12/07/2011 22:21

Nghệ sĩ Hồng Nga chưa được NSƯT (!)

Nghệ sĩ Hồng Nga nói có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) hay không thì vẫn phải tự bôn ba để nuôi sống bản thân và gia đình. Được khán giả thương là đủ hạnh phúc rồi!

* Phóng viên: Công chúng rất ngạc nhiên khi biết chị chưa được Nhà nước phong tặng danh hiệu  NSƯT, trong khi hàng loạt thế hệ nghệ sĩ đàn em, học trò của chị có người đã được phong tặng danh hiệu này từ rất lâu rồi?

- Nghệ sĩ Hồng Nga: Cách đây 15 năm, tôi có làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSƯT nhưng rồi bị loại nên buồn quá không làm thủ tục xin nữa. Bây giờ đã là nghệ sĩ thuộc dạng thâm niên rồi, có danh hiệu NSƯT hay không thì vẫn phải tự bôn ba để nuôi sống bản thân và gia đình. Được khán giả thương nên 50 năm qua tôi vẫn sống khỏe. Vậy là đủ hạnh phúc rồi!

* Chưa nói đến thành quả của chị trên sân khấu trước năm 1975, sau 1975, chị gắn bó với Đoàn Văn công TPHCM, rồi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến Đoàn  Cải lương 284 với các chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và bộ đội biên phòng vào những năm 1978-1979. Chị cũng từng đoạt huy chương vàng hội diễn toàn quốc. Những thành tích này không đủ để chị được phong tặng NSƯT sao?

- Cảm ơn nhà báo vì đã nhắc lại một giai đoạn đầy tự hào trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Thời mà còn rất khó khăn, tôi cùng với các nghệ sĩ Diệp Lang, Lệ Thủy, Minh Vương, Quốc Hùng, Thoại Miêu, Thanh Hải… lội suối, băng rừng, đem tiếng hát đến với bà con vùng sâu, vùng xa, các anh em chiến sĩ đứng gác ở các chốt tiền tiêu.
Tôi có đông con lắm, đó là các em chiến sĩ thời đó, họ còn rất trẻ, khi nghe tôi ca bài vọng cổ Bà mẹ miền Nam của soạn giả Viễn Châu, họ ôm tôi rồi khóc và gọi mẹ.

Nghệ sĩ Hồng Nga vào vai bà Tư trong vở Tiếng hò sông Hậu (HCV Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1978) Ảnh: THANH HIỆP

Nếu xét về mặt nghề nghiệp, tình cảm của công chúng mới lớn hơn những cái chuẩn danh hiệu mà ai đó đã đặt ra một cách cứng nhắc. Chúng tôi – những người nghệ sĩ cống hiến công sức cho nghệ thuật để mong đón nhận những tình cảm của công chúng.
Thứ tình cảm không phải “bỏ phiếu kín”, thứ tình cảm chan hòa từ cảm xúc của người nghe và người ca, nên dù có cực nhọc bao nhiêu chúng tôi vẫn tiến tới, không đòi hỏi quyền lợi, danh hiệu và lương bổng. Hai lần tham gia Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 1978 và 1985, tôi đâu nghĩ đến việc phải giữ lại huy chương vàng, bằng khen để “cộng điểm”  xin xét tặng danh hiệu NSƯT.
Tôi chỉ biết thời đó, những vở tham dự hội diễn được giải bao giờ cũng diễn hơn 100 suất và cứ thế mà diễn, đến đỗi vai tuồng thấm vào trong hơi thở, mỗi ngày diễn một hay hơn. Những tác phẩm sân khấu cách mạng: Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Cây sầu riêng trổ bông… in dấu trong lòng tôi cho tới ngày hôm nay.

* Khi biết tin mình không được xét duyệt, chị có tìm hiểu nguyên nhân?

- Có chứ. Tôi nghe ngóng thông tin, thậm chí đi gặp các chú, các anh ở Hội Sân khấu TPHCM, Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM để xem mình khiếm khuyết điều gì. Trên thực tế, nhiều trường hợp có quá trình phấn đấu hơn tôi nhưng vẫn chưa được xét tặng danh hiệu, như: Nghệ sĩ - đạo diễn Bo Bo Hoàng, “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài, nghệ sĩ Thanh Tú, nghệ sĩ Trang Bích Liễu, cố nghệ sĩ  Thanh Thanh Hoa, cố nghệ sĩ Kim Ngọc… nên tôi cũng không bận tâm.

Nghệ sĩ Hồng Nga trong vở Mẹ yêu (HCV Hội diễn Sân khấu xã hội hóa 2008. Ảnh: Thanh Hiệp
Tôi thấy đến nay, chú bảy Viễn Châu (NSƯT Bảy Bá) mới được đặc cách xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) thì quá là chậm. Ở Hà Nội, khi NSƯT Lê Khanh được đặc cách phong tặng NSND lúc mới ngoài 40 tuổi, NSƯT Lan Hương ngoài 45 tuổi.
Còn phía Nam, nhìn lại sẽ thấy, sau thế hệ các nghệ sĩ: Phùng Há, Bảy Nam, Năm Châu, Ba Vân, Thành Tôn, Lương Đống… đến mấy anh sau này: Huỳnh Nga, Diệp Lang, Đinh Bằng Phi, Thanh Tòng, họa sĩ Phan Phan… được “ đặc cách” phong tặng NSND đều đã ở giai đoạn về chiều, tuổi cao sức yếu. Muốn tiếp tục cống hiến cũng không còn sức khỏe. Đã gọi là “đặc cách” thì cũng phải công bằng chứ, sao có nơi lại được ưu ái hơn? Và tại sao lại xem tiêu chuẩn huy chương vàng, bạc là yếu tố quyết định?
* Vậy theo chị, nên xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT theo cách nào cho công bằng?
- Tôi có biết đến một trường hợp mà khi xét duyệt danh hiệu NSƯT đợt 6/2005 bảng thành tích của anh chưa đầy một trang giấy trắng, nhưng nếu không có dòng chữ: “cha đẻ của hai bài bản cải lương Đoạn khúc Nam GiangPhi Vân điệp khúc” thì anh ấy rớt.

Gắn bó cả đời với sân khấu, tên tuổi chị được bảo chứng bằng hàng trăm vai diễn xuất sắc. Nghệ sĩ Hồng Nga là nữ nghệ sĩ duy nhất tổ chức được 4 live show ở tuổi 64.

Đó là NSƯT Văn Giỏi. Và nếu trong hội đồng xét duyệt đợt đó không có soạn giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, thì ai sẽ là người giải trình cho cả hội đồng hiểu giá trị thành tích của anh Văn Giỏi để bỏ phiếu thuận. Tại sao quá trình phấn đấu của một nghệ sĩ lại chỉ dựa vào kết quả bỏ phiếu của 12 thành viên trong hội đồng chuyên ngành, trước khi đưa lên Ban Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, mà cả phía Nam từ Huế vào Cà Mau, chỉ có mỗi soạn giả Lê Duy Hạnh đại diện.
Lá phiếu của anh Hạnh chắc chắn là am tường về sự phấn đấu và quá trình cống hiến của chúng tôi, còn 11 lá phiếu khác thì sao? Liệu họ có hiểu hết những gì về quá trình phấn đấu, sự cống hiến và sức hút của nghệ sĩ trong Nam đối với công chúng… Nghịch lý hơn là trước đợt tôi làm đơn xin xét duyệt danh hiệu NSƯT, các đồng nghiệp của tôi như: Thẩm Thúy Hằng, Nam Hùng, Hùng Minh, Mỹ Châu, Út Bạch Lan, Ngọc Hương, Diệu Hiền… không ai phải làm đơn xin và lập bản báo công huy chương vàng, bạc gì cả nhưng họ đều được xét tặng NSƯT.  Vì sao sau này lại bày ra những thủ tục không hợp lý hợp tình này?

NSƯT Minh Vương:

Tôi thấy gian nan quá!

Cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND là tôi lại thấy buồn. Đợt này biết mình không đủ tiêu chuẩn nên tôi từ chối không làm hồ sơ. Trước đây, để đạt được danh hiệu NSƯT, tôi thấy gian nan quá nên khi nghĩ đến danh hiệu NSND, tôi cảm thấy quá xa vời.
Trên thực tế, 4 nghệ sĩ đàn chị: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy và soạn giả Viễn Châu đầy thành tích và công trạng như vậy mà vẫn nằm trong danh sách xin đặc cách thì sao có thể đến lượt tôi.
Chưa biết ai được ai không nhưng rõ ràng họ đã chịu một sự tổn thương rất lớn khi phải làm đơn xin.

Tôi trân quý tình cảm của công chúng khi mỗi đêm được đứng trên sân khấu, được nghe khán giả gọi mình là nghệ sĩ Minh Vương, bấy nhiêu đó cũng đủ làm tôi hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc..

Phong tặng chứ không phải ban tặng

Sau bài viết “Phong tặng thì nhận, dứt khoát không xin” đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 12-7, nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi

Nghệ sĩ Bảo Quốc nói rất đúng, trên thế giới chẳng có ai phải làm đơn xin phong tặng danh hiệu bao giờ. Sự cống hiến và tài năng là thước đo cho danh vị được phong tặng. Ở ta, cơ chế xin - cho vẫn còn quá nặng nề thành ra mới có sự “ban ơn, ban phước” và người được phong tặng nhiều khi còn phải mang ơn nữa là đằng khác. Nghệ sĩ Bảo Quốc đã thể hiện đúng phong cách của nghệ sĩ vì ông hiểu rằng chính khán giả đã là người phong tặng cho ông rồi.

Thùy Vân

Cảm ơn chú Bảo Quốc đã nói rất đúng, lòng tự trọng là cao quý nhất, danh hiệu không nên xin mà các cơ quan quản lý cần nhìn nhận mức độ đóng góp của các nghệ sĩ để xét phong tặng, không nên bắt mọi người làm đơn xin.

Hồng Hà

Rất khâm phục nghệ sĩ Bảo Quốc. Danh hiệu NSND, theo tôi, nó nằm trong lòng người dân, sự thừa nhận tài năng và cống hiến của người dân đối với nghệ sĩ. Đấy mới là thực chất. Còn thứ danh hiệu mà phải đi xin xỏ thì đấy không phải là danh hiệu mà nhân dân tôn vinh.

Hoàng Nguyễn Hồ

Tôi rất đồng tình với NSƯT Bảo Quốc, chúng ta nên xem xét lại cho thấu đáo ý kiến này, xem đây là góp ý rất thực và chân tình của giới nghệ sĩ. Chúng ta phong tặng chứ không ban tặng và những người có trách nhiệm đừng suy nghĩ rằng họ đang ban tặng một đặc ân. Tôi nghĩ những người của công chúng không có danh hiệu này hay danh hiệu kia, họ vẫn là người được công chúng mến mộ suốt đời...

TTKH

Có lẽ không đợi đến hôm nay mới có NSƯT Bảo Quốc tỏ rõ thái độ của mình trong việc xin xét tặng danh hiệu NSND mà trong những lần trước, nhiều nghệ sĩ đã tỏ thái độ không đồng tình với cơ chế xin - cho này. Rõ ràng việc yêu cầu nghệ sĩ phải kê khai thành tích là một quy định hết sức bất cập và vô lý; trong khi đó, tài năng và đạo đức của họ có thừa để được xét phong tặng những danh hiệu cao quý đó. Không thể để tồn tại cơ chế “xin - cho” như vậy được.

Luận Minh

Người của công chúng luôn phấn đấu vì nghệ thuật sẽ được tôn vinh dài lâu. Danh hiệu, giải thưởng mà xin để có chỉ phù hợp với những mục đích khác chứ không phải vì công chúng. Cảm ơn chú Bảo Quốc đã cho các cháu hiểu thêm về lòng tự trọng.

Mai Hoàng Bảo Nghi

Hai từ xin - cho nghe sao chua chát quá! Sao không là tự Nhà nước xét tặng các danh hiệu cao quý để tôn vinh những cống hiến của các nghệ sĩ? Như thế danh hiệu mới có ý nghĩa. Không nên làm  như hiện nay, nghệ sĩ phải làm đơn xin “cấp” danh hiệu, xin xác nhận, xin đặc cách... để được phong tặng với kiểu cách ban ơn...

Phạm Hoàng

Chương trình cải cách hành chính của chúng ta đang được áp dụng mạnh mẽ, bây giờ lại còn  cơ chế “xin – cho” thật khó hiểu. Còn “xin”, còn “cho” thì còn tiêu cực.

Bùi Văn Nghĩa

Theo tôi, danh hiệu NSƯT, NSND nên để khán giả bình chọn vì chính khán giả mới là người hiểu rõ quá trình hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ hơn. Danh hiệu NSND là thuộc về sự ảnh hưởng của họ đối với khán giả, vậy để cho khán giả lên tiếng mới công bằng.

Đặng Trung Thành

Ngoài hội đồng xét duyệt phong tặng của Nhà nước, các báo điện tử hãy làm những khảo sát trên mạng để công chúng tham gia bình chọn, sau đó thống kê lại xem xét với kết quả bình chọn phong tặng của cơ quan chức năng. Hãy trao bớt quyền bình chọn cho công chúng để họ là những người được quyền chọn nghệ sĩ mà mình yêu thích.

Lê Hải Đăng

Theo tôi, NSND do khán giả bầu chọn, Nhà nước xét phong tặng là công bằng.

Nguyen Van Son

quocthang
từ khóa :
Mưa lũ bất thường, quản lý đập, hồ chứa nước thế nào?

Mưa lũ bất thường, quản lý đập, hồ chứa nước thế nào?

Thời sự 16:00

(NLĐO) - Bão số 3 vừa qua cho thấy nhiều vấn đề trong quản lý, vận hành để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước

MC Hồng Phúc gửi thông điệp phòng chống ma túy tới người trẻ

MC Hồng Phúc gửi thông điệp phòng chống ma túy tới người trẻ

Âm nhạc 15:39

(NLĐO) - MC Hồng Phúc gửi những thông điệp tích cực đến với giới trẻ qua MV "Tuổi trẻ ta nói không với ma túy"

TP HCM thu nhận mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ

TP HCM thu nhận mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ

Thời sự 15:31

(NLĐO)- Thành phố sẽ vận động thân nhân của liệt sĩ cung cấp mẫu ADN để phục vụ công tác tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ.

Mỹ nam thắng kiện vụ bị gãy xương gò má

Mỹ nam thắng kiện vụ bị gãy xương gò má

Giải trí 15:26

(NLĐO) – Nam diễn viên Choi Bo-min thắng vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại sau khi bị gãy xương gò má trên sân tập golf do bị một người khác vung gậy.

Kết quả xổ số hôm nay, 19-11: Bến Tre, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Quảng Nam...

Kết quả xổ số hôm nay, 19-11: Bến Tre, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Quảng Nam...

Kết quả xổ số 15:25

(NLĐO) - Kết quả xổ số hôm nay, 19-11, được các Công ty Xổ số kiến thiết Bến Tre, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ninh công bố

Huy động người nhái tìm kiếm 4 học sinh mất tích trên sông Hồng

Huy động người nhái tìm kiếm 4 học sinh mất tích trên sông Hồng

Thời sự 15:23

(NLĐO) - Lực lượng chức năng huy động người nhái tập trung tìm kiếm 4 học sinh lớp 8 bị đuối nước, mất tích tại sông Hồng

Câu chuyện về người thầy của phi công

Câu chuyện về người thầy của phi công

Giáo dục 15:10

(NLĐO)- Nghề giáo vốn là một nghề đặc biệt, trong đó công việc của giáo viên dạy bay ở Trường phi công Bay Việt còn đặc biệt hơn rất nhiều