Một cái ngáp nhìn tương đối đơn giản với miệng há to, luồng không khí đi vào nhanh, ngưng thở một chút rồi tiếp theo là hơi thở dài kèm theo căng, duỗi. Tuy nhiên, quan sát của các nhà khoa học cho thấy động tác ngáp khá phức tạp.
Không chỉ do buồn ngủ
Ngáp kéo dài trong 6 giây, kèm theo những chi tiết: cơ mặt căng và đầu ngã về phía sau; mắt khép hay nhắm lại và thường có nước; nước bọt được tiết ra; vòi nhĩ ở tai giữa mở ra. Ngoài những biểu hiện này, có thể kèm theo những thay đổi về tim mạch, thần kinh cơ và hô hấp mà giới khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu.
Thông thường, chúng ta ngáp khi thấy chán nản hoặc buồn ngủ và các nghiên cứu đã chứng minh đó là thực tế khoa học. Tuy nhiên, đã có ghi nhận như vận động viên nhảy dù ngáp trước khi nhảy; nhạc công ngáp khi bước lên sàn diễn; chó ngáp trước khi tấn công... Những chi tiết đó cho thấy ngáp không chỉ do chán nản hay buồn ngủ.
Điều thú vị là ngáp có cùng một số yếu tố đặc trưng với những hành vi khác. Có những điểm tương đồng về hình dạng mặt đang ngáp với mặt đang đạt khoái cảm tình dục. Vài nhà nghiên cứu tin rằng ngáp và tình dục có chung nguồn gốc, dù điều này có thể bị xem là ngớ ngẩn. Cơ sở của lập luận này là ngáp được kích hoạt bởi hormone sinh dục nam androgen cùng với oxytocin - hormone được tiết ra từ vùng dưới đồi và chi phối não bộ trong quá trình liên quan đến tình cảm và tình dục. Hơn thế nữa, động tác ngáp cũng gây cương ở chuột đực.
Giới khoa học cho rằng con người chúng ta ngáp từ trong bụng mẹ và đó là hành vi của rất nhiều loại động vật. Xét về mặt tiến hóa, cơ chế kiểm soát ngáp có vẻ như nằm ở phần cổ xưa nhất của não bộ. Ví dụ minh chứng điều này là những bệnh nhân xơ cứng hay teo cơ một bên - những người hầu như không kiểm soát được cơ - vẫn có thể ngáp bình thường.
Giới khoa học cho biết trẻ đã bắt đầu ngáp từ trong bụng mẹ Ảnh: THE TELEGRAPH
Cơ sở sinh lý học
Nếu hành vi ngáp vẫn còn giữ được qua quá trình tiến hóa thì chắc chắn nó phải có cơ sở sinh lý học quan trọng để tồn tại. Có một số giả thuyết giải thích nguyên nhân ngáp nhưng chưa được chấp nhận rộng rãi.
Quá ít hoặc quá nhiều khí. Đây là cách giải thích được nhiều người biết. Theo đó, hoặc tình trạng có quá ít carbon dioxide (CO2) hoặc có quá nhiều ôxy (O2) gây nên ngáp nhằm phục hồi sự cân bằng. Giả thuyết CO2/O2 bị bác bỏ vì hơi thở không chứa thuần O2 và mức độ CO2 cao không tác động đáng kể để gây ngáp. Ngáp không hẳn làm thay đổi mức khí trong phổi nhưng thở góp vai trò quan trọng hơn. Thở cũng làm tăng hàm lượng ôxy trong máu và không có bằng chứng cho thấy ngáp có thể làm tốt hơn hơi thở sâu. 400 năm trước Công nguyên, Hippocrates cho rằng ngáp là để tống "khí xấu" khỏi phổi. Rất tiếc, dù lịch sử dạy chúng ta nhiều điều rất hay nhưng lý thuyết lâu đời chưa hẳn đúng.
Ngáp để giúp tỉnh táo. Một giả thuyết khác cho rằng theo cơ chế nào đó, ngáp kích thích và giúp hồi phục não đã mệt mỏi. Điều này có phần hợp lý vì ngáp có khuynh hướng xảy ra trước và sau khi ngủ, cũng như vào lúc mà nhu cầu cần ngủ tăng cao. Tuy nhiên, những ghi nhận bằng điện não đồ không cho thấy sự khác biệt đáng kể nào về trạng thái tỉnh táo trước và sau khi ngáp. Tương tự như vậy, nhu cầu muốn ngủ vẫn tồn tại ở con người dù người đó có ngáp hay không. Do đó, giả thuyết này có vẻ như chưa đủ cơ sở thuyết phục.
Điều chỉnh nhiệt. Đây là cách giải thích tương đối mới về ngáp, theo đó, tiến trình ngáp giúp hạ nhiệt độ ở não trong trường hợp nhiệt độ tăng. Cách giải thích này chưa đầy đủ vì không nêu bằng chứng khoa học cụ thể làm thế nào ngáp có thể giúp làm "nguội" não.
Giảm áp lực tai. Một giả thuyết khác cho rằng ngáp làm giảm áp lực ở tai giữa và đây là cách để bảo vệ tai. Ý kiến phản bác đồng ý rằng trên thực tế ngáp làm giảm áp lực khí ở tai giữa. Tuy nhiên, nhai và nuốt cũng có tác dụng tương tự và khi lên cao - với tình trạng áp suất không khí cao hơn - tại sao chúng ta không ngáp nhiều hơn. Mặt khác, giả thuyết này không giải thích được tại sao khi buồn ngủ, con người lại ngáp nhiều hơn.
Ngáp lây lan là do đồng cảm
Tình trạng ngáp có khả năng lan truyền từ người này sang người khác đã được nhiều nghiên cứu ghi nhận và đặc biệt sự lây lan này chỉ xảy ra ở người lớn và trẻ trên 5 tuổi.
Chuyên gia tâm lý Mỹ Steven Platek thuộc ĐH New York và cộng sự đã quan sát một số khu vực ở não của nhóm người đang nhìn người khác ngáp. Họ kết luận: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm luận cứ, theo đó, khả năng ngáp lây lan có thể phụ thuộc vào hệ thống thần kinh liên quan đến sự đồng cảm".