Ở trường hợp bình thường, axít uric được cơ thể tiết ra, hòa tan trong máu và được thải qua thận. Gút là một dạng viêm khớp do chất thải axít uric trong máu dư thừa (hyperunicemia), đọng lại thành các tinh thể ở khớp và xung quanh mô, gây đau, sưng đỏ và viêm. Axít uric được cơ thể sản sinh thông qua sự phá vỡ purine - thành phần hóa học đặc biệt có nhiều trong các thực phẩm như thịt và một số loại hải sản.
Những yếu tố nguy cơ
Nhiều nghiên cứu cho thấy một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dư thừa axít uric:
- Tuổi tác và giới tính: Cơ thể nam giới tiết axít uric nhiều hơn so với nữ nhưng mức độ axít uric ở nữ giới vào độ tuổi mãn kinh có thể tương đương với đàn ông.
- Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị gút có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Lối sống: Chế độ ăn nhiều thực phẩm chứa purine, uống rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cơ thể thải axít uric.
- Nhiễm độc chì: Có bằng chứng nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm chì lâu ngày liên quan đến nhiều trường hợp bệnh gút.
- Dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng mức độ axít uric trong cơ thể như vài dạng thuốc lợi tiểu và thuốc chứa salicylate.
- Vấn đề sức khỏe khác: Tình trạng béo phì và dư cân có thể làm tăng nguy cơ bệnh gút; các bệnh về thận cũng khiến khả năng cơ thể loại bỏ chất thải không hiệu quả, dẫn tới mức axít uric tăng cao; một số chứng như cao huyết áp, đái tháo đường và nhược tuyến giáp cũng có liên quan với bệnh gút.
Một số dạng thực phẩm có thể dễ gây bệnh gút do purine chứa trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật có thể trở thành axít uric khi vào cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo những thực phẩm không nên dùng:
- Rượu, bia và các loại thức uống có cồn.
- Thịt đỏ và nội tạng động vật (chứa nhiều chất béo bão hòa).
- Một số loại hải sản như tôm, tôm hùm, cá mòi, cá ngừ, cá hồi, cá thu...
- Nước ngọt và thực phẩm chứa nhiều đường fructose.
- Thức ăn chế biến sẵn và các loại carbohydrate được tinh luyện, ngũ cốc xay xát kỹ.
Nhiều người thường nghĩ không đúng rằng nhịn đói là cách tốt để ngừa bệnh gút. Ngược lại, biện pháp này có thể khiến bệnh nặng hơn và là cách nên tránh.
Chữa trị và phòng ngừa
Thực hiện lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh lâu dài suốt cả đời là biện pháp trợ giúp quan trọng bên cạnh việc trị liệu bằng thuốc trong những trường hợp cần thiết. Sinh hoạt và thói quen ăn uống tốt cho bệnh nhân gút cũng có lợi cho sức khỏe nói chung, đặc biệt là tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh gút cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim và sự cố tim mạch. Bệnh nhân được khuyên nên dùng nhiều nước, với ít nhất 2 lít/ngày. Nên dùng thực phẩm chứa ít chất béo; các loại hạt thô; các loại trứng; thịt gà nạc ở mức khoảng 56 g/ngày; trái cây chứa ít đường fructose; nấm; các loại rau cải như bắp cải, bó xôi, măng tây, dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu hạt cải; vitamin C trong khoảng 500-1.000 mg/ngày; cà phê. Điều thú vị là có nghiên cứu cho thấy thực vật chứa nhiều purine như đậu Hà Lan, cải bó xôi, nấm, măng tây và bắp cải lại không làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút. Yến mạch cũng không làm tăng nguy cơ bệnh gút, lại rất tốt cho sức khỏe tim mạch...
Với một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chứa purine, triển vọng giảm bệnh ở nhiều người được xem là khả quan. Chế độ ăn như vậy có thể kéo giảm mức độ axít uric và giúp ngăn ngừa những tổn hại cho khớp. Duy trì thể trọng lành mạnh và nếu cần thiết, nên giảm cân có thể kéo giảm nguy cơ bệnh gút đồng thời cũng giúp hạn chế nguy cơ về tim mạch. Một trong những biện pháp hữu ích rõ rệt là tập luyện thể dục với mức độ thích hợp. Sự tập luyện chiếm phần quan trọng trong phòng ngừa và góp phần chữa trị bệnh gút cũng như có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nói chung.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần điều trị để giảm đau và hạn chế cơn đau sắp tới cũng như giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng như sỏi thận và nổi cục u tophi ở những ổ khớp. Thuốc trị liệu thường dùng gồm thuốc kháng viêm không corticoid (NSAID) - thường là dạng thuốc uống giúp hạn chế viêm và đau ở những vùng bị ảnh hưởng. Thuốc dùng cũng có thể là loại giúp kéo giảm sự sản sinh axít uric hoặc cải thiện khả năng thải axít uric trong cơ thể của thận.
Sinh hoạt và thói quen ăn uống lành mạnh hỗ trợ điều trị bệnh gút còn có lợi cho sức khỏe nói chung, đặc biệt là tim mạch.