Nhắc đến lá tía tô, có lẽ bạn sẽ nghĩ đến một thứ lá quen thuộc có thể thấy ở khắp mọi nơi trên đất Việt Nam.
(Ảnh cắt từ clip của VTV)
Thế nhưng mới đây, thứ lá mà bạn cho là bình thường này đã chính thức được 'cấp visa' Nhật Bản. Đây được coi là một sự khích lệ rất lớn với hàng Việt mang xuất khẩu. Đằng sau câu chuyện này, đó còn là một điểm sáng đã lóe lên trong một bức tranh vốn đang ảm đạm của nền nông sản Việt Nam thời gian vừa qua.
Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, lô hàng lá tía tô đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo công ty trồng và xuất khẩu cho biết thì giá bán mỗi chiếc lá tía tô Việt Nam vào nhà hàng Nhật Bản là lên tới 500-700 đồng/lá.
Như vậy, chỉ từ một thứ lá bình thường, lá tía tô vẫn có thể cho người ta một số tiền rất lớn. Cứ thử nhẩm tính với mức giá trên, nếu người nông dân Việt sản xuất đúng theo tiêu chuẩn, thì cứ 1 ha đất trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá và số tiền mà người nông dân thu về có thể lên đến 2,5 tỉ đồng.
Đối với Nhật Bản, lá tía tô là một thứ gia vị quan trọng trong nền ẩm thực. Trong các món ăn truyền thống Sushi và Sashimi, lá tía tô được sử dụng như thứ gia vị ăn kèm, giúp làm giảm bớt mùi tanh của hải sản tươi sống.
Sự gắn bó này thậm chí được nhiều thực khách nhận xét là nếu đi ăn Sushi mà chưa ăn cùng lá tía tô thì coi như chưa biết đến Sushi là gì. Còn với y học Nhật Bản, lá tía tô được coi là loại thảo dược. Vì thế trong các bữa ăn, lá tía tô thường xuyên được lưu tâm sử dụng như một loại gia vị rất tốt cho sức khỏe.
Nhật Bản là đất nước của món sushi
Nói thế để thấy, khi lá tía tô Việt chọn để xuất sang Nhật Bản thì có thể nói doanh nghiệp đã tìm rất đúng và trúng một thị trường ngách để 'tấn công' vào. Tất nhiên, để đạt đến chuẩn 'Nhật Bản' thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tuân theo một quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt.
Nói riêng với lô lá tía tô đầu tiên được mang đi xuất khẩu nói trên thì công ty trồng và xuất khẩu lá này đã mở một trang trại ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trang trại có diện tích tới 11,3 ha, với tổng số vốn khoảng 150 tỉ đồng. Trong diện tích này thì có đến 8,2 ha diện tích được dành để xây dựng 12 nhà kính rộng từ 0,5-1,2 ha, còn lại là các công trình phụ trợ khác.
Công ty này đã phải khảo sát địa điểm, nguồn nước, chất đất, xây nhà kính và áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Công nghệ của công ty phải đáp ứng được yêu cầu của đối tác Nhật Bản là lá tía tô phải có kích cỡ đều tăm tắm giống nhau, không được để rách, nát và không có lá nào khác là nào.
Đồng thời, các lá tía tô này phải được thu hoạch vào đúng ngày tuổi. Nếu các lá để quá lứa, dù vẫn sử dụng được, nhưng vẫn buộc phải hái bỏ đi. Vì thế, công ty ở Bắc Ninh này thậm chí còn đặt riêng một chỗ trên máy bay với các hãng hàng không để đảm bảo ngày nào cũng có lá tía tô được xuất sang Nhật Bản.
Như vậy, khác với cách làm đối với nông sản Việt khác, công ty này đã chọn một con đường nhọc công hơn, tốn kém hơn những bài bản, chứa hàm lượng công nghệ cao hơn. Và cuối cùng, công ty này cũng thu được 'trái ngọt'.
Hiện nay, mỗi ngày công ty xuất khẩu sang Nhật số lượng tới vài chục nghìn lá tía tô và phản hồi của khách hàng về lá tía tô của Việt Nam rất tốt. Dự kiến, nhu cầu lá tía tô của Nhật Bản có thể giúp công ty này thu về trên 5 tỷ đồng/năm.
Từ đó, có thể thấy, câu chuyện lá tía tô Việt Nam mở đường vào Nhật Bản nói trên đã không còn là chuyện "con cá lá rau" nữa. Nó cho thấy một tiềm năng rất lớn cho nông sản Việt Nam, nhất là khi hàng đã được chuẩn hóa và công nghệ hóa.
Hiện nay, năng lực sản xuất của Việt Nam là khá tốt với 11 loại nông sản (lúa gạo, cá tra, cà phê, tôm…) có năng suất dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, chất lượng và khâu chế biến, tiêu thụ của chúng ta còn rất yếu. Những cuộc giải cuộc giải cứu liên tiếp chuối ở Đồng Nai, dưa hấu ở Quảng Ngãi, hay lợn khắp toàn quốc là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Giờ đây, khi lá tía tô đã mở đường thành công đường sang Nhật Bản thì các nông sản thuần Việt khác sẽ có lý do để mơ đến những giấc mơ tương tự. Điều kiện tiên quyết ở đây vẫn là một cách đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ, cũng như một sự nhạy cảm với thị trường trên thế giới.