Ông Võ Văn Mai, Chủ tịch tập đoàn HiPT cho biết, nghiên cứu và phát triển (R&D) là vấn đề của mọi doanh nghiệp. Nhưng sở dĩ, vấn đề này chưa được nhiều doanh nghiệp làm tốt là do khó khăn từ nguồn nhân lực. Cách lâu nay nhiều doanh nghiệp vẫn theo để duy trì nguồn nhân lực là tự đào tạo hoặc gửi đi đào tạo lại. Nhưng HiPT muốn xây dựng một khái niệm “doanh nghiệp mở”, nghĩa là sử dụng lực lượng xung quanh để triển khai những bài toán cụ thể.
Tổ công tác chuyên trách hoạt động hợp tác giữa HiPT và Đại học Công nghệ ra mắt tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên.
Có thể nói, việc hợp tác với Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội của HiPT cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Được biết, trong thời gian tới, 2 bên sẽ tổ chức và triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu - phát triển (R&D), sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Công nghệ và HiPT về các lĩnh vực CNTT, điện tử, viễn thông, các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Theo ông Nguyễn Quang Hải, Tổng Giám đốc HiPT, việc hợp tác giữa 2 bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy, thực hành, thực tập của giảng viên và sinh viên Đại học Công nghệ với cơ hội được tham gia giải quyết các vấn đề của thực tiễn sản xuất, đồng thời tạo cơ hội về việc làm cho cả 2 bên.
Mối quan hệ hợp tác nhà trường - doanh nghiệp như giữa HiPT và Trường Đại học Công nghệ không phải lần đầu tiên được thiết lập nhưng điểm mới, thể hiện sự quyết tâm hợp tác theo chiều sâu của cả hai bên chính là việc thành lập tổ chuyên môn bao gồm đại diện của mỗi bên. Cứ 6 tháng/lần, tổ chuyên môn sẽ họp để đánh giá kết quả hoạt động và báo cáo tới lãnh đạo của 2 bên, ngoài ra còn có các cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Kinh phí hoạt động của tổ công tác do 2 bên cùng đóng góp.
Lễ ký kết bản ghi nhờ hợp tác giữa HiPT và Đại học Công nghệ diễn ra sáng 11/2/2011 tại Trường Đại học Công nghệ.