Một nhà hàng ở TP Hà Nội đã bị tạm dừng hoạt động kinh doanh sau khi đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm phát hiện hàng loạt vi phạm.
Bị tạm dừng kinh doanh
Chiều 3-12, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP, do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, làm trưởng đoàn, đã kiểm tra đột xuất nhà hàng Family Steak House (91 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình). Trong lúc kiểm tra, đoàn đã phát hiện hàng loạt vi phạm. Cụ thể, khu chế biến thực phẩm chật hẹp, sắp xếp lộn xộn, không tuân thủ theo quy trình một chiều; thực phẩm sống, chín còn để lẫn lộn... Ngoài ra, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn. Đoàn kiểm tra TP đã yêu cầu nhà hàng đóng cửa, tạm dừng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao UBND quận xử lý vi phạm và trực tiếp giám sát việc khắc phục sai phạm của cơ sở.
Ông Hoàng Hy Thiêm, Trưởng Phòng Y tế quận Ba Đình, cho biết hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP trên địa bàn quận thời gian qua đã được tăng cường. Tuy nhiên, do các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thường xuyên biến động về loại hình kinh doanh, địa điểm, nhân viên... nên gây khó khăn cho công tác quản lý.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có khoảng 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 454 chợ, 142 siêu thị, trung tâm thương mại. Sản xuất thực phẩm của TP mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh khác và nhập khẩu.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại nhà hàng ở TP Hà Nội
Tăng cường kiểm tra
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho rằng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát lĩnh vực này hết sức khó khăn, cần có biện pháp mạnh để tạo sức răn đe. Theo ông Chung, so với trước đây, nhận thức về vấn đề ATTP của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy ở những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo quy trình thủ công, vi phạm ATTP vẫn còn. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa, không lưu mẫu theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm... "Dịp cuối năm, giáp Tết nguyên đán, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao nên các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của quận cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp này" - ông Chung yêu cầu.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết so với những năm trước, năm nay đã có sự vào cuộc của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Từ năm 2018, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát tại một số quận, huyện trên địa bàn. Đây được coi là một giải pháp góp phần ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh, gây hại cho người tiêu dùng.
Cũng theo ông Tụ, về tiêu chí để cấp chứng nhận tuyến phố an toàn vệ sinh thực phẩm có kiểm soát, tuyến phố đó phải đạt đủ 10 tiêu chí do UBND các phường công nhận. Đó là: địa điểm chế biến kinh doanh phải cách xa nguồn nguyên liệu; diện tích cơ sở kinh doanh đủ rộng để thuận tiện cho công tác vệ sinh; đủ nguồn nước sạch cho chế biến thực phẩm; nguồn gốc thực phẩm phải bảo đảm an toàn; có sổ ghi chép đầy đủ về nguồn cung cấp thực phẩm; thùng đựng rác có nắp đậy, rác trong chế biến được thu gom kịp thời; nhân viên được trang bị dụng cụ chế biến, không được dùng tay không khi chế biến thực phẩm; cơ sở cần có những bàn ăn cao trên 60 cm; người chế biến phải đủ sức khỏe, có kiến thức về vệ sinh ATTP; các cơ sở phải có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP được dán công khai.