Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết Hà Nội là một trong những địa phương có số ca mắc tăng bất thường. Tại Hà Nội đã phát hiện có tới 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH), thậm chí có những quận - huyện ở Hà Nội tỉ lệ người mắc SXH cao như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Cầu Giấy... Thông thường, đỉnh dịch SXH rơi vào tháng 9 và tháng 10 nhưng năm nay mới tháng 7 mà Hà Nội đã rơi vào đỉnh dịch. Điều đáng chú ý, nếu như năm 2016, qua giám sát cho thấy các bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội là do virus type D1, thì năm nay đã phát hiện thêm virus type D2 và D4.
Sợ độc, người dân từ chối phun hóa chất
Thời gian qua có tình trạng rất nhiều hộ gia đình không hợp tác khi đội cơ động cán bộ y tế vào nhà phun hóa chất diệt muỗi vì sợ độc. "Qua thống kê có tới 20% hộ gia đình đi vắng khi diệt bọ gậy, 5% không cho phun hóa chất, 7% hộ gia đình đi vắng khi phun hóa chất trong ổ dịch" - ông Hạnh nói.
Trong khi một bộ phận người dân cho rằng hóa chất diệt muỗi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên trong gia đình thì một số khác quá lo lắng nên đã tìm đến các cơ sở dịch vụ phun hóa chất muỗi để thuê người về phun thuốc diệt muỗi tại nhà. Ông Hà Tấn Dũng, Trưởng Phòng Ký sinh trùng côn trùng Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. "Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người" - bác sĩ Dũng nói.
Phun hóa chất chỉ được coi là biện pháp tạm thời, quan trọng nhất là người dân phải có ý thức diệt muỗi mỗi ngày
Phun hóa chất chỉ là biện pháp tạm thời
Trước thông tin cho rằng hóa chất làm cho muỗi "kháng" thuốc, chỉ say chứ không chết, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết thực tế việc phun thuốc chỉ có tác dụng nhất thời với những con muỗi trưởng thành, chết ngay lúc đó mà ông gọi là "nốc ao" nhưng đây là phun sương chứ không phải phun lên tường như diệt muỗi sốt rét nên không có tác dụng lâu dài. Chỉ có diệt lăng quăng thường xuyên liên tục, hằng ngày thì mới lâu dài. Nếu không, ngày hôm sau lăng quăng nở ra thành muỗi thì lại tưởng là thuốc "rởm" - ông Dương giải thích.
Ông Dương cho rằng để phòng SXH, người dân phải trở thành chủ thể, là chiến sĩ, mỗi gia đình phải là pháo đài chống SXH, chứ không thể trông chờ vào cách làm theo kiểu kỳ, đợt. "Một cái nắp bia, một cái lá khô cũng thành ổ bọ gậy sẽ nở ra hàng trăm con. Chỉ cần một gia đình không cho phun thuốc, không giữ gìn vệ sinh… thì sẽ ảnh hưởng đến toàn khu vực. Việc phòng bệnh không thể do một mình ngành y tế thực hiện được bởi muỗi truyền bệnh phát triển từ chính trong nhà người dân và gia đình đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển. Vì vậy, muốn diệt muỗi hiệu quả phải có sự tham gia tích cực của từng người dân, hộ gia đình" - PGS Dương nhấn mạnh.
Các chuyên gia dịch tễ cũng cho biết việc phun thuốc diệt muỗi SXH khác với phun thuốc diệt muỗi sốt rét. Tại vùng dịch SXH, người ta phun dưới dạng thể tích cực nhỏ, tức là tung lên không gian một lượng hạt hóa chất có kích thước rất bé, bay lơ lửng trong hàng giờ và dính vào muỗi để diệt muỗi. Do hiệu lực của hóa chất diệt muỗi truyền bệnh không tồn lưu kéo dài nên cần phải phun lặp lại vài lần. Biện pháp phun hóa chất không gian thường được áp dụng ở trong nhà và chung quanh nhà tại các thành phố, làng mạc và đôi khi cũng được thực hiện tại những nơi trú đậu của muỗi truyền bệnh ở ngoài nhà như vườn rau hoặc đầm ao.
Hiện các loại hóa chất được Bộ Y tế cho phép sử dụng để phun diệt muỗi SXH gồm Permethrin, Deltamethrin, Malathion. Hóa chất sử dụng trong phun diệt muỗi phòng chống SXH có tính độc cho động vật có vú như con người là rất thấp và sử dụng với liều lượng thấp đồng thời phun dưới dạng thể tích cực nhỏ nên về cơ bản không có tồn lưu lâu. Do đó, tính độc cho sức khỏe con người là rất thấp. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo khi phun hóa chất diệt muỗi, cần lưu ý che đậy thức ăn, nguồn nước. Ngoài ra, nên sơ tán chim cảnh, dâu tằm, vật nuôi và nếu phun dưới dạng khí dung hạt cực nhỏ thì nên ra khỏi nhà khoảng 1 giờ sau đó mới quay trở lại.