Mắc bệnh cơ xương khớp vì lạm dụng smartphone, máy tính bảng
Smartphone , máy tính bảng là những vật dụng không thể thiếu của mỗi người trong xã hội hiện đại thời nay. Với ưu điểm cập nhật được thông tin nhanh, gọn, nhẹ, giờ đây, dường như bất cứ ai cũng đều sử dụng ít nhất một chiếc smartphone trong công việc hàng ngày.
Là một người quản lý kinh doanh của một công ty truyền thông, chị Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội) phải thường xuyên làm việc thông qua smartphone, máy tính bảng . Bình thường ngồi ở công ty, chị sử dụng máy tính để làm việc. Nhưng cứ khi nào rời phòng làm việc, bàn tay chị vẫn chưa thể ngơi nghỉ.
“Do tính chất, đặc thù của công việc nên ngoài việc đánh máy liên tục, mình cũng phải liên hệ, làm việc với khách hàng qua smartphone hoặc máy tính bảng. Có những ngày mình sử dụng smartphone liên tục để nhắn tin nói chuyện với khách hàng đến hơn 12h mỗi ngày. Tất nhiên là sau đó mình cảm thấy đau mỏi cổ do tư thế ngồi thường xuyên phải cúi xuống màn hình điện thoại. Nhưng dạo gần đây, tay mình bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạ”, chị Hạnh kể.
Smartphone là vật dụng không thể thiếu của mỗi người trong xã hội hiện đại thời nay.
Chuyện bắt đầu từ chuyến công tác gần đây của chị Hạnh. Chuyến công tác kéo dài 1 tháng trời và chưa bao giờ chị phải cầm vào điện thoại hay ipad nhiều đến thế. Tốc độ đánh chữ cũng phải nhanh hơn. Nhiều khi nửa đêm chị cũng phải bật dậy để làm việc.
Sau chuyến công tác trở về, bàn tay chị Hạnh bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạ: gấp duỗi bàn tay thì phát ra âm thanh ở các khớp cuối ngón, tay chị thường xuyên đau nhức, nhiều khi cảm giác đau lan lên cả cổ tay, tê đầu ngón tay. Đặc biệt, cảm giác tê tay thường xuyên xuất hiện trong quá trình chị đánh máy tính, nhắn tin trên điện thoại, ipad…
Lo lắng cho tình trạng của mình, chị Hạnh đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay . Chị không rõ nguyên nhân gây nên bệnh nhưng khi nghe bác sĩ hỏi về công việc, tính chất đặc thù công việc… chị mới nhận ra nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do lạm dụng smartphone, ipad.
Nói về việc lạm dụng điện thoại, máy tính bảng dẫn đến các bệnh cơ xương khớp thì, trường hợp của một em bé người Trung Quốc được đưa tin trong thời gian gần đây chính là một lời cảnh báo không thể bỏ qua. Em bé 3 tuổi ở Trung Quốc đã bị thoái hóa đốt sống cổ do thói quen ôm điện thoại trong 1 năm. Thói quen này cũng chính là do bố mẹ em tạo nên.
Theo đó, bé gái 3 tuổi ở Trung Quốc bỗng nhiên sốt cao 38,5 độ C, sau đó bị vẹo cổ sang bên trái và giữ nguyên tư thế này không thể quay đi quay lại được. Đến bệnh viện khám, bác sĩ kết luận bé đã bị thoái hóa đốt sống cổ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bố mẹ cho con chơi điện thoại di động, máy tính bảng trong thời gian quá dài khiến bé bị đau cơ cổ, co thắt dây chằng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bé rất dễ bị thoát vị đĩa đệm cổ và rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Có thể nói, chúng ta vẫn thường nghe mọi người bàn tán về việc lạm dụng smartphone như ánh sáng xanh gây hại mắt, có thể dẫn đến mù lòa, sóng điện thoại nói chung có thể gây ung thư, vô sinh … nhưng ít ai ngờ được sử dụng bàn phím ảo của smartphone, máy tính bảng cũng có thể ảnh hưởng đến xương khớp bàn tay.
Nhiều phụ huynh đang tạo thói quen ôm smartphone cực cho con em mình mà không hay biết điều này rất có hại.
Lạm dụng smartphone có thể gây nên những bệnh cơ xương khớp nào?
PGS. TS. BS Nguyễn Vĩnh Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Hà Nội) khẳng định, sử dụng smartphone quá nhiều trong một thời gian dài có thể gây nên những hệ lụy về cơ xương khớp, cụ thể là gây nên những tổn thương về thần kinh cơ và xương khớp.
“Khi sử dụng bàn phím của smartphone, máy tính bảng quá nhiều sẽ gây tổn thương thần kinh cơ và xương khớp ở bàn tay. Bấm bàn phím nhiều đồng nghĩa với khớp bàn tay phải hoạt động nhiều, từ đó sẽ gây thoái hóa khớp bàn tay, mọc gai xương bàn tay, biến dạng khớp ngón tay, khớp bàn tay và hạn chế vận động”, PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc cho biết.
Theo vị phó giáo sư này, lạm dụng smartphone, máy tính bảng còn gây nên hội chứng ngón tay lò xo do bị viêm gân gấp ngón tay. Đặc biệt là hiện tượng này còn có thể gây tổn thương thần kinh. Khi sử dụng đầu ngón tay để bấm bàn phím ảo quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến các mút dây thần kinh ở đầu ngón tay khiến ngón tay, bàn tay cứng lại, khó vận động.
Thêm vào đó, BS Ngọc cũng công nhận, trong xã hội hiện đại có phong trào cho con cái sử dụng smartphone, máy tính bảng quá sớm dẫn đến những tác hại về sức khỏe.
“Đặc biệt, bố mẹ Việt khi dỗ con cái thường cho con ôm smartphone, máy tính bảng. Trẻ nhỏ ôm máy tính bảng hay cầm smartphone thường trong tư thế rất gò bó, cúi gập đầu, mắt dí sát vào màn hình, ngồi khom người… do chưa biết cách sử dụng đúng. Những tư thế này kéo dài trong nhiều giờ (trẻ con hay mê các trò chơi, hình ảnh, phim hoạt hình… trên điện thoại, máy tính bảng và chưa ý thức được việc dừng lại) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cơ xương khớp của trẻ. Cụ thể là trẻ có thể bị vẹo cột sống cổ, vẹo cột sống thắt lưng, gù, đau nhức vai, đau vai gáy, đau tay… Tóm lại thói quen này gây ảnh hưởng cực lớn đến sự phát triển xương khớp của trẻ”, vị phó giáo sư này cho hay.
BS Ngọc cho biết thêm, thói quen xấu này còn ảnh hưởng lớn đến thị lực của trẻ. Ông cũng cho rằng, hiện nay nhiều trẻ phải đeo kính rất sớm cũng là do thói quen lạm dụng smartphone, máy tính bảng bắt đầu từ phụ huynh của bé. Ngoài ra, phụ huynh thường không để ý đến khả năng trẻ bị nhiễm tia sóng cao tần do sóng cao tần tích tụ, gây tổn thương tích lũy.
Làm thế nào để phòng tránh các tổn thương xương khớp ở cả người lớn và trẻ em do dùng smartphone và máy tính bảng? PGS.TS.BS Ngọc cho rằng, bạn nên sử dụng chúng hợp lý trong thời gian ngắn. Đối với người lớn, nếu vì tính chất công việc phải sử dụng thường xuyên thì nên có thời gian nghỉ giữa các lần bấm bàn phím ảo khoảng vài phút để thư giãn mắt và bàn tay.
“Những bệnh nhân bị đau khớp bàn tay do lạm dụng smartphone, máy tính bảng nên ngâm tay vào nước muối gừng. Cách làm là đun nước ấm đến nhiệt độ khoảng 50 – 60 độ C (hoặc có thể điều chỉnh tùy thuộc vào khả năng của người dùng), gừng đập dập, bỏ vào nước đã đun cùng muối hạt, ngâm tay mỗi ngày 1 lần từ 15 – 30 phút vào thời điểm thích hợp (nên vào buổi tối trước khi đi ngủ). Cách làm như vậy sẽ giúp giảm đau các khớp hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc nói.
Nếu làm như vậy mà vẫn không hết đau thì tốt nhất là bạn nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh mà mình đang mắc phải.
Riêng với trẻ nhỏ, phụ huynh cần ghi nhớ smartphone, máy tính bảng không phải là một đồ chơi thân thiện với con mình mà nếu cho sử dụng thì phải có kiểm soát. Bố mẹ cũng cần dạy con cách ngồi xem đúng, quản lý thời gian trẻ cầm smartphone, máy tính bảng.
“Tốt nhất là với những trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, cha mẹ cần tránh tuyệt đối không cho con sử dụng vì lúc này sự vận động của trẻ chưa thực sự tốt. Còn với trẻ lớn hơn, có thể tự vận động được thì cần sử dụng với thời gian hạn chế”, ông Ngọc nói.
Vị phó giáo sư này cũng khuyên, để phòng tránh bệnh cơ xương khớp cũng như các bệnh khác, khi sử dụng smartphone, máy tính bảng, bạn không nên lạm dụng mà nên tránh xa chúng bất cứ khi nào có thể. Không sử dụng trên đường vì rất dễ xảy ra tai nạn, nếu có cuộc gọi trên đường thì tốt nhất cũng không nên nghe…