Các chuyên gia cho rằng chỉ khi doanh nghiệp (DN) liên kết với nông hộ, ổn định nguồn cung, vừa kiểm soát được nguồn gốc cũng như an toàn thực phẩm thì nông dân mới tránh được rủi ro, không phải lo tình trạng dư thừa, bấp bênh “được mùa mất giá”.
Bức xúc đầu ra
Nhiều năm nay, các hộ dân ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đi theo mô hình sản xuất rau an toàn với việc hình thành HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao. Hơn 50% diện tích đất canh tác của bà con đã được đầu tư khá bài bản, kênh mương thủy lợi được bê tông hóa, hệ thống tưới tiêu tự động dẫn về từng thửa ruộng; khu vực thu gom vỏ bao bì thuốc trừ sâu.
HTX có 120 ha đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Toàn bộ nông hộ tham gia đều được tập huấn các kỹ năng sản xuất rau an toàn đúng quy trình.
Tuy nhiên, ông Vũ Văn Kỳ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, cho biết: “Vào thời điểm chính vụ, giá rau các loại có khi xuống mức 2.000-4.000 đồng/kg. Bà con luôn bị thương lái ép giá vì lượng rau nhiều, không có thương lái thu gom thì bà con không thể tiêu thụ hết được. Trong khi đó, một số điểm bán rau, quả an toàn thu gom rau của bà con về bán với giá cao gấp 3-4 lần”.
Tương tự, cánh đồng sản xuất rau, củ, quả hữu cơ của Tổ hợp tác rau hữu cơ Trác Văn, thôn Lệ Thủy, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cũng đáp ứng đầy đủ tiêu chí về rau, củ an toàn nhưng đầu ra thì phập phù.
Bà Đỗ Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau hữu cơ Trác Văn, cho biết diện tích trồng rau, củ, quả hữu cơ của tổ có 3 ha, mùa nào thức ấy. Trong đó, 1 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ PSG và được một chuỗi cửa hàng bán sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội bao tiêu đầu ra. Còn 2 ha nữa bà con cũng không biết bán đi đâu, chỉ còn cách đưa ra chợ hoặc bán cho các thương lái với giá đổ đồng là 10.000 đồng/kg, rau gia vị thì được cao hơn, 15.000 đồng/kg.
“Chỉ một thời gian ngắn nữa, toàn bộ diện tích gieo trồng rau, củ, quả của tổ hợp tác sẽ vào vụ thu hoạch rộ, khi ấy sản phẩm lại chưa biết bán đi đâu” - bà Tuyết lo lắng.
Cùng chung một nút thắt, các HTX, tổ sản xuất như bà Tuyết, ông Kỳ đều mong muốn được ổn định đầu ra, có DN thu gom với giá ổn định để bà con yên tâm sản xuất, mở rộng canh tác. “Được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, chúng tôi cũng rất mong muốn nhưng trước nhất ưu tiên hỗ trợ nông dân đầu ra. Bởi, đầu ra ổn định thì mới nghĩ đến việc áp dụng công nghệ, nâng cao sản lượng, mở rộng quy mô” - ông Kỳ chia sẻ.
DN “cứu cánh” nông dân
Câu chuyện về 2 HTX trên chỉ là 2 trong hàng chục triệu nông hộ, HTX nông nghiệp hiện nay rơi vào vòng luẩn quẩn như trên. Trong bối cảnh người tiêu dùng “khát” thực phẩm sạch thì những hộ nông dân, HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn lại không thể bán được sản phẩm của mình với giá tương xứng. Đây cũng giải thích cho thực trạng hiện nay, mô hình sản xuất nông sản an toàn vẫn “giậm chân tại chỗ”, không ít DN tham gia rồi lại bỏ cuộc giữa chừng.
Đầu tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” thông qua việc liên kết với 1.000 HTX và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường. Theo đó, Vingroup sẽ trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Chương trình này sẽ được Vingroup dành 300 tỉ đồng cho năm đầu tiên triển khai.
Đề cập đến chương trình này của Vingroup, ông Kỳ phấn khởi cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các DN để được bao tiêu sản phẩm, bà con chỉ lo sản xuất, yên tâm về đầu ra sản phẩm với giá cả phải chăng là vui nhất rồi. Tôi sẽ tìm hiểu về mô hình này và hướng dẫn bà con”.
GS-TS Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học gắn bó với nông nghiệp lâu năm, cho rằng muốn giải được vòng luẩn quẩn trên chỉ có DN. Bởi, chỉ có DN mới đủ sức kết nối nông dân với thị trường, đặt hàng với nông dân và tiêu thụ sản phẩm. Nông dân không thể tự làm thị trường cho mình. “Phần lớn DN tham gia vào nông nghiệp thời gian qua chỉ thích “ăn xổi ở thì”, thích buôn mánh để thu lời hơn là bỏ tâm huyết liên kết với nông dân để làm ra sản phẩm an toàn đích thực” - GS Xuân nhìn nhận.
Đánh giá về chương trình liên kết với 1.000 nông hộ của Vingroup, GS Võ Tòng Xuân cho rằng nếu làm đúng, bài bản theo mô hình liên kết giữa nông hộ, HTX với DN thì sẽ cho kết quả rất tốt và rất đáng khích lệ. Không chỉ Vingroup, mà trong giai đoạn mở cửa, hội nhập mạnh mẽ hiện nay phải làm như thế nào để kéo được nhiều DN tham gia vào nông nghiệp, “bắt tay” với nông dân để tăng cao tính cạnh tranh cho nông sản, giúp nông dân nâng cao lợi tức.
“Chỉ có DN mới nắm bắt được thị trường cần gì, như thế nào để quay lại đặt hàng, hướng dẫn nông dân sản xuất, mở rộng thị trường, đưa công nghệ vào nông nghiệp” - GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Đánh giá về chương trình liên kết với 1.000 nông hộ của Vingroup, GS Võ Tòng Xuân cho rằng nếu làm đúng, bài bản theo mô hình liên kết giữa nông hộ, HTX với DN thì sẽ cho kết quả rất tốt và rất đáng khích lệ.
Các hộ sản xuất, hợp tác xã muốn tham dự chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” của Tập đoàn Vingroup liên hệ qua: http://vineco.net.vn/ - Hotline: 1800 6880 - Email: info@vineco.net.vn.