Nội dung trên được đặt ra tại buổi hội thảo “Ảnh hưởng của mạng xã hội với giới trẻ TPHCM” do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức ngày 27-8, thu hút đông đảo bạn trẻ là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng tham dự.
Ảo nhưng rất thật
Khoảng năm 1996 - 1997, công nghệ thông tin phát triển mạnh, đặc biệt với sự lan tỏa của Internet tại Việt Nam, đã hình thành một loại hình mới chưa từng có trong lịch sử là cộng đồng ảo và mạng xã hội ảo.
Ban đầu, người ta cho rằng mạng xã hội trên Internet là không bền vững và ít giá trị vì là ảo nhưng càng ngày người ta nhận ra rằng đó là nhận định sai lầm. Thực tế cho thấy các mạng xã hội có sự liên kết về tổ chức khá lỏng lẻo nhưng sức mạnh của nó lại rất lớn. Trên mạng ảo cũng hình thành các nhóm xã hội khá vững chắc, nhất là các nhóm có quy mô nhỏ quy tụ những người cùng sở thích, cùng chí hướng, mặc dù họ không gặp nhau trực tiếp theo kiểu truyền thống mặt đối mặt nhưng điều đó không làm cho việc hoạt động của mạng xã hội kém hiệu quả. Nhiều nhóm có nhóm trưởng, điều phối viên và có cả các quy chế hoạt động khá bài bản.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Bộ môn Đô thị học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ở Việt Nam tuy công nghệ thông tin đến khá muộn nhưng tốc độ phát triển lại rất nhanh. Giới trẻ là người tiếp nhận nhanh nhất và chính họ cũng là người hình thành nên các mạng ảo rất mạnh mẽ.
Lợi - hại đan xen
Lần đầu tiên trong lịch sử, một loại hình có thể huy động hàng triệu người tham gia một sự kiện mà không hề thấy mặt nhau, họ ở những không gian địa lý và văn hóa rất khác nhau. Mỗi người chỉ cần một thao tác nhỏ là có thể hòa vào một mạng xã hội cực kỳ rộng lớn. Lợi ích của loại mạng xã hội này không ai có thể phủ nhận.
Mạng xã hội phát triển mạnh tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ
Bạn Nguyễn Thị Lê Uyên (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho biết tham gia mạng xã hội sẽ dễ dàng kết bạn với người lạ ở bất cứ nơi đâu, vào lúc nào. Thạc sĩ Đào Thị Diễm Trang (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng giới trẻ có thể làm giàu tri thức bằng cách vào những trang mạng xã hội lành mạnh bổ ích, những mạng hoặc diễn đàn học tập. Nhiều ý kiến khác cho rằng những việc tưởng như không biết chia sẻ cùng ai lại dễ dàng giãi bày và nhận được nhiều sẻ chia trên mạng xã hội...
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng gây ra nhiều phiền toái cho người sử dụng. Anh Nguyễn Đình Toàn, học viên cao học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng đang xuất hiện hội chứng “nghiện” mạng xã hội đối với một bộ phận không nhỏ bạn trẻ. Theo anh Toàn, đó là biểu hiện của việc người dùng mạng xã hội quá đà, việc sử dụng thành thói quen, có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc vào mạng. Đối tượng nghiện mạng xã hội thường là những người trẻ tuổi có kiến thức sử dụng Internet, như sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng... Hệ quả của việc nghiện mạng xã hội là năng suất lao động giảm, học tập sao nhãng, sức khỏe không tốt.
Bên cạnh đó, mạng xã hội còn có những nguy cơ tiềm ẩn, đó là khi thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được đưa lên mạng nhằm chia sẻ với người thân, bạn bè... nhưng vô tình bị kẻ xấu lợi dụng để sử dụng vào mục đích không tốt.
Tùy thuộc người dùng
Mạng xã hội dù mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng đã thực sự phổ biến sâu rộng trong đời sống giới trẻ. Sự hiện diện và phát triển của mạng xã hội là khách quan nhưng cách tiếp nhận tham gia và sử dụng nó như thế nào tùy thuộc vào chủ quan người dùng. Trình độ nhận thức về văn hóa xã hội, nền tảng đạo đức và lối sống gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống... là những nhân tố quan trọng giúp người dùng phân định ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, từ đó có thể biết tận dụng và phát huy những lợi ích tích cực mà mạng xã hội đem lại, tự hạn chế và loại bỏ những tiêu cực do số ít người sử dụng gây ra. |