bán lẫn người mua đều không hiểu rõ sóng của các máy này có thể gây can nhiễu, chỉ biết chúng có thể hoạt động được là vô tư mua bán.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết Cục Tần số vô tuyến điện thường xuyên cập nhật danh sách các loại điện thoại bàn không dây chuẩn DECT 6.0 không được sử dụng ở Việt Nam trên trang web www.cuctanso.vn. Người dân có thể vào website này để tìm hiểu trước khi mua. Sắp tới, sở này cũng sẽ báo cáo, tư vấn cho UBND TP về kế hoạch quản lý, xử lý các loại điện thoại bàn không dây gây can nhiễu.
Các chuyên gia cho biết nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại bàn không dây thì nên mua những chiếc điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, đã được Cục Tần số vô tuyến điện kiểm định và cho phép nhập khẩu có dán tem của nhà cung cấp. Khi được cho, tặng, nếu không nắm rõ chúng có gây tác động gì, có thể mang ra cửa hàng viễn thông hay cơ quan quản lý về viễn thông để kiểm tra trước khi sử dụng.
Phạt nặng
Theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, sẽ phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi bán thiết bị vô tuyến điện thuộc danh mục vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại nhưng không thực hiện công bố hợp quy hoặc không có dấu hợp quy.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường nhưng không có chứng nhận hợp quy; công bố hợp quy; sử dụng dấu hợp quy.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại, có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đã được chứng nhận.