Trường Hải, công ty sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, dự tính bắt đầu bán máy nông nghiệp vào tháng 10 năm nay. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, từ giữa tháng 1-2017, Trường Hải đã thiết lập mối quan hệ về mặt kỹ thuật với LS Mtron, nhà chế tạo máy móc nông nghiệp của Hàn Quốc.
“Ông lớn” nhập cuộc
Theo tạp chí Nikkei (Nhật Bản), Trường Hải muốn khai thác công nghệ và các cơ sở sản xuất hiện hữu của LS Mtron để chế tạo máy kéo và máy gặt với các bộ phận sản xuất tại Việt Nam. Chiến lược của Trường Hải rất rõ ràng: Dùng lợi thế về giá để giành lấy thị phần của các công ty Nhật, như Yanmar.
Được thành lập năm 1997, đến năm 2016, Trường Hải qua mặt hãng Toyota trở thành công ty sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa lớn nhất Việt Nam, chiếm 42% thị trường. Việc Trường Hải nhảy vào nông nghiệp đủ thấy lĩnh vực này hứa hẹn tăng trưởng đến mức nào. Và Trường Hải không phải là tên tuổi lớn duy nhất “đá trái sân”.
Nông nghiệp và ngành cá Việt Nam cấu thành 16,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2016. Tiềm năng cho nông nghiệp công nghệ cao lớn đến mức nhiều tập đoàn hàng đầu trong nước như Vinamilk, TH True Milk, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai… không ngần ngại đổ vốn vào. Đơn cử, tập đoàn bất động sản lớn Vingroup lấn sân nông nghiệp từ năm 2015 và đã lên kế hoạch đầu tư gần 200 tỉ đồng để phát triển một nông trại rộng hơn 200 ha ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vào đầu tháng 4 tới. Với sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ các đối tác Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc, Vingroup sẽ trồng hơn 20 loại rau, trái cây và hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cùng nhiều tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ khác. Sản lượng ban đầu của dự án vào khoảng 2,5-3 tấn/ngày, cung cấp cho hệ thống VinMart.
An toàn là hàng đầu
Cũng đặc biệt quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, Vinamilk bắt đầu bán sữa phù hợp tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ từ tháng 6 năm ngoái. Vinamilk là công ty đầu tiên của Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe này, như bảo đảm vệ sinh chuồng trại nghiêm ngặt, tuyệt đối không sử dụng các hormone tăng trưởng và thức ăn chăn nuôi biến đổi gien. Đích nhắm của Vinamilk hiện nay là mở rộng xuất khẩu sang thị trường Campuchia và Lào.
Trong khi đó, công ty công nghệ thông tin (IT) hàng đầu Việt Nam là FPT cũng gia nhập cuộc chơi. Tháng 2 năm ngoái, FPT bắt tay với hãng Fijitsu của Nhật để mở trung tâm nghiên cứu cách ứng dụng IT vào nông trại, như kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm... “Trái tay” hơn, tập đoàn sản xuất thép Hòa Phát quyết định... nuôi heo vào tháng 6-2016. Sau khi nhập giống heo chất lượng cao từ Đan Mạch, Hòa Pháp quyết cho ra đời một nhãn hàng thịt heo cao cấp. Cũng mở rộng kinh doanh sang chăn nuôi song tập đoàn bất động sản Hoàng Anh Gia Lai chọn nuôi bò trong năm 2016...
Việc các tập đoàn lớn mạnh tay đầu tư có thể lấp đầy phần nào sự thiếu hụt công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Dĩ nhiên, các nông dân vốn quen với cách làm truyền thống sẽ ít nhiều hụt hơi khi phải cạnh tranh với các nông trại hiện đại, máy móc tiên tiến, có tiêu chuẩn cao về công nghệ và vệ sinh. Nhưng ngược lại, nếu nhanh nhạy biết tận dụng thì nông dân sẽ được hưởng lợi. “Chỉ cần thêm một chút máy móc và công nghệ, sản lượng sẽ tăng vọt” - một quan chức của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận xét với tạp chí Nikkei.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Viện Chính sách và chiến lược cho nông nghiệp và phá triển nông thôn (IPSARD), cho rằng con đường duy nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này không chỉ đòi hỏi Chính phủ, các tổ chức khoa học tham gia mà còn phải có sự chung tay của nông dân và doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, doanh nghiệp có thể giúp giải bài toán về vốn và thị trường đầu ra cho nông sản.