Biểu hiện do nhiễm liên cầu khuẩn ở trẻ em có thể chỉ giống như bị viêm họng nhưng sau đó trẻ có thể bị bí đái, phù, mệt mỏi do viêm cầu thận cấp.
Hàng loạt học sinh bỗng dưng mắc bệnh
Trong vòng 3 tháng qua tại xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, Nghệ An) có 20 học sinh tiểu học và THCS mắc cùng triệu chứng nghi nhiễm bệnh viêm cầu thận cấp, trong đó có 2 học sinh đã tử vong. Ngày 23-2, đoàn công tác của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã trực tiếp về xã Hạnh Dịch tìm nguyên nhân khiến hàng loạt học sinh bị suy thận. Ông Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, hiện chưa xác định nguyên nhân hàng loạt học sinh ở Hạnh Dịch mắc bệnh nhưng ban đầu có thể do viêm cầu thận cấp nghi do liên cầu khuẩn. Hiện đoàn công tác của Bộ Y tế và các bác sĩ đã khám sàng lọc, lấy mẫu máu, nước tiểu học sinh để xét nghiệm, tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Trước đó, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong cho biết 2 trường hợp tử vong khi vào bệnh viện đều có biểu hiện suy thận, rối loạn điện giải nặng, tổn thương do hoại tử ống thận. Khi xảy ra tình trạng hàng loạt học sinh cùng có biểu hiện bệnh giống nhau, trung tâm y tế dự phòng đã phối hợp chính quyền địa phương tổng vệ sinh môi trường, tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh cá nhân cho học sinh và người dân tại vùng này.
Nói về bệnh lý do vi khuẩn liên cầu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết liên cầu khuẩn có hàng chục tuýp và thường lây nhiễm vào cơ thể người ở da, vùng họng, gây viêm da hoặc viêm họng. Liên cầu khuẩn cũng lây qua hô hấp và tiếp xúc với người bệnh. Khi liên cầu khuẩn gây bệnh, cơ thể thường sinh ra kháng thể để chống lại liên cầu khuẩn nhưng đồng thời cũng có thể gây viêm cầu thận cấp, viêm van tim, viêm khớp. Bệnh có thể gây tử vong vì các biến chứng viêm cầu thận cấp, phù phổi cấp, suy tim... Ngoài ra, có một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu (ở vùng họng hoặc da) bị biến chứng như viêm cầu thận cấp, viêm van tim hoặc viêm khớp. Theo bác sĩ Cấp, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn cũng thường gặp ở trẻ em từ 5-15 tuổi.
Khó phát hiện bệnh sớm
Theo bác sĩ Cấp, rất khó phát hiện các biến chứng do liên cầu khuẩn từ sớm. Vì thế, nếu trẻ em viêm họng, viêm da vài ngày và xuất hiện các triệu chứng như đau khớp, khó thở, tiểu ít, phù mặt, mệt mỏi thì nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác. Các xét nghiệm tìm ra chủng liên cầu khuẩn phải được thực hiện bởi các cơ sở y tế đủ điều kiện. Bác sĩ Cấp cho biết viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn cũng dễ điều trị nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh thường được phát hiện sau khi đã biến chứng nặng, do đó việc điều trị phức tạp và trong thời gian dài.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết dấu hiệu cơ bản nhất của viêm họng do liên cầu khuẩn là trẻ sốt, mệt mỏi, lưỡi bẩn, đau họng, đau đầu, đau bụng. Đặc biệt hay có viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm sưng, đau... Có tới 80% trẻ em bị viêm họng, viêm da do liên cầu khuẩn đều không gây nguy hiểm cho trẻ. Chỉ có khoảng 20% ca bệnh còn lại có thể gây biến chứng viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim khi được điều trị không triệt để. PGS-TS Dũng lưu ý các bậc phụ huynh tuyệt đối không chủ quan với các triệu chứng viêm họng của trẻ. Khi trẻ sốt, mệt mỏi, lưỡi bẩn, đau họng, đau đầu, đau bụng, có hạch vùng cổ... cần đưa trẻ đi khám và điều trị dứt điểm.
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả nên chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Để tránh nhiễm trùng thứ phát và biến chứng thấp khớp, tim, thận... thì người dân cần phải phát hiện sớm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn ở da, ở họng. Trong trường hợp phát hiện các chùm ca bệnh liên cầu khuẩn cần khám sàng lọc, phát hiện các ca bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn, điều trị dứt điểm để tránh bệnh lây lan.
Liên quan đến sự việc này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đang điều trị cho người bệnh tập trung cứu chữa các trường hợp đang nằm điều trị, trường hợp bệnh vượt quá khả năng của BV đề nghị chuyển tuyến hoặc yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Sở Y tế Nghệ An báo cáo cụ thể về vụ việc trước ngày 28-2.