Shark Tank (ST) là một chương trình truyền hình thực tế khá nổi tiếng ở Nhật Bản và Phương Tây, barem chương trình khá đơn giản, doanh nhân khởi nghiệp sẽ đàm phán trên sóng truyền hình với các nhà đầu tư (gọi là Shark - cá mập) để gọi vốn.
ST được du nhập vào Việt Nam chưa lâu, đó là sân chơi có ý nghĩa với những người khởi nghiệp, xa và rộng hơn có tác dụng hỗ trợ những “mầm xanh” doanh nghiệp không chỉ về nguồn vốn, mà còn kinh nghiệm quản lý, vận hành.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, sáng lập thương hiệu thời trang nữ mặc nhà Emwear đã gọi vốn thành công 2 tỷ đồng từ Shark Tank Việt Nam.
ST Việt Nam là một chương trình không đơn giản về câu chữ, trước hết về mặt kiến thức kinh doanh, không phải ai cũng đủ trình để “tiêu hóa” được màn đối đáp gay cấn giữa nhà đầu tư và người chơi. Ban tổ chức có khi xử lý hậu trường khiến cho màn hỏi đáp “tăng tốc” toát mồ hôi khán giả.
Điều làm khán giả bối rối nhất là rất phổ biến những câu thoại “Anh - Việt trộn lẫn”, không biết đó có phải là kỹ năng cần thiết khi đàm phán với đối tác hay là một thứ “model” của những người làm kinh doanh(?).
Ví dụ câu: “…shark chỉ có 1 khoảng thời gian cực ngắn để định giá lại giá trị công ty và đưa ra offer chính xác. Đặc biệt việc này còn rút ngắn khoảng thời gian DD” (Due Diligence-thẩm định; offer - đưa ra sự hỗ trợ, Pv). ST Việt Nam “làm khó” khán giả từ những câu thoại như vậy.
Nhưng cái được quan tâm nhất là các nhà đầu tư có thái độ như thế nào với những người khởi nghiệp. Đó thật sự là hỗ trợ khởi nghiệp bằng việc đổi chác sòng phẳng - bỏ một số tiền để sở hữu phần trăm cổ phần, trách nhiệm với doanh nghiệp, hay họ biến thành những “Bank Tank” - “ngân hàng cá mập” cung nguồn vốn kèm lãi suất?
Hình thức cho vay kèm lãi được gọi dưới thuật ngữ “trái phiếu chuyển đổi”, tức là một khoản vay có lãi suất đi kèm. Sau một thời gian, nhà đầu tư có quyền chuyển trái phiếu thành cổ phiếu tương đương với số cổ phần nhất định, hoặc thu về khoản nợ ban đầu (gồm cả gốc và lãi).
Một thương hiệu kinh doanh Yến Sào được rót 10 tỷ đồng, kèm lãi suất 18%/năm, nếu startup suôn sẻ, thì hai bên tiếp tục đàm phán để “cổ phần hóa” nguồn vốn, nhưng nếu thất bại, bên nhận vốn sẽ phải thế chấp tài sản. Tức là trong mọi trường hợp nhà đầu tư luôn có lợi.
Đúng như thuật ngữ “Bank Tank” mà một nhà đầu tư nói chơi! Lãi suất 18%/năm, có thể được gọi bằng thuật ngữ quen thuộc - “lãi cắt cổ” vì nó cao hơn bất cứ lãi suất cho vay ngân hàng hiện tại.
Đầu tư dưới dạng cho vay “trái phiếu chuyển đổi” thực ra không giúp nhiều cho cộng đồng khởi nghiệp, thậm chí phản tác dụng. Với số vốn tương tự, có tài sản thế chấp, người vay không phải mất thời gian đăng ký, được xét duyệt trước khi lên truyền hình, móc hết ruột gan mà vẫn có thể dễ dàng tìm đến các ngân hàng thương mại.
Các startup nhận được đầu tư bằng hình thức “trái phiếu chuyển đổi” vẫn phải đơn độc xoay xở tìm cách tồn tại và phát triển hy vọng có thể trả khoản vay bằng cổ phần doanh nghiệp? Trong khi đó, nhà đầu tư có thể chẳng cần làm gì vẫn được lợi!
Nếu thành công, nhà đầu tư còn có thể sở hữu cổ phần “thơm”. Và đương nhiên đây là những khoản đầu tư không thể an toàn hơn.
Các startup có thể không đủ điều kiện vay khoản lớn tại ngân hàng nên chấp nhận “cày cuốc” để được rót tiền.
Trên thực tế, với toan tính của mình, các nhà đầu tư không dễ lao vào sống chết với các doanh nghiệp mới có tên…khai sinh. Nếu như vậy, liệu chương trình này có thật sự bổ ích nếu đồng tiền tiếp tục được đầu tư theo cách “an toàn” nhất, hay chỉ là nơi “đánh bóng” các tên tuổi?
Nếu đầu tư theo hình thức “trái phiếu chuyển đổi” thì không cần đến các nhà đầu tư được mỹ miều hóa bằng tiếng Anh, mà bất cứ ai, dù không có kiến thức kinh doanh, miễn có tiền vẫn đầu tư được. Thậm chí có thể "lách luật" để huy động vốn, sau đó cho các startup vay lại vẫn có thể hái ra chênh lệch lãi suất.