Sự nở nồi của sân khấu kịch nói xã hội hóa tại TPHCM chưa kịp khiến dư luận lạc quan về sự phát triển vượt bậc của loại hình nghệ thuật này thì lại phải chứng kiến cảnh đìu hiu, thê thảm của nó.
Cảnh trong vở Mua bảo hiểm tình của Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Trầy trật bán từng chiếc vé
Sân khấu Kịch Gia Định, thuộc Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, ra đời bằng sự kết hợp giữa Kịch Phú Nhuận và Nhà hát Kịch TPHCM, từng gây ồn ào một thời gian và các nhà đầu tư muốn gầy dựng nơi này thành một điểm diễn hài kịch phục vụ khán giả trong khu vực. Thế nhưng, sau gần một năm cầm cự, sân khấu này đã đóng cửa vì không đạt hiệu quả doanh thu.
Mùa Tết Nguyên đán 2011, khán giả yêu kịch tại TPHCM biết thêm một điểm diễn mới tại Nhà hát Quân đội (18H Cộng Hòa, quận Tân Bình), do Công ty Cổ phần Công nghệ giải trí Ngôi Sao Xanh đầu tư. Chỉ tồn tại được 10 suất, sàn diễn này đã đóng cửa “không kèn, không trống”.
Tương tự, khi Nhà hát Kịch TPHCM phối hợp với Nhà Thiếu nhi quận 11 và Quận đoàn quận 11 tổ chức điểm diễn tại nhà thiếu nhi quận này, lượng khán giả chỉ đến mỗi suất 2/3 rạp, rồi thưa dần và ngưng diễn.
Kịch Kim Châu của NSƯT Hồng Vân đã cáo chung sau gần 3 năm hoạt động, nói theo sự ví von của chính chị: “Chỉ có “ma” mới sống nổi ở sân khấu đó”. Nghĩa là dựng 10 vở thì chỉ có vở Người vợ ma, Quả tim máu với màu sắc kinh dị mới bán được 2/3 lượng vé, còn lại thì đìu hiu.
Thoái trào?
Không đến nỗi xóa sổ như bốn trường hợp đã nêu, sàn kịch số 7 Trần Cao Vân, quận 1 thuộc Sân khấu IDECAF, Kịch Sài Gòn đang gặp khó khăn nếu suất diễn thiếu nghệ sĩ ngôi sao. Điều này cho thấy các thương hiệu mạnh cũng đang rơi vào thế lúng túng. Các nhà tổ chức nhìn nhận đây là thời kỳ thoái trào, sau sự bùng nổ dữ dội về số lượng của các sân khấu.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu Thái Dương (đơn vị đầu tư hai điểm diễn: Kịch IDECAF và số 7 Trần Cao Vân) cho biết: “Sân khấu kịch không dễ gầy dựng điểm diễn mới. Chúng tôi xây dựng thương hiệu IDECAF đã qua 14 năm, còn kịch số 7 Trần Cao Vân sắp bước qua năm thứ 8. Thế nhưng, đến nay, phải nói là đuối khi phải chia quân cho hai sân khấu.
Nếu đúng vào thời điểm phải đưa chương trình Ngày xửa, ngày xưa ra Nhà hát Bến Thành thì coi như sàn diễn số 7 Trần Cao Vân vắng khán giả. Trên thực tế, những vở diễn như: Trái tim nhảy múa, Vàng hay bạc nhái, Sát thủ hai mảnh, 12 bà mụ, Lùng người trong mộng… có sự tham gia của NSƯT Thành Lộc thì bán được vé, còn lại rất khó mở màn vì lỗ vốn. Hiện nay, mỗi tuần, kịch số 7 Trần Cao Vân chỉ ráng sức cầm cự 3 suất/tuần, trong khi muốn tồn tại phải khai thác 5 suất/tuần.
Cùng tâm trạng với ông Huỳnh Anh Tuấn, nghệ sĩ Phước Sang cũng thấy rõ cái khó trước mắt khi anh đầu tư Sân khấu Kịch Đại Đồng trên đường Cao Thắng, quận 3. Nghệ sĩ Phước Sang cho biết: “Để kéo số đông khán giả, chúng tôi phải hạ giá vé. Chỉ với 50.000 đồng/vé đồng hạng nhưng có nhiều suất vẫn phải bù lỗ. Thời buổi hiện nay phải đếm từng tấm vé mới dám mở màn”.
Thiếu nội lực, thiếu chuyên nghiệp
Các nhà chuyên môn đã phân tích nguyên nhân của sự xuống dốc này. Theo đó, sự phát triển nhanh chóng về số lượng sàn diễn không tỉ lệ thuận với sự đầu tư về nội lực cho mỗi sàn diễn. Các sân khấu có thương hiệu mở thêm chi nhánh cũng đồng nghĩa phải san sẻ diễn viên. Mỗi điểm diễn thay vì đầu tư để tạo thương hiệu kịch riêng lại đem vở diễn ăn khách từ điểm này sang điểm khác. Vì thiếu diễn viên trầm trọng nên các vở diễn cứ chắp vá, thêm bớt một cách tùy tiện.
Kinh nghiệm xương máu qua 3 năm gầy dựng nhiều điểm diễn của NSƯT Hồng Vân chính là “không thể ôm đồm quá nhiều khi lực diễn của diễn viên có hạn”. Chị phân tích: “Hiện nay, đất hoạt động của diễn viên khá rộng, đó là nhiều sân khấu, nhiều phim trường. Nhưng để tạo được tên tuổi và được khán giả yêu thích thì không phải chuyện dễ. Thà chấp nhận bỏ một điểm diễn còn hơn tất cả cùng chìm xuồng”.
Nguyên nhân khác nhưng cũng hết sức quan trọng là thiếu kịch bản nên các vở diễn cứ na ná nhau, kém chất lượng. Khâu kịch bản quá đuối. Hầu như kịch bản nào cũng cần phải chỉnh sửa, gia cố.
Ông Huỳnh Anh Tuấn nói: “Nghĩ đến việc nhân rộng điểm diễn là cách làm của 3 năm về trước, khi phim truyền hình chưa phát triển, anh em diễn viên cần có nhiều sân khấu để tạo thêm thu nhập, còn hiện nay khó mà làm tốt nhiều điểm diễn khi thương hiệu mỗi nơi chưa vững”.
Cùng quan điểm, NSƯT Thành Hội, thành viên trong ban giám đốc Kịch Hoàng Thái Thanh, cho biết: “Một năm qua, đối với chúng tôi, là một năm gian nan. Gầy dựng thì dễ nhưng nuôi dưỡng thì quá khó. Trước tình hình nở nồi rồi đuối dần của sân khấu kịch, bài học lớn nhất khiến chúng tôi phải chiêm nghiệm đó là “biết mình, biết ta”. Chạy đua theo số lượng chưa chắc sẽ thành công hoặc thiếu kế hoạch, làm theo tùy hứng cũng sẽ tự dìm chết thương hiệu của mình”.
Cần sự đột phá về chất lượng
Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cảnh báo: “Tình trạng xuống dốc của các sàn kịch TPHCM chưa dừng lại ở đó khi những điểm diễn cứ nghĩ đơn giản cho ra đời vở mới để rồi nếu thất bại thì làm lại. Thời điểm này chính là lúc khẳng định đẳng cấp, chứ nếu cứ thử rồi sửa sai sẽ tạo sự chai lì, ngần ngại nơi người làm nghề lẫn người xem.
Vấn đề chính là các sân khấu kịch cần tạo được cú đột phá, mang lại những tác phẩm nghệ thuật giá trị để nâng thêm vị thế của từng thương hiệu”. |