Chưa có lưu lượng thực tế
Cho tới thời điểm này, mới có 7 doanh nghiệp báo cáo với Bộ TT&TT về kế hoạch hành động chuyển đổi sang IPv6 là: VNPT, Viettel, SPT, FPT, EVN, CMC và Netnam. “Kế hoạch triển khai chi tiết của mỗi doanh nghiệp tuy khác nhau, nhưng cơ bản vẫn bám sát Kế hoạch hành động quốc gia và được thể hiện bằng những đầu việc cụ thể như: Tự đánh giá mạng lưới, dịch vụ để phục vụ cho triển khai IPv6; Đào tạo nhân lực IPv6; Kết nối với mạng IPv6 quốc gia, Triển khai xây dựng các đường kết nối thuần IPv6 đi quốc tế; Lên kế hoạch cung cấp thử nghiệm dịch vụ IPv6 cho khách hàng”, VNNIC cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, có 5 ISP đang duy trì đường kết nối thuần IPv6 tới mạng lõi IPv6 của VNNIC bao gồm NetNam, DTS, Viettel, VTC và SCTV. Tuy nhiên, lưu lượng trao đổi trên thực tế của các kết nối này còn rất hạn chế. Có kết nối hầu như không có lưu lượng, vị đại diện của VNNIC thừa nhận.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng yêu cầu các ISP báo cáo rõ tình hình đã triển khai, cũng như dự kiến kế hoạch triển khai tiếp IPv6 trong thời gian tới. “Nếu có tồn tại, bất cập nào thì đề nghị nêu rõ và nói luôn nguyên nhân vì sao? Trong các nguyên nhân thì đâu là nguyên nhân chính cản trở tiến trình chuyển đổi?”.
Thứ trưởng thừa nhận “nhân lực và nguồn lực IPv6 hiện tại” của Việt Nam có hạn, thời gian lại không nhiều các ISP cần tập trung chỉ ra những biện pháp cần được quan tâm nhiều nhất trong 6 tháng cuối năm 2012, cũng là thời điểm nước rút của giai đoạn 1 Chương trình Hành động Quốc gia về IPv6.
Doanh nghiệp kể khó
Đối với việc đào tạo nhân lực, một nhiệm vụ rất quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, VNNIC cho biết hiện cũng mới chỉ dừng ở việc đào tạo một số cán bộ cho các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet). Nội dung về IPv6 chưa được đưa vào chương trình đào tạo của các Đại học – Cao đẳng chuyên ngành về Điện tử, viễn thông. Bên cạnh đó, việc các cán bộ được đào tạo xong lại “nhảy việc” hoặc chuyển công tác khác cũng là một thực trạng.
Về phía các ISP, đại diện Viettel cho biết Tập đoàn này đã tiến hành thử nghiệm IPv6 trên cả ADSL lẫn mạng 3G, trong đó 3G đã chạy thử cả trên smartphone lẫn USB 3G. “Chúng tôi nhận thấy khó khăn chủ yếu tập trung ở thiết bị đầu cuối người dùng và từ phía các nhà cung cấp nội dung”, Viettel nêu rõ, vì vậy Tập đoàn này đã có hướng tự sản xuất thiết bị IPv6 mà cụ thể là USB 3G tương thích với IPv6.
Trong khi đó, đại diện VNPT khẳng định “kỹ thuật không phải là vấn đề lớn” và VNPT đã tiến hành chạy thử nhiều lần trong môi trường lab thành công. Tuy nhiên, việc triển khai IPv6 với quy mô lớn trên thực tế lại là câu chuyện hoàn toàn khác. “Chúng tôi được cảnh báo là router khi chuyển sang IPv6 sẽ bị sụt giảm lưu lượng, tức là vùng phục vụ sẽ bị thu hẹp lại. Như thế thì doanh nghiệp sẽ phải mua thêm thiết bị, đầu tư thêm cho hạ tầng rất tốn kém”. Mấu chốt ở đây là chưa ai có được con số thực tế về việc mức sụt giảm lưu lượng của router cụ thể là bao nhiêu, do đó VNPT sẽ “cân nhắc, tính toán thêm” rồi mới triển khai diện rộng, đại diện Tập đoàn cho biết.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa cũng được VNPT chia sẻ là giá thiết bị đầu cuối hỗ trợ dual-stack (tức hỗ trợ đồng thời cả IPv4 lẫn IPv6) hiện cao hơn đáng kể so với những thiết bị chỉ tương thích với IPv4. Trong khi ấy, đa phần thiết bị VNPT đang dùng đều không hỗ trợ IPv6, một số thiết bị đã phải nâng cấp firmware trong thời gian qua để tương thích với IPv6. “Để triển khai diện rộng thì Tập đoàn sẽ phải đầu tư mua thêm rất nhiều thiết bị. Đó là một hiện trạng”. VNPT đề xuất Bộ TT&TT cân nhắc việc xếp thiết bị IPv6 vào danh mục hàng hóa được miễn thuế công nghệ cao để “hỗ trợ doanh nghiệp”.
Cần con số cụ thể!
Đồng tình với quan điểm của VNPT, đại diện NetNam cho rằng đúng là phải chạy thử trong thực tế thì mới có thể rút ra những rào cản, tồn tại và vướng mắc của việc triển khai IPv6. Về phần mình, vị này cho biết mạng NetNam khá thuần nhất nên chuyển đổi, đầu tư khá đơn giản và về cơ bản không phát sinh vấn đề nào lớn. “Điều này có nghĩa là chúng ta có thể tiến hành chuyển mạng cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Về mặt kỹ thuật thì đúng là không đáng lo ngại, bởi các công nghệ đều đã sẵn sàng”.
Yếu tố quyết định được NetNam chỉ ra chính là công việc kinh doanh của từng doanh nghiệp. Một bài toán thực tế được đại diện Netnam chỉ ra, là người dùng Việt Nam luôn quan tâm xem IPv6 thì có khác gì với IPv4. Chẳng hạn như hoạt động của Doanh nghiệp có bị gián đoạn tại thời điểm chuyển từ IPv4 lên IPv6, hay chuyển sớm hoặc chuyển muộn có lợi hơn? “Những lợi ích kinh tế của việc chuyển sớm/chuyển muộn chưa được định lượng, chưa tính toán ra con số được nên doanh nghiệp phân vân không biết phương án nào thì có lợi hơn. Nếu không sớm làm rõ được thắc mắc này thì chúng ta rất khó thuyết phục doanh nghiệp chuyển đổi lên IPv6”, Netnam kết luận.
Trước thắc mắc và đề xuất của các ISP, VNNIC cho biết Dự thảo Nghị định Internet do Bộ TT&TT trình Thủ tướng đã dành riêng một Điều (Điều 18) về thúc đẩy ứng dụng IPv6, trong đó quy định: Công nghệ IPv6 thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Cũng có nghĩa các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm và các hoạt động ứng dụng công nghệ IPv6 khác được hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật công nghệ cao; Các doanh nghiệp ISP khi đầu tư phát triển hệ thống mạng IPv6 sẽ được khuyến khích, tạo điều kiện tối đa. Các sản phẩm, thiết bị, phần mềm không hỗ trợ IPv6 sẽ dần bị ngừng sản xuất và nhập khẩu hoàn toàn vào Việt Nam.