Năng lượng xanh từ mặt trời, gió… đang trở thành xu thế của thế giới nhằm thay thế dần dần năng lượng nâu (máy phát điện chạy diesel, nhiệt điện than, …). Tại Việt Nam, dù có lợi thế về năng lượng mặt trời và gió nhưng trước nay chúng ta chưa tận dụng khai thác hai nguồn năng lượng vô tận này.
EVN khảo sát NLMT tại Trường Sa - Ảnh: Ngọc Hà
Chưa tận dụng lợi thế
Việt Nam có lợi thế là một trong những quốc gia nằm trong dãy phân bố ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, đặc biệt là các tỉnh Tây nguyên, ven biển miền Trung, với số giờ nắng trung bình 2.000 - 2.600 giờ/ năm.
Việt Nam cũng có nhiều điều kiện để phát triển điện gió nhờ có đường bờ biển dài, tốc độ gió trung bình đạt 6-7 m/ giây. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng của năng lượng gió ở Việt nam có thể sản xuất 500.000 MW, gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển nguồn năng lượng xanh, nhất là năng lượng mặt trời. Bởi lẽ, so với các nguồn năng lượng khác, năng lượng mặt trời khá ổn định, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường.
Mới đây, tháng 5-2016, TP Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) đã công bố đầu tư nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới có công suất 800 MW để thay thế cho nguồn điện sản xuất từ dầu. Dự án mở ra hướng xuất khẩu điện mặt trời thay cho dầu mỏ trong tương lai khi mà nguồn dầu mỏ ở UAE dần cạn kiệt. Bất ngờ là giá bán điện từ năng lượng mặt trời của dự án dự kiến khoảng 3 US cent/1 kWh.
Ngược lại, tại Việt Nam, do việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo khá tốn kém, chi phí quá cao nên chúng ta chưa có điều kiện để phát triển.
Dù vậy, gần đây, chi phí đầu tư cho nguồn năng lượng xanh này có xu hướng giảm dần, mở ra cơ hội nhiều cho Việt Nam khai thác nguồn năng lượng sạch này.
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới đánh giá nguồn năng lượng "trời cho" có thể cung ứng đủ 100% cho sản xuất điện tại Việt Nam vào năm 2050. Trong tương lai, nếu tận dụng tốt, Việt Nam đủ sức chuyển hướng khai thác điện mặt trời và điện gió hoàn toàn, thay vì nhiệt điện than gây nhiều hệ lụy môi trường như hiện nay.
Đột phá bằng các dự án
Trước xu thế chung của thế giới chuyển dần khai thác năng lượng mặt trời, năng lượng gió… thay thế cho nhiệt điện than, dầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chấp nhận chủ trương cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đầu tư điện mặt trời, điện gió tại các xã đảo, các nơi chưa có lưới điện quốc gia, nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể, HĐTV EVN vừa thống nhất chủ trương đầu tư các dự án điện mặt trời tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) và Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tại huyện Côn Đảo, EVN SPC đang xúc tiến kế hoạch đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 1,5 MW. Theo tính toán của EVN SPC, hiện nay chi phí để sản xuất 01 kWh điện từ nhà máy điện chạy dầu tốn khoảng 6.500 đồng, trong khi điện mặt trời chỉ khoảng 4.500 đồng. Chi phí này có xu thế giảm dần khi các tấm pin năng lượng mặt trời ngày càng rẻ hơn. Do đó đầu tư điện năng lượng mặt trời sẽ có giá thành rẻ hơn nhà máy điện chạy dầu. EVN SPC đã thí điểm thành công nhiều dự án điện mặt trời tại các vùng sâu vùng xa và hải đảo khi các nơi chưa có điện lưới quốc gia.
Tại huyện đảo Phú Quý, trong tháng 7 vừa qua, EVN SPC chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Thuận thực hiện công trình "cấp điện bằng nguồn điện mặt trời cho huyện đảo Phú Quý". Dự án có công suất 1,2 MW, sẽ được trình lãnh đạo tổng công ty phê duyệt trong tháng 9-2017.
Trước đó, cũng tại huyện Côn Đảo, Công ty Trama TecnoAmbienta SL (Tây Ban Nha) và Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai dự án điện mặt trời Côn Đảo trong khuôn viên nhà máy điện An Hội (Côn Đảo). Dự án do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ 140.000 EUR. Sau khi kết nối thành công vào lưới điện hạ thế của nhà máy, dự án điện mặt trời Côn Đảo có công suất đỉnh 36 kWp đã chính thức vận hành từ ngày 5-12-2014. Từ kết quả trên, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án cấp điện bằng nguồn năng lượng mặt trời cho huyện Côn Đảo giai đoạn 2016 - 2020 tại khu vực bãi Đất Dốc với diện tích 43,4 ha.
Từ tháng 7-2016, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời công suất đỉnh 140 kWp ở tòa nhà văn phòng, trở thành một trong những đơn vị tiên phong của ngành điện ứng dụng công nghệ năng lượng sạch này.
Chỉ tính riêng từ tháng 7 đến cuối tháng 12-2016, hệ thống điện mặt trời của công ty đã phát ra tổng sản lượng 99.150 kWh, tiết kiệm được 128 triệu đồng tiền điện.
NLMT áp mái tại Văn phòng Công ty Điện lực Vĩnh Long
Tại Vĩnh Long, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã chấp thuận đầu tư dự án năng lượng mặt trời áp mái công suất 60 kWp tại trụ sở Công ty Điện lực Vĩnh Long, trị giá 3,2 tỉ đồng. Công trình này hoàn thành vào cuối tháng 7 vừa qua, tiết kiệm mỗi ngày 220 kWh. Tính ra mỗi năm Điện lực Vĩnh Long tiết kiệm hơn 8.000 kWh điện, tương đương 134 triệu đồng.
Tới đây, Công ty Điện lực Vĩnh Long sẽ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Điện lực TP Vĩnh Long, công suất 170 kWp, chi phí lắp đặt 9,5 tỉ đồng. Tại điện lực các huyện và thị xã Bình Minh, mỗi đơn vị được thiết kế công suất 20 kWp, chi phí lắp đặt 1,5 tỉ đồng. Dự kiến khi đưa tất cả các dự án trên vào sử dụng, ngành điện lực Vĩnh Long sẽ tiết kiệm được 63.240 kWh/tháng, tương ứng hơn 100 triệu đồng; mỗi năm tiết kiệm được 758.880 kWh, tương ứng trên 1,2 tỉ đồng.
Với hàng loạt dự án điện mặt trời đã và đang triển khai hiệu quả, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã tạo ra bước đột phá mới cho chuyển đổi khai thác nguồn năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.