Mua nhà, đất như chơi game show
Chưa bao giờ thị trường BĐS lại có lượng hàng dồi dào và giá cả vô chừng như hiện nay do nhiều chủ đầu tư thứ cấp tháo hàng, người có nhu cầu có thể tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng... đến các sàn giao dịch vỉa hè. Thậm chí gần đây, nhiều người cho biết đã trở thành nạn nhân của những cuộc gọi tiếp thị đủ loại BĐS từ những số máy di động được giới cò nhà, đất giấu số để tránh bị khách hàng la rầy vì làm phiền.
Ngày 12-6, chúng tôi theo chân những khách hàng đi "săn" nhà, đất thời giảm giá để tìm hiểu thực hư về giá cả, sức giao dịch, các chiêu mua-bán của cò... Điểm đến đầu tiên là một sàn giao dịch trên đường Trần Não (quận 2 - TPHCM), ở đây cô nhân viên đưa ra một rừng sản phẩm với đủ loại giá do các chủ nhà, đất gửi bán. Thử chọn một nền đất diện tích 7,5 m x 18 m trong dự án khu dân cư Phú Nhuận (phường Thạnh Mỹ Lợi), cô nhân viên đưa ngay ra mức giá 30 triệu đồng/m2 nhưng còn thòng thêm: "Giá vẫn còn thương lượng". Ghé tiếp một điểm môi giới BĐS cách đó vài chục mét, cũng lô đất trên lại được anh nhân viên ở đây chào giá 25 triệu đồng/m2. Hàng loạt sản phẩm khác giữa hai sàn giao dịch BĐS này đều chênh lệch nhau khá xa. Trước tình cảnh này, những người đi "săn" nhà, đất cũng phải than: Đi mua nhà, đất mà cứ như tham gia game show Hãy chọn giá đúng.
Chết đứng vì cò
Thị trường BĐS đóng băng, giao dịch ảm đạm... do đó giá giảm từng ngày là điều tất nhiên, tuy vậy một số nhà môi giới lại sử dụng chiêu "bơm đẩy" để đưa khách hàng vào... bẫy. Anh Phan An (quận Thủ Đức) thuật lại kinh nghiệm xương máu khi vừa mua căn hộ tại dự án Quốc Cường Gia Lai 1 nằm trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7). Giữa tháng 5-2008, sau khi đọc báo thấy giới thiệu một căn hộ do chính chủ bán ra với giá chỉ có 16,5 triệu đồng/m2, thấy được giá nên anh An ưng ý. Thế nhưng sau khi đóng tiền cọc, anh An mới phát hiện chủ nhân đích thực lại là một người khác và giá chính chủ đưa ra có 14,5 triệu đồng/m2. Chưa hết, mới làm thủ tục sang nhượng hợp đồng thì ông chủ căn hộ kế bên bán ra chỉ có 13 triệu đồng/m2. Do căn hộ chỉ mới trả góp 60% giá trị nên tổng số tiền anh mua hớ gần 200 triệu đồng.
Trường hợp của anh An không phải là cá biệt, bởi theo ghi nhận của chúng tôi, khách hàng có nhu cầu thực sự muốn mua nhà từ chính chủ rất khó. Nguyên nhân là do giá quá hạ, những khách hàng muốn tự chào bán thì tâm lý sợ bán hớ nên thường rao giá hơi cao. Còn những khách hàng muốn xả hàng đều phải thông qua các công ty môi giới nên chỉ đưa ra giá gốc, còn việc tiếp khách và kê giá chênh lệch thì phó mặc cho người "chọn mặt, gửi vàng". Một chiêu mà giới cò hiện đang áp dụng là luôn đưa một sản phẩm có vị trí đắc địa nhưng giá lại cực mềm, song khi có khách hàng tới hỏi mua thì đều báo vừa bán xong và chào những vị trí khác.
Chờ hai tháng nữa!
Đó là dự báo chung của các chuyên gia địa ốc, trước tình hình giá nhà, đất sẽ còn có thể giảm mạnh thêm. Theo anh Thanh Quang, một nhà môi giới ở quận 7, nếu không cần gấp chỗ ở thì khoan mua bởi hiện giá đang biến động từng ngày và theo chiều hướng giảm dần. Anh Quang cho biết thêm, mua để đầu tư nên chọn tháng 8-2008, bởi thời điểm này các ngân hàng sẽ chốt danh sách những khách hàng mất khả năng chi trả để xử lý theo hướng phát mãi tài sản. Để tránh việc mất uy tín do phải đáo "tụng đình", nhiều khách hàng sẽ chấp nhận bán lỗ để thu hồi tiền trả ngân hàng. Theo một giám đốc công ty môi giới nhà, đất, có khả năng từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS sẽ trở về đúng giá trị thực của sản phẩm và giao dịch sẽ trở lại nhịp điệu bình thường, thoát khỏi tình trạng ảm đạm như hiện nay, nhưng sớm nhất cũng phải đầu năm 2009.
Giám đốc một công ty kinh doanh BĐS cho rằng nếu muốn mua vào thời điểm hiện nay thì cần chọn các công ty môi giới có uy tín để tư vấn nhằm tránh tình trạng bị ăn chênh lệch cao. Đồng thời, cần tham khảo nhiều nguồn thông tin về căn hộ, khuôn viên đất cần mua... Một điểm đáng lưu ý khác, hiện một số dự án do thiếu vốn dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, do đó cần xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng đầu tư và tìm hiểu năng lực của chủ dự án để tránh tình trạng bị chôn vốn.
Thị trường xuống do nguồn vốn tắc nghẽn Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng trước tình hình bất ổn kinh tế nên phải chấp nhận thực tế sắp tới sẽ còn nhiều đợt thoái trào khác. Song ông Châu cho rằng nhu cầu nhà ở tại TPHCM vẫn nóng nhất so với cả nước, vấn đề là nguồn vốn rót vào thị trường này đang bị nghẽn. Việc tìm cách khơi thông để giao dịch trở nên bình thường đang là giải pháp cấp bách, cần thực hiện ngay. T.Nguyễn |