Một thời gian dài lãi suất cho vay cao khiến tín dụng tiêu dùng khó đẩy mạnh, người dân khó tiếp cận vốn ngân hàng. Nhưng nay cơ hội vay vốn tiêu dùng đã trở lại dù vẫn còn những quan ngại.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Song song đó, trên thị trường bất động sản, giá nhà đất đã điều chỉnh giảm khá sâu để về gần hơn với khả năng tiếp cận của nhiều người. Giá hàng hóa tiêu dùng giá trị lớn, điển hình như ô tô, cũng đã giảm đáng kể, cùng với các chính sách ưu đãi để kích cầu từ nhà sản xuất, phân phối… Đây cũng chính là những điểm đến mà các ngân hàng tập trung hỗ trợ vốn. Có thể nói nhiều yếu tố thuận lợi đang thúc đẩy nhu cầu vay vốn cá nhân. Vấn đề còn lại là lựa chọn hợp lý và quyết định.
Hỗ trợ để khách hàng nắm bắt cơ hội
Các ngân hàng thương mại đang có nhiều chương trình ưu đãi cho vay cá nhân song thực lực giải ngân và giá trị ưu đãi là khác nhau. Điều này phụ thuộc vào năng lực tài chính, chiến lược của mỗi thành viên.
Đặc thù của tín dụng tiêu dùng là các khoản cho vay trung và dài hạn, từ 2-5 năm, thậm chí trên 5 năm. Trở ngại chung là quy định ngân hàng không được sử dụng quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, họ cũng thận trọng trong quản trị rủi ro thanh khoản khi mà phần lớn vốn huy động là ngắn hạn. Theo đó, dễ nhận thấy quy mô các gói cho vay cá nhân của hầu hết ngân hàng hiện nay phổ biến chỉ từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý nhất có thể kể đến Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), với gói cho vay cá nhân lên tới 4.000 tỉ đồng, vừa được công bố vào đầu tháng 7, lớn nhất trong các chương trình của khối ngân hàng cổ phần công bố thời gian qua.
Bà Phan Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sản phẩm Tín dụng cá nhân Techcombank, cho biết: "Đây là thời điểm thuận lợi để các cá nhân vay vốn, hiện thực các nhu cầu của mình và đặc biệt là các kế hoạch lớn như mua nhà, ô tô… Chúng tôi đã và đang tăng cường hỗ trợ để khách hàng của mình nắm bắt ngay cơ hội đó".
Các chính sách vay vốn cũng được các ngân hàng chú trọng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Phổ biến nhất là sẽ áp dụng theo lãi suất thị trường sau 3 - 6 tháng đầu của khoản vay, hay những chương trình cố định lãi suất trong kỳ vay 1 - 2 năm, khoảng 12%-13%/năm, hỗ trợ khách hàng chủ động về chi phí… Một số ít ngân hàng đang chọn hướng cạnh tranh bằng một cơ chế ưu đãi lâu dài. Chẳng hạn, theo gói 4.000 tỉ đồng của Techcombank, ngoài mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn nhất trên thị trường hiện nay là 5,99%/năm, trong 1, 3 và 6 tháng đầu (tùy kỳ hạn vay), ngân hàng sẽ đánh giá theo từng nhóm khách hàng để giảm hẳn lãi suất cho suốt kỳ vay, có thể giảm tới 1%/năm so với mặt bằng chung trên thị trường.
Ngoài ra, ngân hàng này còn áp dụng cơ chế khách hàng có thể lựa chọn không phải trả nợ gốc năm đầu hoặc tháng 2 hằng năm để giảm thiểu áp lực ngay sau khi dồn sức cho một kế hoạch tài chính lớn hay áp lực ở tháng cao điểm chi tiêu trong năm.