Cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài đang diễn ra quyết liệt ở nhiều ngành song theo Navigos Group - công ty chuyên về tuyển dụng - nóng hơn cả là lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Nhu cầu “nóng”
Từ cuối tháng 4 đến nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhóm ngân hàng - tài chính chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các ngành nghề. Trong thời gian tới, đây sẽ là ngành nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng nhất.
Hàng loạt chương trình tuyển dụng cho thấy nhu cầu “nóng” từ cả những ngân hàng có vốn nhà nước lớn như Vietinbank, Vietcombank đến những ngân hàng tư nhân mạnh như Techcombank, VPBank, Sacombank… hiện áp dụng song song nhiều chương trình như tuyển dụng cán bộ quản lý, các ứng viên có kinh nghiệm; thực tập sinh dành riêng cho các sinh viên kinh tế xuất sắc nhất…
Vietcombank có chương trình phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân tài trong và ngoài nước cũng như thu hút chất xám từ các khu vực kinh tế phát triển... VPBank cũng liên tục đăng thông báo tuyển dụng nhân viên với các vòng thi tuyển về IQ, EQ và chuyên môn, phỏng vấn...
Khảo sát tại các ngân hàng hàng đầu Việt Nam hiện nay cho thấy chiến lược nhân sự của Techcombank được đánh giá khá toàn diện khi tập trung vào 3 yếu tố: thu hút và giữ chân nhân tài, đào tạo và phát triển, khen thưởng và ghi nhận. Đối với các hoạt động tuyển dụng, Techcombank đang mạnh về phát triển nguồn từ cán bộ trẻ, bao gồm cả nhân sự phổ thông và cấp cao hơn.
Hàng loạt chương trình đã được Techcombank triển khai như hội thảo định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng áp dụng với sinh viên năm thứ 3, thứ 4 các trường đại học; thi thử sức cùng nhà tuyển dụng, phối hợp với ngày hội nghề nghiệp; thực tập sinh tập trung áp dụng với các sinh viên năm cuối...
Tạo ra môi trường học tập liên tục
Đặc biệt, năm 2013, Techcombank cũng tiên phong trong khối ngân hàng nội triển khai chương trình quản trị viên tập sự nhằm tìm kiếm những ứng viên có năng lực lãnh đạo cho các vị trí quản lý cấp trung.
Một điểm đặc biệt là Techcombank tạo quá trình đệm cho nhân sự, giúp họ sớm hòa nhập vào môi trường làm việc. Chẳng hạn như khi tuyển một quản lý từ bên ngoài vào vị trí giám đốc chi nhánh, ngân hàng không giao nhiệm vụ ngay. Ứng viên có thời gian học dự bị trên hội sở, tham khảo, đi cùng các giám đốc vùng để xem việc xây dựng các chi nhánh hoạt động như thế nào, làm quen với các chuẩn mực của ngân hàng, xử lý các tình huống trước khi xuống chi nhánh.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng tạo ra một môi trường học tập liên tục với hơn 500 khóa học mỗi năm dành cho các cán bộ nhân viên ở các cấp khác nhau; học viên có thể lựa chọn thời gian phù hợp và theo cách mà họ có thể học tốt nhất, nhân viên đăng ký giờ làm việc linh hoạt và được nghỉ trong ngày sinh nhật của mình… nhằm tạo môi trường làm việc thoải mái cho người lao động. Khảo sát mức độ hiệu quả làm việc của cán bộ nhân viên do Techcombank phối hợp với nhà tư vấn nước ngoài HayGroup cho thấy năm 2013, kết quả tăng đáng kể so với năm 2012, trong đó đáng ghi nhận ở số liệu thể hiện mức độ gắn bó và mức độ tạo điều kiện của tổ chức đối với người lao động.
Đầu tư đào tạo và phát triển
Bà Sarah Yamagata, Giám đốc đào tạo tập đoàn chuyên về tuyển dụng trên thế giới En World group, nói rằng mọi người ngày nay đều ham học hỏi và khao khát được trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nếu doanh nghiệp muốn định vị mình khác biệt, họ cần phải đầu tư vào đào tạo và phát triển. Có thể nói, chính sách tuyển dụng và đào tạo toàn diện cùng nỗ lực tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho cán bộ nhân viên của Techcombank đang tạo nên sự khác biệt để đội ngũ nhân sự của ngân hàng phát huy năng lực ở mức cao nhất.