Vấn đề tiêu hóa được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng. Tuy nhiên, những diễn biến bất thường ở bất kỳ cơ quan hoặc thành phần nào trong ổ bụng cũng có thể gây đau. Những bộ phận quan trọng đó có thể là nội tạng như dạ dày, thận, gan, ruột non, ruột già, ruột thừa, tuyến tụy, túi mật, lách, cơ, mạch máu và mô liên kết.
Nguyên nhân
Động mạch chủ và các mạch máu nhỏ hơn từ tim đi qua bụng và ổ bụng cũng là nơi chứa những cơ thiết yếu như 4 nhóm cơ nhằm giữ cho thân bụng ổn định, đồng thời duy trì và bảo vệ các cơ quan ở đúng vị trí. Dưới đây là những nguyên nhân gây đau bụng thường gặp:
- Viêm dạ dày ruột: Thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra khiến bệnh nhân bị trướng bụng, đầy hơi, sốt, nôn mửa, quặn bụng, tiêu chảy. Dạ dày viêm và sưng cũng có thể kèm theo những triệu chứng tương tự.
- Không dung nạp thực phẩm: Lượng khí tăng lên khi thức ăn được xử lý ở ruột non nhưng cơ thể khó dung nạp gây đau. Áp lực khí đè lên ruột gây đầy hơi, đau quặn thắt, nôn, tiêu chảy.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Bệnh nhân có thể khó tiêu hóa với một hoặc vài dạng thực phẩm nào đó. Đau bụng là triệu chứng chủ yếu kèm theo đầy hơi, trướng bụng, quặn bụng và nôn.
- Trào ngược axít: Một số trường hợp axít ở dạ dày trào ngược lên họng, gây cảm giác nóng và đau, trướng bụng, quặn bụng, nôn. Triệu chứng tương tự cũng được nhận thấy ở bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Nôn: Bệnh nhân nôn nhiều có thể gây đau bụng khi axít dạ dày trở ngược vào đường tiêu hóa, kích thích các mô ở đó. Nôn cũng khiến cơ bụng bị đau.
- Táo bón: Khi ruột bị đầy chất thải, áp lực lên ruột kết tăng thêm khiến bệnh nhân có thể bị đau bụng.
Lưu ý những trường hợp đau bụng nặng, kèm theo triệu chứng bất thường cần được chăm sóc y tế khẩn cấpẢnh: KAISER HEALTH NEWS
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Vết loét chưa lành là nguyên nhân gây đau bụng nhiều và dai dẳng. Nguyên nhân sâu xa hơn có thể do vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc do bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS).
- Bệnh Crohn: Bệnh gây viêm thành trong của đường tiêu hóa dẫn tới đau bụng, đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy. Vì đây là bệnh mạn tính nên có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm cân, kiệt sức.
- Bệnh Celiac: Dạng bệnh dị ứng với gluten - một protein có nhiều trong vài loại hạt. Bệnh gây viêm ở ruột non, khiến bệnh nhân đau bụng kèm theo tiêu chảy, trướng bụng.
- Đau bụng do kinh nguyệt hoặc lạc nội mạc tử cung: Nhiều trường hợp kinh nguyệt kèm theo đau quặn thắt, đầy hơi, trướng bụng và táo bón. Chứng lạc nội mạc tử cung cũng có thể dẫn tới viêm mạn tính và gây đau.
- Nhiễm trùng bàng quang và đường tiết niệu: Thường do vi khuẩn và chủ yếu là dạng khuẩn E.coli khu trú ở bàng quang và niệu đạo, với những triệu chứng như đau, thắt và trướng ở vùng bụng dưới. Nhiều trường hợp đau khi tiểu tiện; nước tiểu sẫm màu và nặng mùi.
Bệnh nặng tiềm ẩn
Một số nguyên nhân gây đau bụng ít gặp hơn nhưng là dấu hiệu bệnh tật cần được chăm sóc y tế ngay, bao gồm: Viêm hoặc vỡ ruột thừa; nhiễm trùng thận, viêm thận hoặc sỏi thận; viêm gan, sỏi mật; ngộ độc thực phẩm; nhiễm ký sinh trùng; viêm các cơ quan ở bụng hoặc thiếu máu cục bộ đường ruột; cơn đau thắt ngực không điển hình do bệnh tim hoặc suy tim sung huyết; đau bụng do ung thư một số cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, tụy, ruột; thoát vị hoành; u nang.
Cơn đau bụng thông thường không nghiêm trọng và có thể được giải quyết tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, bổ sung nước, dùng các loại thuốc thông thường và có thể khỏi sau một, hai ngày. Tuy nhiên, những trường hợp đau bụng nặng cấp tính và mạn tính cần được trị liệu và chăm sóc y tế. Một số triệu chứng đòi hỏi có bác sĩ khám nghiệm và điều trị như: giảm cân hay kiệt sức không rõ lý do; thay đổi hoặc rối loạn nhu động ruột gây táo bón hay tiêu chảy không chữa khỏi; hậu môn chảy máu hoặc có máu trong phân; phụ nữ có dịch tiết âm đạo bất thường; có dấu hiệu nhiễm trùng tiết niệu.
Một số trường hợp hiếm gặp cần cấp cứu khi có triệu chứng nặng bất thường bao gồm: đột ngột đau rất nặng kèm theo sốt cao; đau rất nặng chỉ tập trung một chỗ; phân có máu hoặc phân đen; nôn nhiều, đặc biệt là nôn có máu; không thể đi tiểu; ngất xỉu; cơn đau nhanh chóng trở nên trầm trọng; đau ngực, đặc biệt là quanh xương sườn và kéo dài xuống bụng.
Vấn đề tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng, nhiều trường hợp có thể tự khỏi hoặc được chữa trị bằng các loại thuốc thông thường.