Kết quả trên được trích từ cuộc khảo sát Chỉ số mối quan hệ Prudential (PRI) năm 2016. Để có được bản khảo sát phản ánh đa chiều các mối quan hệ tại Việt Nam như quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, họ hàng…, Prudential đã tiến hành 5.000 cuộc trò chuyện với người dân 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là: Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, với quy mô mỗi nơi 500 người.
Mâu thuẫn tiền bạc: Những con số biết nói
Kết quả chung của cuộc khảo sát, Việt Nam đạt 83/100 điểm, xếp hạng nhất trong số 10 quốc gia châu Á về việc đáp ứng các mối quan hệ cá nhân, nghĩa là mối quan hệ thực tế với vợ/chồng/người cùng chung sống đáp ứng 83% kỳ vọng của họ. Điều này cũng có nghĩa vẫn tồn tại chỉ số “khoảng cách trong mối quan hệ” là 17%.
Khảo sát cũng cho thấy người Việt ít tranh cãi nhất châu Á. Chỉ 7% người thừa nhận rằng họ tranh cãi với vợ/chồng/người cùng chung sống của mình một lần mỗi tuần hoặc thường xuyên hơn, so với mức trung bình 24% ở châu Á. Lý do là người Việt thường ưu tiên xây dựng mối quan hệ với những người dễ hòa hợp, họ ít có bất đồng với vợ/chồng/người cùng chung sống.
Mặc dù cặp đôi người Việt ít tranh cãi hơn các cặp đôi ở quốc gia khác nhưng vẫn có 42% trong số họ tranh cãi ít nhất một lần mỗi tháng. Tiền bạc là nguyên nhân gây tranh cãi được nhiều người nhắc đến nhất (theo chia sẻ của 45% người).
Cãi nhau nhưng lại khá “đồng tâm hiệp lực” trong vấn đề tài chính
Mặc dù tiền bạc là nguyên nhân gây tranh cãi nhiều nhất, thế nhưng, hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, các cặp vợ chồng ở Việt Nam thường cùng nhau giải quyết vấn đề tài chính. Họ cũng là những người có xu hướng mở tài khoản ngân hàng đồng sở hữu cao nhất với tỉ lệ 79%. Có đến 71% cặp vợ chồng người Việt nói rằng họ có trách nhiệm tương đương với vợ hoặc chồng của mình trong các quyết định tài chính quan trọng. Chiếm tỉ lệ cũng khá cao (95%) là việc vợ chồng cùng nhau lập kế hoạch tài chính và trao đổi với nhau về các kế hoạch tương lai. Khảo sát cũng chỉ ra một nghịch lý là mặc dù cùng nhau thực hiện các kế hoạch lớn nhưng phụ nữ là người phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các chi phí sinh hoạt hằng ngày, với 63% người Việt thừa nhận điều này.
Liên quan đến tiền bạc cũng có một số điểm cần đề cập trong tỉ lệ phân bổ chi phí của người Việt. Khảo sát cho thấy người Việt trưởng thành thường rộng rãi và hào phóng với con cái khi ra ở riêng. 68% bậc cha mẹ Việt Nam chu cấp tài chính cho con, trong đó 64% cha mẹ có con trên 18 tuổi. Đồng thời, 81% người Việt trưởng thành cho rằng họ chi tiêu quá nhiều cho con cái. Đa số (63%) cũng nhận ra rằng cha mẹ họ đã chi tiêu quá nhiều tiền cho họ.
Như vậy, có thể thấy tài chính tuy là một trong những vấn đề mà các cặp vợ chồng Việt khó bình tĩnh thảo luận với nhau nhất nhưng họ vẫn có sự đồng tâm hiệp lực, chia sẻ trách nhiệm trong các vấn đề tài chính quan trọng…
Chỉ số mối quan hệ Prudential (PRI) 2016 là cuộc nghiên cứu thăm dò nhằm tìm ra những vấn đề quan trọng trong các mối quan hệ cá nhân ở châu Á. PRI năm 2016 thể hiện mức độ đáp ứng của mối quan hệ hiện tại so với sự kỳ vọng được đặt ra cho một mối quan hệ lý tưởng. Đó là dấu hiệu thể hiện mức độ khăng khít và tính bền vững của mối quan hệ. Bạn có thể xem chi tiết toàn bộ khảo sát tại https://www.prudentialrelationshipindex.com/vn/vi/relationship-index-download.