Trong chương trình biểu diễn của nhóm nhạc danh tiếng thế giới Backstreet Boys với tên gọi This Is Us, vừa diễn ra vào ngày 24-3 tại sân vận động Quân khu 7 (TPHCM), một trong những điều diễn ra tưởng nhỏ nhặt nhưng khiến cho khán giả có mặt đều thấy khó chịu là sự cứng nhắc của đội ngũ bảo vệ dù họ làm công việc khá “nhiệt tình và vất vả” khi cứ phải chạy ngược chạy xuôi nhắc nhở khán giả với gương mặt đầy vẻ nghiêm nghị và uy lực, thậm chí tỏ ra bặm trợn để “trấn áp” những khán giả quá phấn khích đã đứng lên hò reo, ủng hộ tiết mục biểu diễn của Backstreet Boys. Không ít khán giả đã tỏ rõ sự khó chịu khi cảm xúc của họ luôn bị kiểm soát một cách vô lý như vậy.
Dù cảm thấy không được thoải mái, khán giả người Việt vẫn phải ngoan ngoãn ngồi xuống còn hầu hết khán giả người nước ngoài thì liên tục phản đối, quát thẳng vào các nhân viên bảo vệ “Why?” (Tại sao?). Thậm chí có người còn phớt lờ yêu cầu vô lý đó của đội ngũ bảo vệ để cảm xúc của họ được trọn vẹn.
Mỗi lần đứng dậy reo hò theo điệu nhạc, bảo vệ sẽ đến nhắc nhở làm khán giả xem chương trình của Backstreet Boys cụt hứng. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Lỗi từ ban tổ chức
Thật ra, đây không phải lỗi của nhân viên bảo vệ chương trình, sự cứng nhắc của họ cũng chỉ làm theo yêu cầu của ban tổ chức, “nhằm bảo đảm an ninh và khán giả không bị xáo trộn bởi sự phấn khích”. Thế nhưng, thật khó để có thể chấp nhận lập luận đó từ ban tổ chức bởi một chương trình biểu diễn ở sân vận động trong không khí âm nhạc cực kỳ sôi động lại bắt khán giả phải ngồi yên như trong nhà hát để thưởng thức là điều không tưởng.
Những chương trình biểu diễn ở sân vận động với lượng khán giả có thể lên đến vài chục ngàn người, sự phấn khích của ca sĩ sẽ luôn nhân lên khi thấy khán giả cuồng nhiệt ủng hộ theo từng tiết mục biểu diễn. Và khi đến Việt Nam, chắc chắn, Backstreet Boys cũng mong muốn có được điều này. Nhưng, điều đó dường như đã không xảy ra khi ban tổ chức cứ buộc khán giả phải ngồi yên trên chiếc ghế của mình. Đó chính là lý do vì sao các thành viên của nhóm hát cứ phải liên tục kêu gọi khán giả cùng thể hiện sự phấn khích với họ.
Theo thông lệ xưa nay, những buổi diễn rock luôn được tổ chức ở các sân khấu ngoài trời và khán giả luôn đứng để hưởng ứng theo từng tiết mục. Khoáng đạt, tự do, đó chính là tinh thần của rock và khán giả không bao giờ đòi hỏi được ngồi ghế. Thế nhưng, trong chương trình biểu diễn thể nghiệm rock symphony, diễn ra tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TPHCM), với sự biểu diễn của ban nhạc đến từ Los Angeles (Mỹ), Ozomatli, đã không sôi động như chính tinh thần đêm nhạc. Bởi khán giả luôn bị canh me, nếu rời khỏi ghế ngồi thì lập tức có nhân viên bảo vệ đến nhắc nhở.
Anh H., một khán giả sinh ra và lớn lên ở Canada, văn hóa phương Tây ít nhiều thấm sâu vào anh nên khi về Việt Nam sống và làm việc, anh đã trở thành “người ngoài hành tinh”. Anh kể, có lần đi xem ca nhạc ở Nhà hát TP, anh diện một bộ veston lịch lãm nhưng “thấy mình lạc lõng quá, vì bộ veston tưởng là trang phục bình thường hóa ra lại quá nghiêm trọng ở nơi mà tất thảy mọi người đều mặc thường phục, thậm chí có người còn mặc quần soóc vào nhà hát”. Rút kinh nghiệm lần sau, anh đến nhạc viện xem biểu diễn hòa nhạc với trang phục hơi bình dân. Lần này, anh tiếp tục lạc lõng vì khán giả nước ngoài toàn mặc veston sang trọng.
Về Việt Nam khoảng thời gian chưa lâu như anh H. thì sự lúng túng trong việc chọn cho mình một bộ trang phục phù hợp với những đêm diễn và hòa đồng với khán giả là điều dễ hiểu. “Ngay những người làm việc trong ngành giải trí, với công việc tổ chức chương trình, vẫn chưa thể định hình được tính chất chương trình họ tổ chức nữa thì nói gì khán giả”- một dân trong nghề tổ chức biểu diễn thừa nhận.
Khán giả thiếu văn minh
Những phàn nàn về “văn hóa khán giả” vẫn luôn được đề cập trên các phương tiện truyền thông nhưng dẫu sao nó vẫn chưa để lại hậu quả gì to tát ngoài những ánh mắt khó chịu từ khán giả cùng xem và sự thất vọng từ nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình. Cho đến khi chương trình hòa nhạc ASEAN 2011 (diễn ra vào ngày 17-2), khán giả Việt đã một phen hú vía và phải nghĩ lại thái độ của mình.
Việc khán giả khi đến phòng hòa nhạc phải mặc trang phục lịch sự, giữ thái độ lịch thiệp, yên lặng khi thưởng thức âm nhạc đã là những quy ước văn hóa, không cần phải nhắc nhở. Nó cho thấy sự hiểu biết và tôn trọng không gian chung, tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh đang cần sự tĩnh lặng để thưởng thức, đón nhận những cảm xúc âm nhạc một cách trọn vẹn. Vậy mà trong đêm trình diễn của nhạc trưởng Nhật Bản Yoshikazu Fukumura và dàn nhạc giao hưởng ASEAN, khi dàn dây đang đẩy một tổ khúc tuyệt vời lên cao trào thì từ bên dưới hàng ghế khách mời của khán phòng đã vang lên đoạn nhạc chuông từ chiếc điện thoại di động phát ra, đủ để phá tan những âm thanh của bản giao hưởng.
Dù tiếng nhạc lạc điệu ấy được tắt ngay nhưng gương mặt của nhạc trưởng Yoshikazu Fukumura biến sắc vì thất vọng và cả giận dữ. Ông buông đũa chỉ huy, kết thúc bản nhạc đang chơi dang dở bằng tiếng vỗ tay của mình rồi giậm chân lên bục trình diễn và đi thẳng vào cánh gà.
Cả khán phòng chết lặng trong vài phút vì ai cũng nghĩ, đêm nhạc phải bỏ dở. May mắn sau đó, nhạc trưởng đã kịp lấy lại bình tĩnh, ông trở ra sân khấu và chỉ huy dàn nhạc chơi lại từ đầu tổ khúc. Nhiều khán giả thở phào nhẹ nhõm và thực sự mắc cỡ trước hành vi thiếu ý thức của người nghe nhạc và cả sự “bao dung” của ông Yoshikazu.
Trong một buổi diễn hòa nhạc tại Nhạc viện TPHCM, khác với nhiều chương trình biểu diễn mà MC luôn xin những khán giả cho tràng pháo tay để tán dương hay động viên tinh thần nghệ sĩ vừa mang đến một tiết mục biểu diễn hay thì lần này, khán giả luôn hào phóng với những tràng pháo tay không đúng lúc của mình. Thấy vị chỉ huy dàn nhạc đưa đũa chỉ huy xuống thật thấp, những tràng pháo tay từ khán giả vang lên để tán dương cho một tiết mục kết thúc.
Thế nhưng, vị chỉ huy dàn nhạc đã quay mặt lại phía khán giả, đầy vẻ khó chịu và ra hiệu im lặng. Không ít khán giả ngơ ngác không hiểu chuyện gì thì vị nhạc trưởng này quay lại với dàn nhạc để tiếp tục công việc của mình. Thì ra, bản hòa nhạc chưa hề kết thúc, hành động hạ đũa vừa rồi chỉ là cách để ông bắt đầu một tổ khúc cao trào khác. “Điều đó cho thấy không ít khán giả ngồi đấy nhưng chẳng hiểu gì về thứ âm nhạc mà họ đang được nghe” - một người trong giới chuyên môn chia sẻ.
Cần phải hoàn thiện mình
Các nhà tổ chức luôn nỗ lực đưa những giọng ca ngoại về Việt Nam biểu diễn để đáp ứng nhu cầu của khán giả Việt. Không kể những giọng ca đã đến Việt Nam trước đây, sau Backstreet Boys, nhiều tên tuổi khác sẽ đến Việt Nam biểu diễn nay mai, trong đó có ca sĩ Bob Dylan (diễn ra vào ngày 10-4 tại sân vận động Trường ĐH Quốc tế RMIT (Q.7 - TPHCM), nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc SuJu vào tháng 5 và nhóm rock nổi danh của Mỹ Linkin Park vào tháng 9... Rõ ràng, Việt Nam cũng đang là một thị trường biểu diễn tiềm năng.
Thế nhưng, nhiều ca sĩ ngoại đã đến Việt Nam và rất ít những giọng ca quay lại Việt Nam lần thứ 2. Các nhà tổ chức biểu diễn Việt Nam luôn phải đối mặt với khó khăn trong việc đàm phán mời các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn. Trong khi đó, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản… là những thị trường mà các ca sĩ danh tiếng thế giới luôn lên kế hoạch điểm đến trong chuyến lưu diễn quảng bá sản phẩm âm nhạc mới của họ. Để có thể là điểm đến hấp dẫn của nghệ sĩ thế giới, showbiz Việt, từ đơn vị tổ chức đến khán giả cần phải hoàn thiện mình. |