Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân vừa diễn ra, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thực trạng nợ công của Việt Nam đáng quan ngại hơn nhiều so với con số thống kê hiện nay.
Trong ngắn hạn có thể vượt ngưỡng trần
Trong năm 2014, đã có nhiều thay đổi pháp lý liên quan đến việc vay nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 477/QĐ-TTg tháng 4-2014 phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ trong nước của Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia. Đối với các khoản nợ trong nước, số tiền vay để bù đắp thâm hụt ngân sách tăng 32,2%. Vay để đầu tư được điều chỉnh tăng 122,2%, do chủ trương kích cầu của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tăng tưởng GDP 5,8% trong năm 2014. Kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ cũng được điều chỉnh tăng 2 lần trong năm 2014. Đồng thời, kể từ năm nay, sẽ không thực hiện các khoản vay kỳ hạn ngắn mà chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 5 năm trở lên nhằm bù đắp bội chi ngân sách và giảm mức vay đảo nợ.
Nợ công Việt Nam đang phình to, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Tấn Thạnh
Tính đến hết năm 2014, tổng lượng phát hành trái phiếu và tín phiếu Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh là 267.343 tỉ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2013 nhưng giảm gần một nửa về tốc độ tăng trưởng so với năm 2013. TS Trần Đình Thiên cho rằng nhìn vào nợ công thấy vẫn nằm trong phạm vi an toàn theo tiêu chuẩn ngưỡng trần nợ công/GDP là 65% do Bộ Tài chính đặt ra. Và khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao. “Nhưng vấn đề lại nằm ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là trong ngắn hạn có thể nợ công của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 65% nói trên và khả năng trả nợ của chúng ta sẽ khó khăn, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách” - ông Thiên nhận xét.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Chưa kể, cách tính toán nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam cũng có những sai lệch ở các nguồn khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Việc đánh giá rủi ro đối với nợ công Việt Nam không thể dựa trên các khoản nợ ghi nhận trên sổ sách. Ngay những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước, dù không được Chính phủ bảo lãnh nhưng khi gặp vấn đề về khả năng thanh toán, có thể vẫn phải dùng đến ngân sách nhà nước để trả.
TS Trần Đình Thiên phân tích: Nợ công ngày càng phình to và còn gặp nhiều rủi ro liên quan đến tỉ giá, lãi suất và trong cách chi tiêu công. Sự điều chỉnh tỉ giá VNĐ/USD tác động trực tiếp đến nợ công và quản lý nợ công, mà cụ thể ở phần nợ nước ngoài. Hiện tại, quyết định tăng tỉ giá và rủi ro tỉ giá với nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại nhờ dự trữ ngoại hối của Việt Nam chủ yếu là USD và đạt khoảng 36 tỉ USD. Các khoản vay ODA ngày càng bị thu hẹp nên chúng ta sẽ phải tiếp cận với các khoản vay ít ưu đãi, có điều kiện vay thương mại hoặc lãi suất thả nổi. Do đó, rủi ro vì lãi suất vay cũng là một yếu tố quan trọng cần được tính đến trong những năm tới.
Nợ công Việt Nam mặc dù vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bội chi ngân sách và khả năng thanh toán nợ trong tương lai trung và dài hạn. Bởi vậy, cần xây dựng một hệ thống phân tích, quản trị nợ công một cách minh bạch, chính xác và hiệu quả.
Cách tính của Việt Nam và quốc tế vênh nhau Hiện cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh, không khớp với nhau. Vì nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc nhà nước chưa được nhà nước tính vào con số nợ công hiện nay. Do khối nợ của doanh nghiệp nhà nước cực kỳ lớn, nếu tính gộp vào luôn thì mức nợ công không phải dưới 65%/ GDP, mà cao hơn rất nhiều. Theo một số chuyên gia kinh tế, đó là vấn đề có thể rất nghiêm trọng. |
Vũ Phong