“Cửa hàng” của Thái rất cơ động
Các sinh viên công nghệ thông tin (IT) đam mê kinh doanh cho biết, không phải cứ học giỏi chuyên ngành IT là có thể đi kinh doanh! Ngoài nắm vững kiến thức, các bạn còn phải có chút khiếu ăn nói, giao tiếp và tính toán thu chi thì mới kinh doanh hiệu quả được.
Đủ kiểu làm ăn
Thái, sinh viên ngành quản trị mạng Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết anh “khởi nghiệp” kinh doanh từ nhu cầu của bạn bè. “Từ những lần bạn bè nhờ mua quạt tản nhiệt laptop, chuột USB hay bút nhớ USB... Họ dùng thấy ổn định mà giá rẻ nên giới thiệu cho nhiều bạn khác. Mình cứ đi mua giùm riết rồi thành ra chuyên bán phụ kiện laptop hồi nào không hay!” – Thái kể về “duyên” theo nghề của mình.
Đối với các bạn sinh viên ngành IT , việc khắc phục các “bệnh vặt” của máy tính khá dễ dàng. Từ lợi thế đó, nhiều bạn tự thành lập nhóm dịch vụ “cứu hộ máy tính” và hoạt động khá hiệu quả. Thiện, sinh viên Học viện NIIT - trưởng một nhóm “cứu hộ máy tính”, cho biết: “Ban đầu, nhóm chủ yếu dựa vào kiến thức học ở trường và kinh nghiệm thực tế của cá nhân để sửa máy cho gia đình, người thân... Rồi được mọi người tin tưởng giới thiệu nhiều hơn. Hiện nay, nhóm đã có 10 thành viên thường trực chuyên dịch vụ sửa chữa máy tính tận nhà với hơn trăm khách hàng thân thiết”.
Ngoài ra, các bạn sinh viên IT còn tìm đến các việc làm khác, như bán dịch vụ Internet, bán sim điện thoại, nhân viên bán hàng ở các trung tâm điện máy...
Thu nhập ổn định
“Hiện nay mình đã mở hẳn một “cửa hàng” gần trường để có thể trưng bày nhiều hàng hơn. Các bạn có nhu cầu mua phụ kiện laptop cũng không phải chờ đợi như trước. Thu nhập của mình cũng ổn định, đủ chi phí sinh hoạt và học phí, đỡ cực cho gia đình” - Thái chia sẻ. Thái cho biết, thu nhập trung bình một tháng từ bán hàng là khoảng 2 triệu đồng.
“Cài Windows tận nhà: 50.000 đồng. Sửa chữa, thay thế linh kiện tận nơi” - Thiện giới thiệu dịch vụ của nhóm. “Hiện nay, nhóm của Thiện chủ yếu chạy dịch vụ trong các quận nội thành. Mỗi lần có khách hàng liên hệ Thiện sẽ điều phối các bạn nhà gần đó tới sửa máy. Lệ phí sửa máy bạn nào làm thì hưởng. Thiện cũng sắp xếp để các bạn có thu nhập đều nhau. Ngoài ra, cuối tháng các bạn đều có đóng góp để duy trì sinh hoạt của nhóm” - Thiện cho biết thêm.
Còn theo Khoa, sinh viên ngành lập trình viên Học viện NIIT - chuyên kinh doanh sim điện thoại, cho biết: “Cách đây vài năm, khi sim số đẹp ít người quan tâm và giá đầu vào rẻ thì mua bán lời nhiều lắm. Gần đây, các đầu nậu đã thâu tóm hết sim đẹp nên sinh viên chỉ có thể bán sim khuyến mãi kiếm chênh lệch thôi”. “Hiện sim điện thoại được các nhà mạng khuyến mãi tài khoản lớn hơn giá mua nên được các bạn sinh viên lựa chọn. Trung bình một ngày bán hơn chục cái sim khuyến mãi, mỗi cái lời chưa tới mười ngàn; tính ra cũng đủ để chi phí” – Khoa nhẩm tính.
... Nhưng cũng gian nan
“Cửa hàng” mà Thái hồ hởi chính là chiếc bàn giống chiếc bàn ăn 6 tấc có tấm băng-rôn in bảng giá. Mặt bàn là nơi bày bán hàng hóa. Cứ sáng học thì chiều Thái lại kê bàn trước cổng trường, niêm yết giá đầy đủ để các bạn sinh viên khác dễ mua. Lâu lâu người đi đường cũng ghé ủng hộ một vài món. Do “cửa hàng” bày bán trên lề đường hay vỉa hè nên lâu lâu, Thái cũng bị khách “không mua mà... đuổi” ghé thăm. “Mỗi lần như vậy, may mắn dọn kịp thì không sao, chứ để các chú trật tự bắt được rồi báo cho trường thì phiền phức lắm. Ngoài ra, bán hàng này còn sợ mưa, dọn không kịp là hư hết!” – Thái cho biết.
Không lo bị đuổi như Thái, nhóm của Thiện lại gặp rắc rối vì những tình huống “cười ra nước mắt” từ khách hàng. “Nhiều khi đến tận nhà cài máy cho khách hàng xong, hôm sau họ gọi mắng vốn sao cài máy không gõ được tiếng Việt?! Thế là đến hướng dẫn họ sử dụng Unikey khi bấm nhầm phím sẽ chuyển sang gõ tiếng Anh thì không gõ tiếng Việt được. Rồi nhiều vấn đề khác cứ tới lui, nhiều khi “lệ phí” không đủ cho “chi phí”!”- Thiện rầu rĩ.
Dễ sai lầm, ngộ nhận T.H.T - một sinh viên khấm khá lên nhờ buôn sim số đẹp. Từ khi có nhiều tiền, T. bắt đầu lên mặt với bạn bè, lúc nào cũng xem mình như “đại gia”. Đi đến đâu, T. cũng chi đậm, chi mạnh để lấy uy ăn chơi. Tiền nhiều trong túi, T. đến vũ trường nhiều hơn đến giảng đường, việc học càng ngày càng sa sút. Nhiều sinh viên ngộ nhận như T. khi có tiền rủng rỉnh trong túi. Sau đó dễ sa ngã vào con đường ăn chơi, bỏ học. Nhiều sinh viên đã bị “lầy” trong cá độ đá banh, số đề, ma túy... Sau khi quen thói ăn chơi mà không có tiền dễ sinh trộm cướp, rồi dính vào tù tội. |